Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Đẩy nhanh đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng

Ngày 24/4, tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác chuẩn bị nhân lực cho KKT Vũng Áng.

Ảnh: VGP/Từ Lương

Theo khảo sát, đánh giá và kiểm tra thực tế tại KKT Vũng Áng của Đoàn công tác Chính phủ cũng như báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hà Tĩnh, cùng với việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của KKT Vũng Áng trong giai đoạn 2011-2015 với khoảng 74.000 lao động ở các cấp trình độ, chủ yếu là nhân lực phục vụ ngành công nghiệp nặng, cần triển khai với tốc độ cao, đồng bộ và trách nhiệm cao nhất nhiệm vụ chuẩn bị 1 vạn chỗ ở cho người lao động trong năm 2012 và khoảng 74.000 người đến năm 2015.

Tại hội nghị, những kinh nghiệm thực tế, những mặt được, chưa được, những tồn tại, vướng mắc, những câu hỏi về cơ chế đã được nêu và được thảo luận thẳng thắn.

Sau 2 năm triển khai, các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được 14.000 lao động ở các cấp trình độ cho KKT Vũng Áng. Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo nhu cầu nhân lực cho KKT Vũng Áng với số lượng nêu trên không phải là quá khó đối với năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo của nước ta hiện nay, nhưng việc thu hút và giữ chân người lao động đến làm việc và bám trụ lâu dài tại các doanh nghiệp trong KKT là bài toán chưa thể giải đáp ngay. Theo đó, ngoài việc trả lương cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, việc đáp ứng được yêu cầu về nơi ở, bệnh viện, trường học cũng là những điều kiện không thể thiếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự thẳng thắn thừa nhận, Hà Tĩnh đang đứng trước những cơ hội phát triển nhanh do các dự án đầu tư lớn tại tỉnh đem lại. Tuy nhiên, sau khi có đầy đủ các điều kiện quan trọng như vốn, hạ tầng, khoảng trống về nguồn nhân lực đang là lực cản để các các dự án này vận hành hiệu quả, đúng tiến độ. Trong đó, KKT Vũng Áng là ví dụ điển hình.

Việc đáp ứng nhu cầu nhà ở, bệnh viện các hạ tầng xã hội phục vụ cho người lao động và người thu nhập thấp được quy định trong Luật Nhà ở và  trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn, Hà Tĩnh đang khuyến khích xã hội hóa trong công tác xây dựng nhà ở cho công nhân.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng và tỉnh Hà Tĩnh sớm tháo gỡ những khó khăn về nhà ở cho người lao động tại Vũng Áng. - Ảnh: VGP/Từ Lương

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thí điểm đặc thù trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân ở KKT Vũng Áng, ước tính kinh phí đầu tư để xây dựng nhà ở cho người lao động thuê đến năm 2016 là 300 tỷ đồng.

Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế riêng, linh hoạt cho 37 cơ sở đào tạo của Hà Tĩnh đang đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng, để các cơ sở này có thể chủ  động hơn.  Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở này có cam kết về công tác lâu dài tại KKT Vũng Áng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nêu rõ, sau gần 2 năm, việc chuẩn bị nhân lực cho toàn bộ KKT Vũng Áng đã có những chuyến biến ban đầu khá tích cực. Tuy nhiên, do việc duy trì thông tin giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý KTT Vũng Áng với 2 tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng còn hạn chế, không tổ chức giao ban 1 tháng/lần như đã yêu cầu chính là tác nhân gây ra sự chậm trễ trong việc chuẩn bị số lượng nhân lực khổng lồ cho Vũng Áng.

