Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Dư âm Nguyễn Bá Thanh

Từng được Financial Times, một tờ báo danh tiếng của nước ngoài ví von là Lý Quang Diệu của Việt Nam, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh luôn gây ấn tượng mạnh mẽ trước công chúng bởi những phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt mà không phải vị cán bộ nào cũng dám nói.

“Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu”

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã tuyên bố như vậy trong buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã, phường đến các quận, huyện và sở ban ngành TP Đà Nẵng hôm 24/2/2012, được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình Đà Nẵng.


Tại buổi nói chuyện này, ông Nguyễn Bá Thanh đã thắng thắn đề cập đến những vấn đề gai góc, tế nhị, nhạy cảm, khó nghe nhất nhưng cũng thiết thực nhất trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đà Nẵng, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, chạy chức quyền. Cụ thể, ông Thanh khẳng định: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Ngoài ra, ngay sau tuyên bố trên, ông Thanh đưa ra lời khuyên đối với người làm công tác cán bộ: “Người làm công tác cán bộ phải vô tư, phải tự đi tìm cán bộ để bổ nhiệm chứ đừng để cán bộ tìm tới mình. Khi người ta chạy tới nhà các đồng chí đem cái này, cái khác tới biếu để được bổ nhiệm... những cán bộ như thế nếu được bổ nhiệm chỉ có hại cho Đảng, cho chế độ. Tôi xin nói thật là những ai đã làm được việc thì họ không bao giờ chạy chọt, xin xỏ đâu”.

Tuy nhiên, tại đây ông Thanh cũng không ngại thừa nhận công tác cán bộ tại một số nơi tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu công bằng: “Hiện công tác đánh giá cán bộ là khâu khó nhất. Nhưng các đồng chí yên tâm, cố gắng làm tốt sẽ được đề bạt, bổ nhiệm, được thăng tiến, chứ không phải chạy chọt, chung chi là lên chức đâu”.

Tuyên bố của Bí thư thành ủy Đà Nẵng diễn ra trong bối cảnh, sau ba năm liên tiếp dẫn đầu cả nước (2008, 2009 và 2010) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2011 Đà Nẵng rớt xuống vị trí thứ 5. Theo ông Thanh, nguyên do là một biểu hiện của việc một bộ phận cán bộ thành phố thiếu tâm huyết, nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm. Do đó, Tuyên bố của Bí thư Thành ủy ngay trong buổi nói chuyện đầu năm được đánh giá là có tác dụng khích lệ tinh thần cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đà Nẵng phấn đấu công tác nhằm đề giữ vững vị thế là môt cực kinh tế hàng thứ ba của Việt Nam của Đà Nẵng và theo đà này, giúp thành phố tiếp tục phát triển hơn nữa.

“Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”

Ông Thanh đã từng nhận xét, “Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”. Đúng là nhờ những khát vọng và mong muốn đưa quê hương ngày càng phát triển mà đến nay, sau hơn 16 năm từ khi tách tỉnh, Đà Nẵng đã trở thành địa phương đạt nhiều “cái nhất” trong cả nước. Từ quy hoạch tốt nhất, giải tỏa nhiều nhất với hơn 97 nghìn hộ dân, nhiều cầu độc đáo nhất, được công nhận là thành phố sạch nhất, các công trình đạt kỷ lục thế giới, ba năm “nhất” về PCI, về ứng dụng công nghệ thông tin…đến những “cái nhất” đậm chất nhân văn như chương trình “5 không”, “ba có” độc đáo nhất; lo Tết cho dân và cho phụ nữ nghèo chu đáo nhất; miễn thủy lợi phí sớm nhất; đối thoại với nhân dân rộng rãi nhất; hoàn thành chương trình mổ tim cho trẻ em nghèo bất hạnh sớm nhất; xây dựng Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Sản – Nhi lớn nhất; Quỹ vay vốn cho người hoàn lương, chương trình chạy thận nhân tạo miễn phí độc đáo nhất…

Nhưng với những người làm lãnh đạo, làm công bộc cho nhân dân thì “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”, ông Bí thư Thành ủy tự hào chia sẻ trong buổi nói chuyện thân mật kéo dài tới ba tiếng với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã, phường đến các quận, huyện và sở ban ngành TP Đà Nẵng hôm 24/2/2012.

