Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

CTN Trương Tấn Sang: Không kỷ luật, Trung ương đã ‘cân nhắc lợi hại’



“Tại sao một đồng chí trong Bộ Chính trị đề xuất với Trung ương nhận kỷ luật về mình? Có lý do cả. Ngoài khẳng định ưu điểm ra, cũng đều đã nêu rất rõ những khuyết điểm chủ yếu mà mình đề xuất với Trung ương”.

Ngày 17/10, tổ đại biểu QH của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 và 3 (TP.HCM).

Tại đây, đáp lại những ý kiến góp ý thẳng thắn của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có những phát biểu tâm huyết, chân tình, thấm thía với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xin trân trọng trích giới thiệu tới bạn đọc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1, TP.HCM. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1, TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Sau Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần lắng nghe những bình luận, đánh giá phê phán, khen chê của bà con cô bác.

Thứ nhất, bức xúc nhất là xung quanh kết quả Hội nghị Trung ương 6. Trung ương 6 bàn 9, 10 chủ đề nhưng cô bác chủ yếu nhắc về kết quả thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4. Tôi cũng ngẫm nghĩ, hay là các chủ đề khác, quý vị thỏa mãn rồi như vấn đề tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, giáo dục đào tạo, công nghệ, đất đai, lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng…

Phê bình, tự phê bình không phải là khâu duy nhất

Tôi xin khẳng định trong công cuộc xây dựng Đảng, phê bình và tự phê bình là khâu hết sức quan trọng nhưng nó không phải là một khâu duy nhất. Bản thân Nghị quyết Trung ương 4 cũng nói bốn nhóm giải pháp lớn, mà vấn đề đầu tiên mà Đảng tiến hành là phê bình và tự phê bình. Rộng hơn về xây dựng Đảng là một loạt vấn đề. Ví dụ như sáng nay quý vị cũng nhắc nhở chúng tôi làm sao sớm ban hành quy chế để QH có thể tiến hành sớm việc bỏ phiếu tín nhiệm cho những chức danh mà QH bầu hoặc phê chuẩn. Đó cũng là công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Điều thứ hai, kết quả Hội nghị Trung ương lần này mới là kết quả bước đầu. Còn rất nhiều việc phải làm, đối với toàn Đảng, với Trung ương và đối với bản thân Bộ Chính trị. Tại sao Bộ Chính trị đề xuất với Trung ương tự nhận hình thức kỷ luật về mình? Tại sao một đồng chí trong Bộ Chính trị đề xuất với Trung ương nhận kỷ luật về mình? Có lý do cả. Ngoài khẳng định ưu điểm ra, cũng đều đã nêu rất rõ những khuyết điểm chủ yếu mà mình đề xuất với Trung ương. Trung ương xem xét, cân nhắc lợi hại trong thời điểm hiện nay và quyết định là không kỷ luật…

Vấn đề thứ ba mà cô bác rất chú ý, là kỳ họp này QH sẽ thông qua quy chế để cứ hằng năm QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chúng tôi. Đây là một cuộc giám sát kiểm tra hết sức trực tiếp, tất nhiên là bỏ phiếu kín để đánh giá những người mà mình cử ra đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Trông đợi 180 triệu con mắt nhân dân

Vấn đề thứ tư là chống tham nhũng. TP.HCM có thể nói là một trong những địa phương đóng góp rất nhiều công sức cho đất nước và là một trong những địa phương hiến kế rất nhiều trong việc phòng ngừa tham nhũng. Kỳ họp này sẽ sửa Luật phòng chống tham nhũng, thay thế Ban Chỉ đạo Nhà nước để Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này. Từ nay đến cuối năm sẽ hình thành tổ chức này và đi vào hoạt động, Tổng Bí thư sẽ đứng đầu. Nhưng đó mới là quyết tâm chính trị thôi. Vấn đề dân và Đảng đang đòi hỏi là hành động. Chúng tôi hiểu được vấn đề cuối cùng là hành động chứ không phải bằng đó mà thỏa mãn.

