Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Công bố của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

“Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 19/4/2012 Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã công bố “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực biển, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ngày 24/4/2012 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố thực thi bản “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản quy hoạch nêu trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”

Giaoduc.net.vn/mofa

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Tình hình Châu Á tháng 04/2012

Tin đồn quân đội đảo chính ở Trung Quốc và Ấn Độ cùng kế hoạch hợp tác hạt nhân giữa Mỹ và Iran là những sự kiện quân sự nổi bật tuần qua tại châu Á.

Đảo chính ở Trung Quốc và Ấn Độ?


Tờ India Decade trong tuần qua đưa tin về những tin đồn trên truyền thông nước này rằng quân đội Ấn Độ đang toan tính một cuộc đảo chính cùng với hoạt động trái phéo của hai đơn vị tiến về thủ đô. “Những lời đồn đó là bịa đặt từ những suy nghĩ ngu ngốc”, Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ V.K.Singh khẳng định.

Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là nước duy nhất đối mặt với tin đồn đảo chính trong tuần qua. Tờ báo quân sự chính của Trung Quốc phải đăng bài viết nhằm “chấn chỉnh” tư tưởng cho quân nhân nước này.

“Lực lượng vũ trang không nên bối rối trước các tin đồn xung quanh, không nên suy nghĩ trước những hành động phá ngầm. Ở bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào, quân đội cũng luôn tuyệt đối tuân thủ sự chỉ huy của lãnh đạo đảng, ủy ban quân sự trung ương và của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào”.

Ấn Độ và Pakistan hâm nóng quan hệ


Trong kế hoạch tăng cường quan hệ, Pakistan tuyên bố Tổng thống Asif Ali Zardari tới thăm Ấn Độ ngày 8/4. Đây là chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất của nước này tới Ấn Độ, kể từ năm 2005. Hầu hết thành viên đoàn ngoại giao này là người trong gia đình ông Zardari.

Thú vị hơn, việc tăng cường quan hệ ngoại giao này diễn ra giữa thời điểm Ấn Độ đang có những xáo trộn. Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ đã bày tỏ thất vọng với chính phủ khi tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này không đạt tiêu chuẩn tham gia chiến tranh. (>> chi tiết) Ấn Độ cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ nhóm nổi loạn được cho là thân Trung Quốc..

Trung Quốc khai thác và dè chừng mạng internet


Trung Quốc có thể có một bức tường lửa khổng lồ để lọc các nội dung “nhạy cảm” trên internet nhưng Bộ Công nghệ thông tin và Công nghiệp vẫn tuyên bố các kế hoạch tăng tốc độ và giảm giá thành cho những người sử dụng mạng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Có lẽ, Bộ là cơ quan đầu tiên cần đưa mọi việc vào trật tự bởi vẫn có những nhóm tin tặc tấn công vào các trang mạng Chính phủ Trung Quốc.

Hợp tác Trung-Mỹ


Lu Xiaoqing và Conor Savoy thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đã cùng hợp tác trong nghiên cứu về sự phát triển các chiến lược hỗ trợ của Mỹ và Trung Quốc, nhấn mạnh khả năng xảy ra xung đột giữa hai quốc gia nhưng cũng chỉ ra những cơ hội hợp tác phát triển quốc tế.

Họ viết: “Có thể hiểu được rằng, phát triển quốc tế như một nguồn hợp tác không phải là ưu tiên hàng đầu cho Bắc Kinh và Washington. Mỹ và Trung Quốc từng thảo luận về sự phát triển ở cấp độ cao và có một số hợp tác hạn chế ở cấp độ quốc gia, đáng chú ý nhất là đánh giá tình trạng y tế chung tại Liberia.

Phan Anh (theo The Diplomat)

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Ghi nhận thiệt hại đầu tiên do bão số 1 ở các tỉnh, thành Nam bộ

Bão số 1 đã gây ra các thiện hại đầu tiên, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bão số 1 bao gồm từ phía nam tỉnh Bình Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu và Bến Tre. Ban biên tập xin gửi đến bạn đọc những ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ.

Bão số 1 thành áp thấp nhiệt đới đang gây ra mưa to ở các tỉnh, thành Nam bộ. Từ trưa 1-4, gió thổi mạnh lên ở các địa phương ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại TP.HCM, phà Bình Khánh tạm ngưng hoạt động.


Phó bí thư thành ủy Nguyễn Văn Đua trực chiến chỉ đạo phòng chống bão tại UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng


Mặc mưa to kèm gió lớn tại thị xã Bà Rịa, hai người đàn ông này dọn sạp hàng tránh bão - Ảnh: Tiến Thành

PV Tuổi Trẻ ghi nhận tình hình tại Vũng Tàu và Cần Giờ (TP.HCM).