Ngoài ra, Hà Tĩnh và các doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng vẫn chưa có chính sách đủ mạnh để kêu gọi và thu hút nhân lực Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận đến làm việc. Bên cạnh đó, do chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu nhân lực, chế độ tuyển dụng và đãi ngộ với người lao động ở KKT Vũng Áng nên người lao động cả nước chưa quan tâm đến nhu cầu rất lớn về nhân lực của khu vực kinh tế trọng điểm này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng Hà Tĩnh cần nâng cao công tác quản lý quy hoạch nhà tái định cư, nhà ở cho công nhân tại KKT Vũng Áng, tránh tình trạng xây dựng manh mún, thiếu đồng bộ. Từ nay đến năm 2015, KKT Vũng Áng đứng trước yêu cầu xây dựng rất lớn, vì vậy cần thay đổi tư duy để ứng dụng công nghệ thi công hiện đại theo hướng tiết kiệm thời gian và kinh phí xây dựng từ 40% đến 50%. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã gợi ý và nêu một số kinh nghiệm hay ở nước ngoài đang triển khai hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của Hà Tĩnh, sự hợp tác giữa các nhà đầu tư với các cơ sở đào tạo. Phó Thủ tướng đã chỉ ra một số công việc cụ thể, theo đó Hà Tĩnh, ngành giáo dục và dạy nghề cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đào tạo nhân lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 5/2012, cần hoàn thành phương án về cơ chế riêng dành cho đào tạo nguồn nhân lực cho Vũng Áng. Cùng với đó, xây dựng chương trình cụ thể để tuyên truyền sâu về đề án đào tạo nhân lực cho KKT để thông tin tuyển sinh đến được với học sinh, sinh viên cả nước.

Các nhà trường trong khu vực cần phối hợp và liên kết với nhau để tranh thủ nguồn lực và khả năng của giáo viên. Đồng thời, cần vận động các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cam kết hỗ trợ đào tạo cho KKT để doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn nhân lực cho chính mình.

Về hạ tầng xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị cần tổ chức thí điểm ứng dụng công nghệ mới trong thi công, xây lắp nhà ở cho công nhân; giao các doanh nghiệp nhà nước quản lý và thi công nhà ở cho công nhân.

Đồng thời, Ban Quản lý KKT Vũng Áng cần chuẩn bị và hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm đảm bảo cung cấp cho người lao động; tính tới phương án xây dựng bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động tại KKT.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thắp hương tưởng niệm 10 nữ thanh niên xung phong Anh hùng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. - Ảnh: VGP/Từ Lương

Cũng trong ngày 24/4, trong không khí cả nước đang chuẩn bị  kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2012), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã đến thắp hương tưởng niệm 10 nữ thanh niên xung phong Anh hùng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

 Từ Lương

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam cần hàng tỷ USD để rà phá bom mìn

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để giải quyết lượng bom mìn khổng lồ đang làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất nước, Việt Nam cần nguồn kinh phí trên 10 tỷ USD.

“Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD khác cho tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tối 2/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, trước sự có mặt của nhiều quan khách quốc tế, các đại sứ quán cũng như các nhân chứng sống của thực trạng bom mìn còn rải khắp lãnh thổ Việt Nam. Buổi giao lưu nhằm phát động, huy động nguồn lực trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả của bom mìn sau chiến tranh.

Cũng theo Phó thủ tướng Nhân, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn, làm sao sau vài chục năm tới cơ bản giải quyết hậu quả. “Đó là nhiệm vụ của Chính phủ và là trăn trở của hơn 80 triệu dân Việt Nam”, ông Nhân nói và nhấn mạnh thêm bom mìn, vật liệu nổ không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mà còn đe dọa tính mạng người dân hàng ngày hàng giờ. Hàng năm, Việt Nam đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc rà phá, cấp cứu hỗ trợ các nạn nhân…

nguyen thien nhan

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Rà phá bom mìn là nhiệm vụ của Chính phủ và là trăn trở của hơn 80 triệu dân Việt Nam".