Lý giải cho những thành quả đáng tự hào đã đạt được của thành phố Đà Nẵng ông Thanh nói: “Đà Nẵng đã tạo nên cái được lớn nhất là được lòng dân, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong nhân dân. Tất cả những việc đó dần dần qua năm tháng đã tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng. Chúng ta có quyền tự hào về những việc làm được trong 15 năm qua, đã hình thành nên một Đà Nẵng hấp dẫn và lôi cuốn hơn”.

Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân một chuyến về thăm và làm việc tại Đà Nẵng cũng đánh giá: “...Đà Nẵng với những thay đổi rất đáng khâm phục. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng. Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp”..

"Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”

Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã tuyên bố như vậy với báo chí trong bối cảnh dư luận xôn xao bàn tán quanh việc chính quyền Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư. Mọi chuyện bắt đầu từ việc Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 23, trong đó ghi rõ “Trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự. Tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, thường trú tại nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ”.

Giải thích lý do Đà Nẵng ra Nghị quyết 23, ông Thanh tuyên bố: “Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy”.

Cuối năm 2011, Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu Thành phố môi trường bền vững ASEAN. Đây là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố.

Điều đó giải thích lý do vì sao Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hành động này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường xanh, sạch, đẹp, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống” với sự phát triển bền vững về môi trường.

“Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”

Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thay gây ấn tượng bất ngờ khi đề cập đến một khái niệm được đánh giá là “khá lạ lẫm” nhưng cũng “rất chí lý và thấm thía” đó chính là “văn hóa xấu hổ”. Chuyện xuất phát từ việc “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” hoặc thậm chí không làm mà vẫn hứa với dân của một số cán bộ, ông Thanh nhấn mạnh: “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”.

Điều đó có nghĩa là, đối với những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.

 “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ”

Đây là một phát biểu đáng nhớ, thể hiện rõ khí phách quyết liệt khi làm quan của ông Thanh trong buồi nói chuyện về Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2011 của Đà Nẵng.

Buổi nói chuyện trên gây được nhiều tiếng vang, tạo được nhiều ấn tượng đối với tất cả những người tham dự khi ông tuyên bố: “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ. Bí thư cấp quận, huyện đến Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, chi hội phụ nữ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của quỹ và vào cuộc quyết liệt!”.

Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của Đà Nẵng là một chương trình hành động mang ý nghĩa nhân văn, được phát động trong các chi hội phụ nữ các cấp ở Đà Nẵng, theo đó, mỗi năm, mỗi phụ nữ sẽ đóng góp 500.000 đồng vào quỹ thuộc chi hội của mình, ai có  điều kiện thì đóng góp cao hơn. Một điều đặc biệt là, những hộ phụ nữ nghèo thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đóng góp giúp đồng thời ngân sách thành phố cũng sẽ hỗ trợ khoản tiền tương đương để từ đó hình thành một quỹ trong mỗi tổ, mỗi chi hội phụ nữ. Quỹ này sẽ được dùng trong trường hợp bất cứ thành viên nào trong tổ, chi hội phụ nữ, gặp khó khăn, gặp chuyện khẩn cấp cần vay  tiền nóng hoặc cần vốn làm ăn… thì khỏi phải chạy vạy đi vay nặng lãi, mà đến ngay với quỹ để mượn tiền với lãi suất rất thấp là 0,5%.

Cũng trong buổi nói chuyện thân mật trên, ông Thanh cũng mạnh mẽ cam kết các cấp ủy Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết sức trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn, các hộ phụ nữ nghèo đơn thân bằng nhiều hành động thiết thực, không để họ cô độc trong cuộc sống. Theo Bí thư Thành ủy, không có gì là có ngay từ đầu; chủ trương đúng rồi thì cứ làm, có gì chưa đúng thì điều chỉnh. Vấn đề là phải hành động, hành động và hành động quyết liệt hơn nữa.

Cuối cùng, vị Bí thư thành ủy bày tỏ tin tưởng về sự thành công của mô hình Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo mà Đà Nẵng đang phát động và tích cực triển khai: “Không biết tôi có lạc quan quá hay không, nhưng quan sát chung thì tôi tin quỹ này sẽ có lợi, sẽ giải quyết được nhiều việc lắm. Tôi có niềm tin về hiệu quả của cách làm này. Nếu làm tốt, không chừng đây sẽ là mô hình tốt cho phụ nữ cả nước làm theo!”.