Dọc đường đi, chúng tôi cảm nhận được sức gió ngày càng mạnh, thổi quất vào người không thể đi được. Những hàng cây dọc hai bên đường ven biển bị gió đánh tơi tả, nhiều cành rơi xuống đường. Một số vật dụng như: mái hiên di động, bảng quảng cáo đã bị gió thổi bay, sập. Có khá nhiều ôtô du lịch cỡ lớn hối hả chở khách rời các khu du lịch về nhà.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm ở xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc. Chúng tôi cố gắng đến xã này nhưng vì gió quá lớn, không thể đi được nên đành trú bão tại trụ sở UBND thị trấn Phước Hải.


Gió to kèm mưa lớn khiến dây điện giăng mắc lòng đường Nguyễn Thanh Đằng, thị xã Bà Rịa chiều 1-4 - Ảnh: Tiến Thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại lúc 13g ngày 1-4, bà Lê Kim Lựu, bí thư đảng ủy xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc, cho biết bắt đầu từ hơn 12g, gió thổi mạnh dần lên làm bay nóc hai phòng học của ngôi trường tiểu học cấp 4 Nguyễn Thị Định. Ngoài ra, gió còn thổi tung nóc nhà của 10 hộ dân khác.
Tại thị trấn Phước Hải, ông Trần Văn Tài, chủ tịch UBND thị trấn, cho biết toàn thị trấn có chín điểm cho người dân tránh bão, gồm các trường học, trạm biên phòng, dinh thờ…


Ngư dân đưa đá ra ủ cá tại cảng cá Phước Tĩnh sáng 1-4 - Ảnh: Đông Hà

Đêm 31-3, chính quyền thị trấn đã đưa khoảng 300 người dân đến các điểm trên nhưng vào sáng 1-4, có một số người đã về nhà. Đến khoảng 12g, khi gió mạnh lên, nhiều bà con quay trở lại nơi trú ẩn. Chính quyền thị trấn đã bố trí và thuê năm chiếc xe khách để chở người dân đến nơi trú ẩn. Chính quyền thị trấn cũng cho xe chạy quanh các khu dân cư để đón người dân.


Bản thông báo phà Bình Khánh (Nhà Bè) ngừng hoạt động được dán ngay đường vào quầy vé lúc 15g ngày 1-4 - Ảnh: Sơn Lâm

Trước đó, vào sáng 1-4, có mặt tại cảng cá Phước Tĩnh, gió và sóng cũng rất mạnh. Trên các ghe cá neo đậu tại đây không có người. Tại cảng ở ấp Phước Tân, có khoảng 10 người đang chuyển đá ra ghe để phủ lên cá, chống ươn thối. Chủ ghe cho biết ghe vừa vô bờ nhưng vì trời dông bão phải ủ cá, chờ mai mốt chủ hàng đến lấy cá.


Một em nhỏ ăn cơm trưa do chính quyền phát miễn phí tại Trung tâm Văn hóa huyện Cần Giờ - Ảnh: Thuận Thắng

Vào khoảng 12g30 ngày 1-4, nhiều xã của các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc đã bị cắt điện.

Trong khi đó, tại Vũng Tàu, gió và sóng biển mạnh dần lên nhưng không mạnh bằng các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Trí, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cảnh báo: “Chỉ khi bão suy yếu và vào đất liền mới suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Trong khi bão số 1 vẫn ở ngoài biển và ven biển thì rất nguy hiểm. Bà con và mọi người không nên chủ quan”.


Lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ các quận phát cơm miễn phí cho bà con xã đảo Thạnh An vào đất liền tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng

Cần Giờ: 2.300 dân rời nhà đi tránh bão

Từ sáng 1-4, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã có mặt tại trụ sở UBND huyện Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão. Ông Nguyễn Văn Đua nhiều lần nhắc các đơn vị không được chủ quan và triển khai lực lượng xuống địa bàn tiếp tục giúp dân chống bão, vì người dân còn chủ quan thiếu kinh nghiệm chống bão.


Người dân neo thuyền tại bến Cầu Đò, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Đầu giờ chiều 1-4, các lực lượng bộ đội, dân quân, đơn vị cứu nạn cứu hộ, thanh niên xung phong tiếp tục mang nhiều bao cát, dây thừng xuống các khu vực ven biển như bến Cầu Đò, Cầu Đen, bãi tắm 30-4, chợ thị trấn huyện Cần Giờ và công viên huyện Cần Giờ để chằng lại nhà cửa, biển báo.
Đến chiều 1-4, đã có 2.295 người dân của hai xã và thị trấn ven biển huyện Cần Giờ là xã Thạnh An, xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh đến nơi trú bão an toàn.