Nhắc đến hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh, dù đã qua đi gần 40 năm, Phó thủ tướng dẫn con số hơn 40.000 người chết (trong đó tới 30.000 trẻ em) và 60.000 người bị thương. “Chính phủ Việt Nam sẽ huy động tối đa nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh song cũng rất cần sự giúp đỡ của các nước, đặc biệt là Mỹ, để đẩy nhanh tiến độ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, giao lưu tại chương trình, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (một trong 6 tỉnh có mật độ bom mìn dày đặc) cho biết, người dân có thể gặp bom mìn khi cuốc ruộng, đào móng nhà, làm thủy lợi, thậm chí cả khi mò hến. Tuy địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm, rà phá bom mìn, song kết quả vẫn rất hạn chế.

Còn anh Hồ Văn Lữ (bản Của, xã Hưng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tuy sinh ra sau chiến tranh song luôn bị ám ảnh bởi bom mìn. Anh từng tận mắt chứng kiến hai vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ xảy ra ở địa phương khiến nhiều cháu nhỏ thiệt mạng. “Tôi chỉ mong muốn Nhà nước, các tổ chức quốc tế quan tâm rà phá hết bom mìn, làm sạch đất đai để bà con yên tâm sinh sống và canh tác”, anh Lữ chia sẻ.

Ngay trong buổi tối, 34 tổ chức trong nước đã tài trợ 7,5 tỷ đồng và 9 tổ chức quốc tế tài trợ 15 triệu USD cho Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Trong đó, riêng Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) ủng hộ 6,3 triệu USD.

Tháng 4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn; đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn.

Hiện cả nước còn khoảng 6,6 triệu ha đất (trên 21% diện tích đất nước) bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển. Ban chỉ đạo 504 đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ giải phóng diện tích này trong khoảng thời gian dưới 100 năm. 5 năm tới, việc rà phá, làm sạch sẽ tập trung ở 6 tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngoài ra, trước năm 2015, Ban chỉ đạo cũng cần lập xong bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên toàn quốc.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nghiên cứu xây dựng Đề án kéo dài tuổi lao động

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trên cơ sở báo cáo điều tra của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án về kéo dài tuổi lao động phù hợp với xu hướng sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam tăng, nhu cầu nhân lực có trình độ cho phát triển đất nước và kinh nghiệm của các nước khác về việc nâng tuổi về hưu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ trì trình Đề cương sơ bộ với Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vào quý III/2012.

Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi


Để đưa Luật Người cao tuổi vào cuộc sống, đẩy mạnh công tác chăm sóc người cao tuổi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, hướng dẫn thủ tục để người cao tuổi chưa đủ hồ sơ xác định tuổi được hưởng trợ cấp theo quy định của Luật, nhất là đối với người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nghiên cứu xây dựng Đề án kéo dài tuổi lao động
Ảnh minh họa

Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn cơ sở y tế duy trì việc khám, chữa bệnh, kể cả khám, chữa bệnh lưu động ít nhất 1 lần/năm cho người cao tuổi, chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi thông qua cuộc vận động “Ánh sáng cho người cao tuổi”, “Câu lạc bộ liên thế hệ giúp đỡ nhau”. Nghiên cứu hàng năm tổ chức liên hoan các tấm gương và mô hình chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi cô đơn.

Các địa phương tiếp tục rà soát việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi, nhất là xóa nhà tạm cho người cao tuổi đơn thân, người cao tuổi là hộ nghèo; phối hợp với các đoàn thể vận động các tổ chức, cá nhân chăm sóc người cao tuổi đơn thân.

Xây dựng Đề án “Nhà chăm sóc người cao tuổi độc thân”


Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2012. Trong đó, cần làm rõ các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 cũng như các chính sách, giải pháp, cơ chế tổ chức và nguồn lực thực hiện, lưu ý xu hướng già hóa dân số để đề xuất chính sách phù hợp.