Trước đây ta nói “một bộ phận”, sau đó thì là “một bộ phận không nhỏ” tham nhũng. Lúc nãy có cử tri nói cả họ hàng cũng tham nhũng, mức độ hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị thế này, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa nhưng tôi mong mọi người hãy phát huy sức mạnh của toàn dân, những gì biết được hãy gửi thư đến cơ quan chức năng. Tôi hiểu được hiện nay nhiều người sợ bị trù, bị úm. Nhưng nếu vì những sợ sệt đó mà cứ để những kẻ xấu len lỏi trong Đảng, trong Nhà nước làm những điều sai trái, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, phương hại đến toàn dân và chế độ thì thử hỏi toàn dân tộc này, toàn Đảng này, toàn quân này chấp nhận được không?

Chắc chắn không chấp nhận! Chúng tôi mong rằng mỗi lần gặp thế này, cô bác hãy phê phán, nhắc nhở chúng tôi. Chúng tôi rất vui lòng nhận lời và sửa chữa mình. Nguyễn Trãi từng nói: “Người đẩy thuyền, người lật thuyền cũng là dân”, mà Đảng này ra đời cũng từ lòng dân tộc này. Chúng tôi mong đợi cô bác anh chị phát hiện những kiểu tham nhũng nào, không phải một mà nhóm… Chúng tôi có 14 đồng chí Bộ Chính trị là có 28 con mắt nhưng toàn dân có 90 triệu người, tức là có 180 triệu con mắt thì thông minh hơn nhiều và có thể nhìn thấy mọi điều, mọi nơi, mọi chỗ. Ngày xưa một đồng chí lãnh đạo nào đó có khuyết điểm thì có thể giấu được chứ giờ không giấu được đâu. Cá nhân chúng tôi có khuyết điểm gì có lẽ bà con biết hết…

Một câu hỏi thật hóc búa

Xung quanh vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, trong năm qua chúng ta đã có sự thành công trong việc kiềm chế lạm phát, CPI hiện nay còn khoảng 5,13%. Nhưng nó đã để lại hậu quả khá nặng, số DN chết nhiều quá. Theo thống kê tôi thấy, năm rồi và cho tới thời điểm hiện nay, số lượng DN ngưng hoạt động, giải thể lên tới khoảng 100-110.000 DN. Số thua lỗ không dưới 150.000 tỉ đồng, công nhân thất nghiệp rất lớn. Chúng tôi sẽ có giải pháp sớm xử lý nợ xấu.

Vấn đề nữa là cử tri hỏi tại sao đất nước có nhiều thuận lợi nhưng phát triển chậm hơn người ta? Câu hỏi này thật hóc búa. Đại hội XI nói hết rồi, tôi xin vắn tắt lại. Đúng là 25 năm đổi mới ta có nhiều thành tựu, từ đói nghèo đến thoát khỏi đói, đến phát triển trung bình. Có nhiều lý do ta chậm nhưng có một lý do ta chú ý, phải chăng trong việc đất nước chậm phát triển có vấn đề tham nhũng? Đây là một sự thật không thể né tránh được, mặc dù nói ra điều này hết sức đau lòng. Việc xây dựng một mét cầu hay một mét đường đắt hơn gấp đôi Thái Lan và Trung Quốc. Nói mãi, kiểm tra mãi vẫn chưa ra. Điều này dẫn đến nợ công, nợ dân tăng lên rất cao. Chắc chắn một điều trong đó có yếu tố tham nhũng.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân


Nếu một vị lãnh đạo đất nước không kiềm chế được chủ nghĩa cá nhân, chỉ lao vào sự “vinh thân phì gia” và đặc biệt là hay nói theo kiểu mị dân, mà không biết nhân dân thực sự khổ sở ra sao, đang suy nghĩ gì thì làm sao có thể lãnh đạo cả một đất nước”.
Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân
Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ Lê Quang Thưởng trả lời phỏng vấn xung quanh câu chuyện công tác cán bộ nhân Hội nghị TƯ 6 đang bàn đến vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược tầm Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông nói:
Quy hoạch “có vấn đề”, nhưng điều biến nguyên nhân thành hậu quả, theo tôi, là vì việc đánh giá cán bộ chưa căn cứ vào hiệu quả của việc làm thực tiễn. Đánh giá DN thì cái tài đức qua hiệu quả sản xuất kinh doanh và nghĩa vụ đối với nhà nước, trách nhiệm đối với xã hội. Đánh giá cán bộ lãnh đạo thì phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, sản phẩm thực tiễn, vào hiệu quả công việc được xã hội công nhận. Chứ không thể đâu cũng thấy kể lể thành tích chung chung, không thấy rõ dấu ấn. Chủ nghĩa hình thức, căn bệnh thành tích và sự thỏa hiệp trong đánh giá đang bóp méo việc đánh giá cán bộ và sinh ra tình trạng phố biến là người làm nhiều như người làm ít, người làm ít như người không làm. Tốt xấu lẫn lộn. Thật giả không thể phân biệt.
Đánh giá cán bộ, trước hết phải từ việc bản thân cán bộ đánh giá mình, tập thể đánh giá, cơ quan quản lý đánh giá và quần chúng nhân dân đánh giá. Ngay cả khi người dân không thể đánh giá thì đó cũng chính là khuyết điểm của cán bộ, vì đó chính là một biểu hiện xa dân. Nếu đánh giá cán bộ lãnh đạo không căn cứ vào sự thừa nhận rộng rãi của dư luận, của nhân dân về sự bền vững, hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân qua các công việc mà họ đã làm thì tài đức chỉ là những sáo ngữ và việc đánh giá cũng chỉ là chuyện khơi khơi bên lề, không bao giờ thực chất được.

Dân cần biết “chương trình hành động” của người lãnh đạo

- PV: Lâu nay khái niệm công tác tổ chức cán bộ ở ta là công tác bí mật, thậm chí là “vùng cấm”. Sự bí mật có mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch?
- Ông Lê Quang Thưởng: Cán bộ , từ nguyên thủ quốc gia cho đến ông chủ tịch xã lãnh đạo ai nếu không phải là nhân dân. Chính vì thế, chỉ đến khi người dân được trực tiếp cầm lá phiếu bầu lãnh đạo thì người lãnh đạo mới thực sự mang tính đại diện, mới thực sự phải chăm chút đến những người cầm phiếu bầu mình. Trong khi Hội nghị TƯ đang họp thì ở Hoa Kỳ, tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã có cuộc tranh luận công khai với ứng viên tổng thống Mitt Romney về kinh tế suy thoái, thâm hụt ngân sách, về chính sách thuế khóa, cải cách y tế, thậm chí cả việc bơm tiền vào những công ty làm ăn thua lỗ. Ngoài câu chuyện đây là những vấn đề ta vẫn gọi là “quốc kế dân sinh”, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, thì sự công khai về nhân sự cao cấp nhất của một đất nước, không chỉ đối với người Mỹ mà trực tiếp tới cả thế giới. Ở ta, không có việc tranh cử. Cũng đang có một thiếu sót cơ bản là “Chương trình hành động”. Dù đây thực chất là 1 lời hứa với dân. Theo tôi, “công tác cán bộ” dù ở cấp nào cũng phải hướng tới việc một vị trí cần có nhiều lựa chọn, nhiều ứng viên và nhất thiết các ứng viên phải có chương trình hành động công khai cho dân biết. Bởi có công khai thì người dân mới biết, mới phân định, mới lựa chọn được người lãnh đạo đất nước. Hiện nay, người ta đang yêu cầu công khai tất cả. Nhưng như thế cũng là cực đoan. Nếu quan niệm quy hoạch là tạo nguồn thì việc đưa vào quy hoạch cần công khai để dân biết, dân giám sát. Theo tôi, cái cần công khai là ở vấn đề kiểm điểm hàng năm, hàng nhiệm kỳ về công tác đánh giá nhân sự. Công khai những ưu khuyết của các nhân sự. Cái đó mới là quan trọng.
- PV: Chủ tịch Trương Tấn Sang vào Bộ chính trị khi mới 47 tuổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngcũng vào Bộ chính trị năm 47 tuổi. Độ tuổi theo ông có ý nghĩa thế nào đối với những nhân sự lãnh đạo đất nước?
- Ông Lê Quang Thưởng: Nước nào cũng có những quy định về độ tuổi tham gia lãnh đạo. Nhưng độ tuổi hay bằng cấp chỉ là điều kiện, chứ không phải là tiêu chuẩn và cũng chỉ mang tính tương đối không nên máy móc hóa vấn đề. George H. W. Bush đắc cử Tổng thống Mỹ khi ông đã 77 tuổi. Trong khi đó, Benazir Bhutto trở thành Tổng thống Pakistan khi bà mới 35 tuổi. Không nói đâu xa, ngay bên hàng xóm của chúng ta, bàYingluck Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan khi bà 44 tuổi. Điều quan trọng nằm ở chất lượng con người, ở khả năng lãnh đạo đất nước của từng cá nhân và sự tín nhiệm của người dân đối với họ chứ không phải họ bao nhiêu tuổi, nam hay nữ, ở vùng miền nào, lý lịch ra sao. Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, đưa vào quy hoạch thì dứt khoát phải đủ tuổi làm việc 2 nhiệm kỳ. Đưa vào cấp ủy lần đầu cũng thế. Vì có như vậy người cán bộ mới có đủ điều kiện thời gian cống hiến. Tuy nhiên, không nên máy móc hóa quy định về tuổi.