Bạch Dương (tổng hợp)

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Bộ Tư pháp đề nghị Đà Nẵng hủy quy định 'cấm nhập cư'

Sau khi xem xét đầy đủ các luật liên quan, cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp khẳng định, không có bất kỳ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền để tước đoạt hay ngăn cản quyền lợi hợp pháp của công dân.

-> Phát ngôn mạnh bạo của ông Nguyễn Bá Thanh

Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa hoàn tất văn bản gửi HĐND Đà Nẵng về việc kiểm tra nghị quyết 23 của HĐNĐ thành phố này. Trong điều 1 của nghị quyết này quy định "tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự".

Sau khi xem xét các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Cư trú, Cục kiểm tra văn bản khẳng định, "các luật đã dẫn không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh quyền 'tạm dừng' (ngưng) hiệu lực của Luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân được Quốc hội (bằng luật) trao cho họ. Luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Việc tạm ngưng hiệu lực của luật nếu có phải do Quốc hội quyết định".


Người dân đến hỏi thủ tục nhập cư vào Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cũng theo cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp (căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Luật Cư trú được ban hành sau Luật Tổ chức HĐND và UBND đồng thời có những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện... được nhập hộ khẩu thường trú vào một địa bàn hành chính, lãnh thổ. Do vậy, các quy định này phải có hiệu lực, không thể viện dẫn Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định về thẩm quyền của HĐND để đưa ra các quy định trái Luật Cư trú.

Dẫn ra trường hợp của Hà Nội và TP HCM về vấn đề cư trú (siết nhập cư thông qua quy định về diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn mỗi người), Cục kiểm tra văn bản cho biết, hai thành phố này cũng không loại trừ các trường hợp "chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự" như quy định của HĐND Đà Nẵng.

Cục kiểm tra còn đề cập tới hai nội dung khác của Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng. Theo đó, quy định "Đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày" do HĐND thành phố trực tiếp đưa ra hình thức xử lý là không đúng thẩm quyền. Việc "tạm dừng đăng ký mới đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ" là cần thiết song cần phải có quy định thời gian cụ thể của việc tạm dừng và các điều kiện kèm theo.

Với các phân tích này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị HĐND thành phố Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về thời hạn của việc tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh cầm đồ và các điều kiện kèm theo.

Theo quy định hiện hành, việc tự kiểm tra, xử lý phải được thực hiện ngay tại kỳ họp tới đây của HĐND thành phố Đà Nẵng.

Cuối tháng 12/2011, HĐND Đà Nẵng thông qua nghị quyết về việc tạm dừng đăng ký mới nhập cư vào thành phố. Theo nghị quyết này, người từ các địa phương khác đến Đà Nẵng sẽ không được đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, họ vẫn được đăng ký tạm trú.

Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn từng đã dẫn ra hàng loạt quy định của Luật cư trú, Luật tổ chức HĐND và UBND và khẳng định: việc tạm dừng đăng ký thường trú mới tại khu vực nội đô thành phố để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên là không trái Luật cư trú và các quy định pháp luật khác. Trong thời gian chưa có ý kiến của cấp trên, thành phố này đã hạn chế nhập cư tại hai quận trung tâm là Thanh Khê và Hải Châu.

Nguyễn Hưng

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Phát ngôn mạnh bạo của ông Nguyễn Bá Thanh

Sáng 19/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đối thoại với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng TP.

Cuộc đối thoại xoáy sâu về trấn áp tội phạm, chấn chỉnh lực lượng CSGT. Riêng về phần lực lượng bộ đội biên phòng, ông Thanh yêu cầu phải tăng cường tuần tra các tuyến đường ven biển, phường ven biển. Đảm bảo trị an, chấn chỉnh tình trạng mất trật tự tại các cảng cá.