Để thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng Đề án “Nhà chăm sóc người cao tuổi độc thân”, nhất là ở vùng khó khăn, trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi cho ý kiến vào quý III/2012, sau đó hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2012.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án hỗ trợ người cao tuổi trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng kế hoạch định kỳ phổ biến nội dung, giới thiệu mô hình về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên sóng phát thanh, truyền hình, chú ý các bệnh ở người cao tuổi, trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vào quý II/2012.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ

Chiều 20/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae để trao đổi một số nội dung mà hai nước đang cùng hợp tác thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp, với nhiều kết quả hợp tác cụ thể, đặc biệt là sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ, ông Ranjit Rae.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thông báo với Đại sứ Ranjit Rae về chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Đoàn cấp cao Việt Nam vào cuối tháng 3 tới. Chuyến thăm này nhằm triển khai hiệu quả và cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011). Trọng tâm của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ.

Đại sứ Ranjit Rae hoan nghênh chuyến thăm Ấn Độ tới đây của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và tin tưởng, chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời là dịp để thúc đẩy và phát triển toàn diện các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.

Ông Ranjit Rae khẳng định, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Ấn Độ để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm chính thức của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến Ấn Độ trong thời gian sắp tới.

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh

Ngày 3/3/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng KH & CN Nguyễn Quân và Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) để khảo sát và đánh giá hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất phía Nam.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm phòng thí nghiệm MANAR của Đại học Quốc gia TPHCM.

Sau 17 năm thành lập, đến nay, ĐHQG-HCM có 33 đơn vị, trong đó gồm 7 đơn vị thành viên (6 trường đại học thành viên và 1 Viện nghiên cứu) và 26 đơn vị trực thuộc (đơn vị đào tạo, chuyển giao công nghệ và dịch vụ). Tổng số  cán bộ, viên chức của ĐHQG–HCM hiện nay là hơn 5.343, với gần 2.793 cán bộ giảng dạy, trong đó 831 tiến sĩ, trên 1.500 thạc sĩ đáp ứng nhu cầu đào tạo của gần 50.000 sinh viên chính quy, gần 8.000 học viên sau đại học và trên 30.000 sinh viên vừa học vừa làm.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM -

Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS. Phan Thanh Bình cho biết, tầm nhìn chiến lược của ĐHQG-HCM là đến năm 2020 ĐHQG-HCM hướng tới là đến năm 2020 trở thành một hệ thống gồm các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp KHCN mạnh. Là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh, góp phần thúc đẩy và định hướng phát triển KHCN của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Một trong những hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM là công tác đẩy mạnh các chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế. Hoạt động này được triển khai thông qua các chương trình đào tạo chú trọng đến cải tiến chất lượng liên tục hoặc các chương trình liên kết với các đối tác quốc tế đẳng cấp cao như chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao; chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng; chương trình tiên tiến.

Nêu rõ những quan điểm chiến lược để  phát triển KHCN đối với nhà trường, PGS. Phan Thanh Bình cho biết sẽ tạo cơ chế thông thoáng, hiệu quả nhằm phát huy sức sáng tạo trong khoa học.  Xây dựng các nhóm nghiên cứu trọng điểm, liên ngành. Hình thành hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, chia sẻ nguồn lực; Đẩy mạnh công bố khoa học (đặc biệt công bố trên các tạp chí quốc tế ISI), hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ.

ĐHQG-HCM đã hình thành các chương trình KHCN trọng điểm nhằm khai thác và phát huy các thế mạnh của mình. Tiêu biểu là các chương trình: CN vật liệu mới, KHCN Nano;  CN thông tin và truyền thông; Cơ khí & tự động hoá; Năng lượng tái tạo;) CN sinh học; Bảo vệ môi trường và tài nguyên;  NCCB trong khoa học tự nhiên; Kinh tế, xã hội, nhân văn khu vực Nam Bộ.
Đến nay ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống gồm trên 60 phòng thí nghiệm (PTN) phục vụ NCKH, CGCN và đào tạo. Trong số đó có 2 PTN trọng điểm Quốc gia và 10 PTN trọng điểm cấp ĐHQG, đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện các các chương trình KH&CN trọng điểm của ĐHQG.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan một phòng thí nghiệm của trường ĐHQG-HCM