Nhìn cán bộ dưới lăng kính nhân dân

- PV: Câu hỏi cuối cùng, với tư cách là một công dân, một người lâu năm làm công tác tổ chức, theo ông, các chức danh lãnh đạo đất nước như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, cần phải có tiêu chuẩn gì?
- Ông Lê Quang Thưởng: Công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Đảng tổng kết nguyên nhân của công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Công tác cán bộ của chúng ta đang nói tới tiêu chuẩn “đức tài”, từ chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến cán bộ cấp xã đều cùng những tiêu chuẩn đức tài như nhau nhưng có yêu cầu khác nhau. Có bản lĩnh chính trị, và thể hiện là ủng hộ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng với tiêu cực, đặc biệt, đối với nhân sự chiến lược, cái tài phải thể hiện ở tầm nhìn, trí tuệ để có thể định hướng đúng những vấn đề của đất nước. Chúng ta có cả một thời bao cấp dài để chứng minh cho điều này. Và một nhà lãnh đạo đất nước cần phải kinh qua hoạt động thực tiễn. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì kinh nghiệm lãnh đạo là thứ không thể học ở đâu được, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nếu chỉ lấy cán bộ theo “tư duy bằng cấp” đơn thuần thì sẽ rất xa lạ với thực tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được người dân yêu mến và ngợi khen đã từng trải qua những cương vị thực tiễn rất phong phú và vì thế các chủ trương, chính sách luôn sát với thực tiễn. Nhưng điều mà người dân và cử tri trông chờ ở các vị lãnh đạo đất nước còn là câu chuyện phẩm cách và sự gần dân. Bác Hồ của chúng ta cho rằng: Cán bộ tốt phải có 5 đức tính: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, mà trong đó: “Không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”.
Gần đây, người dân bức xúc nhất về câu chuyện lợi ích nhóm, ở cả khía cạnh nhóm lợi ích chi phối các chính sách và cả khía cạnh những người lãnh đạo để vợ con người thân lợi dụng vị trí công tác của mình làm giàu không chính đáng. Điều này làm mất mát lòng tin ghê gớm. Tất cả những điều đó, với tư cách là người bị tác động bởi chính sách, người dân biết cả. Chỉ có điều họ có nói ra hay không, hoặc có dám nói ra hay không mà thôi. Những lời than vãn và hiện thực cuộc sống của người dân đòi hỏi những người làm công tác cán bộ phải nhìn cán bộ dưới lăng kính nhân dân. Nếu một vị lãnh đạo đất nước không kiềm chế được chủ nghĩa cá nhân, chỉ lao vào sự “vinh thân phì gia” và đặc biệt là hay nói theo kiểu mị dân, mà không biết nhân dân thực sự khổ sở ra sao, đang suy nghĩ gì thì làm sao có thể lãnh đạo cả một đất nước. Sự vì dân, tôn trọng nhân dân vì thế, phải được đặt lên hàng đầu. Và sự vì dân phải được thể hiện bằng những việc cụ thể, công khai quan điểm một cách rạch ròi. Và không có sự vì dân, tôn trọng nhân dân nào hơn là việc đối thoại với dân, lắng nghe dân để thấu hiểu lòng dân. Nếu cán bộ không đối thoại với dân thì sự “lầu son gác tía” thời phong kiến, hay “phòng máy lạnh” bây giờ sẽ chỉ sinh ra sự xa dân mà biểu hiện chính là những chính sách không vì dân, những chính sách chưa ban hành đã lạc hậu với thực tế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Reds.vn / Tinquansu