Đà Nẵng: CSGT nhận mãi lộ là "về vườn", Tin tức trong ngày, csgt nhan mai lo, chinh sach cua da nang, chu truong da nang, bi thu thanh uy da nang, nguyen ba thanh, canh sat giao thong, canh sat tieu cuc, tran ap toi pham, trang thiet bi canh sat, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh

Không chấp nhận CSGT nhận hối lộ

Mở đầu cuộc đối thoại, đề cập đến cuộc chiến chống mãi lộ trong CSGT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh các biện pháp đã và sẽ được thực hiện để giám sát nghiêm khắc lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Chẳng hạn việc luân chuyển CSGT tại bốn trạm CSGT tại cửa ô Hòa Phước, Hòa Hải, Hòa Nhơn và Kim Liên ba tháng một lần, lắp đặt camera và đưa xe vi phạm đến trước camera tại bốn trạm trên, bổ sung thêm 100 cán bộ, chiến sĩ cho CSGT, hỗ trợ cán bộ CSGT trực tiếp xuống đường 5 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ cho CSGT trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm với mức tương ứng 10% số tiền xử phạt...

Bí thư Nguyễn Bá Thanh cũng nêu một số hiện tượng tiêu cực trong ngành như CSGT ăn chung chi của chủ xe, khi các chủ xe không chung chi thì bị hành cho ra bã… Đồng thời, ông đặc biệt nhấn mạnh: “Sau khi đã tăng tiền hỗ trợ và luân chuyển, nếu CSGT nào tiêu cực, nhận hối lộ, chung chi thì sẽ phải bị rút quân tịch, xử lý đảng và đưa ra khỏi lực lượng. Yêu cầu lãnh đạo chủ chốt quán triệt trong toàn lực lượng CSGT từ TP đến quận, huyện. Ai cũng phải thông chủ trương này”.

Đà Nẵng: CSGT nhận mãi lộ là "về vườn", Tin tức trong ngày, csgt nhan mai lo, chinh sach cua da nang, chu truong da nang, bi thu thanh uy da nang, nguyen ba thanh, canh sat giao thong, canh sat tieu cuc, tran ap toi pham, trang thiet bi canh sat, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

CSGT Đà Nẵng sẽ nói không với nạn mãi lộ
CSGT Đà Nẵng sẽ nói không với nạn mãi lộ?

“Dân ới một tiếng là phải có mặt”

Về lực lượng cảnh sát trật tự (CSTT), ông Thanh yêu cầu: “CSTT phải hoạt động mạnh mẽ lên, phản ứng nhanh vào. CSTT là khi dân ới một tiếng phải có mặt ngay, chứ cứ để các vụ án xảy ra rồi mới tới thì quá chậm”.

Ông Thanh lưu ý phải củng cố hệ thống đường dây nóng và phải đưa đường dây nóng của HĐND TP vào hoạt động. Hiện tại hệ thống đường dây nóng này đang hoạt động 24/24 giờ và luôn có 10 người trực tiếp nhận thông tin từ người dân, du khách, doanh nghiệp gọi phản ánh.

Ông Thanh cho rằng ở Đà Nẵng hiện tượng tội phạm không ghê gớm như ở Hà Nội hay TP.HCM. “Bảo kê, trộm cắp, ma túy, đánh nhau… cũng chỉ có mấy đối tượng thôi. Vì vậy lực lượng công an phải nắm rõ, theo dõi băng nhóm nào mạnh, ai chỉ huy thì có thể xử lý nhanh thôi” - ông Thanh khẳng định và nhấn mạnh không thể chấp nhận được các cán bộ chưa làm mà cứ than thở, không làm mà cũng đòi cho ra kết quả tốt.

Trang bị xịn cho cảnh sát chống cướp

Theo ông Thanh, để tăng cường sức chiến đấu cho cảnh sát chống cướp giật, Công an TP cần tuyển một số thợ máy giỏi về chế roa, đôn nòng, làm côn và xi lanh để tăng tốc độ cho các loại xe máy của Công an TP nhằm dễ truy bắt đối tượng cướp giật. Đồng thời, phải tập luyện cho lực lượng này kỹ năng chạy xe để các anh em có trình độ chạy xe giỏi, có trang bị mũ bảo hiểm đặc biệt, công cụ hỗ trợ.