Xây dựng các mũi nhọn nghiên cứu trọng điểm, liên ngành: Thực hiện chiến lược phát triển KH&CN, đến nay tại ĐHQG-HCM đã hình thành khoảng 25 nhóm nghiên cứu mũi nhọn, trong số đó nhiều nhóm đã đi thẳng vào những hướng nghiên cứu hiện đại hoặc giải quyết những thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như: Nhóm trí tuệ nhân tạo tại phòng thí nghiệm AILAB, trường ĐH KHTN với phần mềm “Tiếng nói Phương Nam – VOS” có thể tạo ra giọng nói nhân tạo của người trên máy tính từ dữ liệu đầu vào là văn bản, đoạt giải ba Nhân tài đất Việt năm 2009 và được chuyển giao cho Công ty Việt Bản đồ (VietMap) để tích hợp VOS trên các sản phẩm của công ty; Nhóm thiết kế vi mạch với chip vi xử lý điều khiển 8-bit VN08-01 với công nghệ 250nm đoạt giải đặc biệt Nhân tài Đất Việt 2009, thiết kế thành công chip vi xử lý 32-bit với công nghệ IBM 130nm, hiện sở hữu 48 lõi IP với giá trị ước tính 34 triệu USD

Hợp tác quốc tế trong KH&CN: ĐHQG-HCM đã xây dựng cho mình một mạng lưới đối tác có quan hệ chặt chẽ, bền vững từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Giai đoạn 2006-2010, đã hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học như MINATEC – Pháp, UCLA – Hoa Kỳ; các tập đoàn công nghiệp Synopsys, Qualcomm, Mentor Graphics, Toshiba; Vùng Rhone-Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat, Hà Lan  v.v.

Giám đốc Phan Thanh Bình  kiến nghị Chính phủ cho phép ĐHQG-HCM được ủy quyền cho bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư sau khi có chứng nhận đủ chuẩn của Hội đồng CDGSNN. ĐHQG-HCM được thí điểm thực hiện đào tạo một số ngành theo phương thức xã hội hóa theo hướng học phí được thu trên cơ sở tính toán đủ chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên của lớp cử nhân tài năng -

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM. Đồng thời, Phó Thủ tướng đã nêu một số định hướng quan trọng để nhà trường phát triển nhanh và bền vững hơn. Theo đó, ĐHQG-HCM cần tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tổ chức chặt chẽ việc sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên đánh giá Ban giám hiệu. Từ đó nâng cao trách nhiệm từng cá nhân và tăng cường công tác thông tin, cơ chế đánh giá và giám sát hai chiều. Nhà trường cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn trong công tác chuẩn hóa trong giảng dạy theo hướng ứng dụng những công nghệ giáo dục hiện đại hơn nữa. Quan tâm đúng mức quy luật thị trường trong giáo dục đào tạo. Phải xây dựng đội ngũ nòng cốt trong nghiên cứu và sáng tạo khoa học công nghệ.

Về kiến nghị của ĐHQG-HCM, Phó Thủ tướng đề nghị nhà trường phải cân đối kỹ lưỡng trong công tác tuyển sinh, chú ý cân đối, hài hòa giữa các nhóm ngành. Tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải thích một số nguyên tắc và cho ý kiến về quyền hạn của ĐHQG-HCM trong việc bổ nhiệm GS, PGS.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT và Bộ KHCN trước 15/4 chuẩn bị xong báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm, bài học xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc tại các trường đại học. Bộ KHCN, Bộ GD-ĐT phối hợp với ĐHQG-HCM tổ chức hội nghị đầu tư vào 2 trường ĐHQG trong tháng 5/2012.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã tham quan một số đơn vị nghiên cứu và ứng dụng chuyên sâu khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là:  Trung tâm Manar, Ký túc xá A, Trung tâm Giáo dục quốc phòng, Khu giải phẫu y khoa, Trung tâm nghiên cứu Nano và trung tâm dữ liệu JVN.

Nguồn: Chinhphu