“Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đó là yêu cầu thiêng liêng, đối với thành quả mà rất gian khổ chúng ta mới giành được”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Q.Ba Đình, Hà Nội, ngày 29.6.
Tại buổi tiếp xúc, bên cạnh các vấn đề dân sinh bức xúc, cử tri cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình an ninh trên biển Đông khi xuất hiện thông tin Trung Quốc mở thầu trái phép 9 lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cử tri Vũ Mạnh Hiền (phường Điện Biên) đặt vấn đề: không chỉ trên biển, trong đất liền nhiều nơi cũng đã xuất hiện người Trung Quốc tự do làm ăn, chưa được kiểm soát. “Dân băn khoăn tại sao các cơ quan chức năng để thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường nước ta dễ thế. Để người Trung Quốc nuôi cá ở sát vịnh Cam Ranh có đảm bảo an ninh, quốc phòng không? Khổ mấy dân cũng chịu đựng được, nhưng chạm vào chủ quyền đất nước là điều không thể chấp nhận!”, ông Hiền nói.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri Hà Nội (Như Ý) |
Cùng mối quan tâm, cử tri Vũ Duy Thông (phường Đội Cấn), cử tri Trần Thanh Phi (phường Cửa Đông) hỏi: “Vấn đề biển Đông, chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta như thế nào? Với hành vi sai trái gần đây của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, hoạt không khai thác dầu khí của ta có bị ảnh hưởng gì không?”
Chia sẻ tâm tư của cử tri về tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Tổng bí thư cho biết: “Những băn khoăn, lo lắng đó là đúng. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã bàn để có phương án xử lý đúng đắn nhất”. Khẳng định việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Biển Việt Nam tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua là một thành công rất lớn, Tổng bí thư cho rằng, Luật đã quy định rất rõ: “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”. Ông cũng cho biết, các cơ quan liên quan đã dự liệu được phản ứng của quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Trước cử tri, Tổng bí thư nhấn mạnh 3 mục tiêu: “Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Một tấc đất cũng phải bảo vệ. Đó là yêu cầu thiêng liêng, là thành quả mà rất gian khổ chúng ta mới giành được. Thứ hai, phải bảo vệ được chế độ. Thứ ba là giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Cũng tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã kiến nghị các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống. Một số cử tri đồng tình với Nghị quyết TƯ 4, cho rằng nhân dân rất trông chờ vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết này trong thời gian tới. Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh đặt câu hỏi: “Việc quản lý giám sát các tập đoàn kinh tế lâu nay diễn ra như thế nào mà tới giờ khi thanh tra đụng đâu cũng có sai phạm, thất thoát. Trước Quốc hội, không thấy lãnh đạo bộ ngành liên quan nào nhận trách nhiệm, vậy tập đoàn, tổng công ty có phải đang hoạt động tự do?”. Cử tri Phan Ngọc Minh cũng băn khoăn: “Nói chống tham nhũng, nhưng hiếm thấy cán bộ tự khai nhiều tài sản và không thấy ông nào nghèo cả”.
Đánh giá các ý kiến của cử tri là thẳng thắn, tâm huyết và chất lượng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội và các cơ quan chức năng liên quan để triển khai thực hiện.
Liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng bí thư cho biết, đúng là có sức ép rất lớn vì người dân đang chờ đợi xem Đảng làm được gì. Tuy vậy, Tổng bí thư khẳng định: “Kiên quyết phải làm. Cách làm là lâu dài, thường xuyên. Bước nào chắc bước đó. Hôm nay chưa “thắng” được tất cả nhưng sẽ “thắng” từng việc một, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...”. Tổng bí thư thông tin, hiện nay, các khâu triển khai Nghị quyết Trung ương 4 đều thực hiện đúng tiến độ với các bước đi đồng bộ, kịp thời. Thực tế, một số vấn đề cũng là được sửa chữa kịp thời. Dự kiến, trong tháng 7.2012, cấp cao nhất trong Đảng sẽ kiểm điểm, tự phê bình.
Đề cập việc sửa Hiến pháp, Tổng Bí thư cho biết, sửa Hiến pháp là việc đại sự, lần này phải làm rất công phu. Phải lấy ý kiến toàn dân và dự kiến nếu sớm cũng phải đến năm 2013 mới có thể ban hành.