Đà Nẵng: CSGT nhận mãi lộ là "về vườn", Tin tức trong ngày, csgt nhan mai lo, chinh sach cua da nang, chu truong da nang, bi thu thanh uy da nang, nguyen ba thanh, canh sat giao thong, canh sat tieu cuc, tran ap toi pham, trang thiet bi canh sat, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Lực lượng chống cướp giật Công an TP Đà Nẵng
Lực lượng chống cướp giật Công an TP Đà Nẵng

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu tăng cường thêm 20 chiến sĩ cho lực lượng cảnh sát chống cướp giật và yêu cầu lực lượng này phải tuần tra tại khu vực các KCN, tiệm vàng, ngân hàng, chợ đầu mối. “Phải hóa trang làm sao cho các đối tượng phạm tội không nhận diện được đâu là cảnh sát chống cướp giật, đâu là dân. Nếu bắt được các đối tượng này thì không nương tay mà xử lý ở khung hình phạt cao nhất” - ông Thanh yêu cầu.

Liên quan đến lực lượng này, Thượng tá Phan Thanh Sương, Trưởng phòng PC65, đề xuất: “Đề nghị TP sớm giải quyết chế độ cho hai đồng chí, một hy sinh, một bị thương nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Đồng thời, cần phải xây dựng chỗ ở, chỗ nghỉ và chỗ tập luyện cho anh em cảnh sát cơ động và cảnh sát chống cướp giật, bố trí tại các khu vực gần trung tâm. Vì đây là lực lượng trấn áp tội phạm khủng bố, bắt cóc, cướp giật, nếu các vụ án xảy ra tại TP thì có thể tiếp cận nhanh”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã đồng ý với các đề xuất trên và cho biết sẽ tăng mức hỗ trợ từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng/chiến sĩ/ngày đêm cho cảnh sát chống cướp giật.

Quá hạn phân làn đường: GĐ Sở GTVT nên từ chức

Đại tá Nguyễn Đến - Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng kiến nghị, hiện công tác phân làn đường tại một số tuyến đường ở Đà Nẵng vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Vì thế, nên đề nghị lùi thời hạn (1/4) kiểm tra, xử phạt phân làn. Ngay lập tức, ông Thanh yêu cầu gọi Giám đốc Sở GTVT Đặng Việt Dũng đến để đối chất.

Theo lãnh đạo thành phố: Đã lùi thời hạn mấy lần rồi, đã cho thời gian chuẩn bị, cho nên bây giờ lùi một ngày cũng không được. Phải làm ngay từ 1/4.

Sau khi nghe giám đốc Đặng Việt Dũng hứa sẽ cố gắng làm xong, ông Thanh nhắc lại: Nếu đúng hạn 1/4 vẫn chưa chuẩn bị xong để CSGT triển khai công tác hướng dẫn, xử lý xe cộ phân làn đường, ông (GĐ Sở GTVT – PV) nên viết đơn xin từ chức đi là vừa.

Xây nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm để chống mũ dỏm

Đề cập chuyện kiểm tra mũ bảo hiểm, ông Thanh nói: “Cái đầu quan trọng vậy nhưng mũ đội trên đầu toàn mũ giả, mũ dỏm. Vì thế TP sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm trong thời gian tới để phục vụ người dân. Trong lúc chưa kịp xây thì sẽ có trạm kiểm soát mũ bảo hiểm (trên đường Cách Mạng Tháng Tám) vào ngày 1/4 do tổ liên ngành thí điểm việc kiểm tra mũ bảo hiểm đối với người đi đường.

CSGT có nhiệm vụ dừng xe máy, Sở Khoa học - công nghệ phải đưa máy ra kiểm tra, cái nào dỏm thì đập bể tại chỗ. Cạnh đó có “các anh” của Ban an toàn giao thông sẽ bán mũ với giá 50.000 đồng/mũ”.

Tuy nhiên, ông dặn thêm phải chọn chỗ có bóng mát, dù che, người dân ngồi vào có nước uống và thái độ tiếp dân phải rất lịch sự. Với biện pháp như vậy mới đảm bảo an toàn cho người dân khi điều khiển xe máy.

Muốn xây dựng TP Đà Nẵng đáng sống, thanh bình thì công an phải siết chặt quản lý, phải bảo vệ được người dân, du khách. Nhiều người lùa cả đàn con đi xin ăn, còn bẻ tay bẻ chân. Du khách đang ăn tại hàng quán mà lại vào làm phiền, xin ăn, bu bám, không cho thì không đi, cuối cùng cũng phải cho. Làm thế thì du khách sợ, còn làm du lịch được gì nữa!

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng NGUYỄN BÁ THANH

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Bí thư Nguyễn Bá Thanh: Cảnh sát tiêu cực sẽ cho vườn

Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Bá Thanh – bí thư Thành ủy Đà Nẵng – trong buổi nói chuyện với gần 200 cán bộ chủ chốt của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát chống tội phạm cướp giật của Đà Nẵng sáng 19-3.

Tại cuộc nói chuyện về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, ông Thanh nhấn mạnh: “Tình hình giao thông đang có dấu hiệu hỗn loạn, băng nhóm tội phạm cũng manh nha. Vì vậy lực lượng cảnh sát rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố đáng sống”.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng làm nhiệm vụ

Lắp camera giám sát CSGT

Nói chuyện với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), ông Thanh cho biết năm 2012 sẽ có nhiều chủ trương chính sách mới vừa khuyến khích, động viên nhưng cũng phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Theo ông, với việc xử lý quyết liệt trên địa bàn TP, từ gần 10 năm qua đã không có hiện tượng đua xe như các TP lớn khác. Ông Thanh yêu cầu CSGT tại bốn trạm cửa ô mỗi quý phải đổi tất cả quân một lần để tránh tình trạng cánh lái xe đường dài quen biết xin xỏ, nảy sinh tiêu cực. Ông ví von: “Đừng để giống như con cá trê ở lâu trong hang rồi mọc râu dài vươn ra ngoài”.

Lực lượng CSGT tại bốn trạm Hòa Phước, Hòa Hải, Kim Liên, Hòa Nhơn làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/người/tháng (từ ngân sách TP), hưởng 10% tổng số tiền phạt vi phạm, thanh tra giao thông mỗi tháng hỗ trợ 2 triệu đồng. “Bộ phận làm việc trực tiếp ngoài đường được hỗ trợ cụ thể như vậy. Còn đối với bộ phận gián tiếp cuối năm đề xuất lên TP để có hướng giải quyết hỗ trợ thêm” – ông Thanh động viên.

Ngược lại, ông Thanh đặt hàng cho CSGT. “Với mức thu nhập như vậy, nếu biết làm thì mỗi tháng mỗi CSGT có thể có thu nhập hơn chục triệu đồng. Nhưng nếu chỉ cần phát hiện nhận chung chi một vài trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn chứ không cần phải theo mức độ nặng nhẹ gì cả. Không có chuyện ưu tiên con gia đình chính sách hay ông này ông nọ mà xử nhẹ” – ông Thanh nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy yêu cầu trong tháng 3 mỗi CSGT phải viết một bản cam kết không nhận tiền hối lộ và luôn nhớ điều đã cam kết. Không chỉ vậy, Công an TP Đà Nẵng còn phải lắp đặt camera giám sát tại các trạm này. Mọi hoạt động của CSGT trong quá trình tiếp tài xế, người dân đều được lưu lại và chuyển về trung tâm chỉ huy của lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng có thể linh hoạt một số trường hợp cuối năm bồi dưỡng cho CSGT có thể chấp nhận được, nhưng phải công khai mọi khoản.

Tăng quân, mua súng, sắm xe chống cướp

“Cảnh sát chống cướp giật sẽ có đủ điều kiện để làm việc” là lời hứa của ông bí thư với lực lượng cảnh sát chống cướp giật (thuộc Phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an Đà Nẵng). Ông Thanh ghi nhận những chiến công của lực lượng này trong việc trấn áp loại tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, việc lực lượng này sử dụng môtô đồng loạt đã tạo ra hạn chế là tội phạm phát hiện, không còn bí mật nữa. Ông Thanh đề nghị cảnh sát chống cướp giật phải sử dụng những loại xe như người dân bình thường và “nâng cấp” thêm. Vấn đề này liên quan đến ngành giao thông nên ông Thanh đã yêu cầu trợ lý gọi điện ngay cho ông Đặng Việt Dũng – giám đốc Sở Giao thông vận tải (ông Dũng không có trong thành phần họp) – trong mười phút phải đến để cho ý kiến về việc này. Ông Dũng lập tức có mặt và cho biết sẽ cùng Công an TP nghiên cứu cho phù hợp.

Đại diện cảnh sát trật tự và chống cướp giật đề nghị được đầu tư thêm về kinh phí, phương tiện, nhân lực cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ông Thanh lập tức đồng ý tăng thêm 20 quân cho lực lượng chống cướp giật, mua thêm súng của Đức và 50 môtô. Trước đề nghị tăng mức hỗ trợ trực, tuần tra cho chiến sĩ từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng, ông Thanh quả quyết: “Đã tăng thì tăng lên hẳn 100.000 đồng luôn để đảm bảo đời sống chiến sĩ”. Đầu tư mua ba máy đo độ ồn cho cảnh sát trật tự để chấm dứt tình trạng mỗi lần có việc lại phải đi mượn máy. Ngoài ra, TP sẽ đầu tư mở rộng trại giam Hòa Sơn thêm 5ha. Ngân sách TP mỗi năm dành 3,4 tỉ đồng đầu tư cho lực lượng chống cướp giật sẽ được chia đều cho công an và lực lượng biên phòng.

Theo ông Thanh, việc đầu tư cho lực lượng này không phải do tình hình phức tạp, mà đã tốt rồi nên muốn làm thêm cho tốt hơn. “Chúng ta đang xây dựng TP du lịch, TP đáng sống, vì vậy không thể hô bằng khẩu hiệu. TP đáng sống thì không thể để tội phạm tồn tại, TP du lịch thì không thể có lang thang, xin ăn, chèo kéo du khách được” – ông Thanh khẳng định.

ĐOÀN CƯỜNG

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẽ nỗ lực trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn

Ngày 6/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với các cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu”.

Trong buổi gặp mặt này, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định, các cấp ủy Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết sức trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn, các hộ phụ nữ nghèo đơn thân bằng nhiều hành động thiết thực, không để họ cô độc trong cuộc sống.


Ông Nguyễn Bá Thanh trao quà cho người già neo đơn.

Hai chủ trương đáng chú ý của Thành ủy là bố trí nhà chung cư cho những hộ phụ nữ nghèo khó và xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tại địa bàn dân cư theo phương thức đối ứng.
Theo đó, mỗi hội viên phụ nữ sẽ đóng góp 500.000 đồng/hội viên/năm vào quỹ, đồng thời sẽ huy động nguồn vốn từ các nhà hảo tâm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ hỗ trợ suất tiền này với những phụ nữ đặc biệt nghèo.

Phía thành phố sẽ hỗ trợ thêm vốn đối ứng. Các chi hội phụ nữ sẽ dùng nguồn quỹ này để hỗ trợ, cho vay đối với các trường hợp quẫn bách, khó khăn của mỗi hội viên.
Trao đổi về việc bố trí nhà chung cư cho các hộ phụ nữ nghèo đơn thân, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, đến nay thành phố đã bố trí miễn phí 300 căn nhà chung cư cho cho phụ nữ nghèo, làm các dãy nhà liền kề cho phụ nữ đơn thân ở nhà thuê.

Trong năm 2012, thành phố sẽ bố trí cho tất cả phụ nữ nghèo đơn thân đang ở nhà thuê sang các chung cư mới xây, để họ có một nơi ở đàng hoàng, yên tâm làm ăn. Còn từ nay đến cuối tháng 6/2012, sẽ tập trung rà soát lại hộ nghèo và trong vòng 3 năm rưỡi sẽ kết thúc việc xóa nghèo cho các hộ này.

Giúp 948 hộ phụ nữ thoát nghèo

Theo chị Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, thành công lớn của Hội trong năm 2011 là phong trào thi đua “Giúp 1.000 họ phụ nữ thoát nghèo bền vững” của các cấp hội. Sau 1 năm triển khai, đã có 948 hộ phụ nữ thoát nghèo.

Đây là sự góp sức không chỉ của các hội viên phụ nữ mà còn là sự nỗ lực của bản thân của mỗi phụ nữ nghèo được giúp đỡ vươn lên thoát khỏi đói nghèo thông qua các mô hình: nuôi heo đất, ống tre tiết kiệm, hũ gạo tình thương…

Bên cạnh đó, với chương trình thi đua đặc biệt “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã huy động được trên 1 tỷ đồng.

Tại buổi gặp mặt, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cũng trao giải thưởng cho 10 Chi hội Phụ nữ tiêu biểu.

Theo ChinhPhu -  http://nguyenbathanh.net/dong-chi-nguyen-ba-thanh-da-nang-se-no-luc-trong-viec-giup-do-cac-hoi-vien-phu-nu-kho-khan.html