Một người đàn ông đang tìm cách neo thuyền khi sóng gió bắt đầu lớn đầu giờ chiều 1-4 - Ảnh: Thuận Thắng

Trong đó, 3 điểm tiếp nhận 1.545 người dân xã Thạnh An gồm: Trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ: 670 người; nhà thiếu nhi huyện Cần Giờ: 665 người; Liên đoàn lao động huyện Cần Giờ: 210 người.
Tại xã đảo Thạnh An, phần lớn người dân đã được di dời vào nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu của huyện… Tại đây chỉ còn lực lượng bộ đội, dân quân, cảnh sát và một số thanh niên khỏe mạnh ở lại để trông coi tài sản và tiếp tục che chắn nhà cửa, cầu cảng.

Ba điểm tiếp nhận 500 người dân thị trấn Cần Thạnh gồm: Trường THPT Cần Thạnh: 227 người; Trường tiểu học Cần Thạnh: 200 người, ngoài ra các trường mầm non và bệnh viện tiếp nhận 73 người.


Một chiếc thuyền bị gió thổi nghiêng khi đang di chuyển tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng

Bốn điểm tiếp nhận 250 người dân xã Long Hòa gồm: Trường tiểu học Long Thạnh: 170 người; nhà văn hóa ấp Đông Hòa: 40 người; trường tiểu học Hòa Hiệp: 25 người; Đồn biên phòng 562: 15 người.

Số hàng cứu trợ trong và ngoài huyện Cần Giờ cũng đã được tập trung sẵn sàng hỗ trợ người dân chống bão với 700 thùng mì gói, 106 thùng mì ly, 1.300 bình nước uống loại 5 lít, 190 thùng nước loại 20 lít, 50 thùng xúc xích và 500 cái mền. Ngoài ra, ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ còn hỗ trợ người dân gần 7.000 phần ăn sáng, trưa, chiều trong ngày bão đổ vào.

Đến 16g cùng ngày, mưa to kèm theo gió giật mạnh vẫn kéo dài.

Tại trung tâm thị trấn huyện Cần Giờ, người dân đã không đi ra đường. Nhiều người ở các ngôi nhà yếu, lụp xụp và các gia đình sống ven biển được lực lượng chính quyền vận động đi lánh tại các trung tâm phòng tránh bão hoặc các nhà kiên cố.

Ở các bến, những chiếc thuyền cuối cùng đã được người dân di chuyển neo đậu vào nơi an toàn nhất có thể để sẵn sàng đón bão.

Theo tuoitre.vn

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Nga và cuộc chơi tại Syria

Những tuyên bố gần đây của Nga tạo một cảm giác “phản bội” đối với chính quyền của Tổng thống Syria Assad song thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Thái độ khác thường của Nga


Những ngày gần đây, thái độ mà chính quyền Nga dành cho đồng minh Syria khiến cộng đồng quốc tế không khỏi ngỡ ngàng.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần rút lực lượng khỏi các thành phố và cho phép triển khai hoạt động viện trợ nhân đạo, xem đây là bước đầu tiên nhằm giải quyết xung đột.

Hai hãng tin Itar-Tass và Ria Novosti dẫn lời ông Margelov cho hay: "Theo quan điểm chính thức của Nga, Tổng thống Syria Bashar Assad cần lập tức sửa chữa hàng loạt sai lầm mà ông đã gây ra. Ông Assad phải thực hiện bước đi đầu tiên là rút quân đội Syria khỏi các thành phố lớn. Việc cung cấp viện trợ nhân đạo tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi giao tranh cũng rất cần thiết".

Tuyên bố trên thể hiện sự chuyển hướng so với lập trường trước đây của Nga, vốn cho rằng cả Chính phủ lẫn lực lượng đối lập Syria phải đồng thời rút quân khỏi các thành phố.

Giới chức Nga bất ngờ yêu cầu chính quyền Assad rút quân.

Sự thay đổi bất thường này còn thể hiện ở tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Nga Lavrov khi thẳng thắn chỉ trích Damascus “đã phản ứng không đúng” ngay từ đầu, khi các cuộc biểu tình còn diễn ra trong hòa bình và chính quyền Syria đang “phạm phải rất nhiều sai lầm”.

Không chỉ vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov còn cho biết, Đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan sẽ tới Moscow trong "hai ngày tới" để thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và Nga cũng sẽ chủ trì cuộc họp với phái đoàn phe đối lập Syria tại Thủ đô Moscow.

Tuy nhiên, bất thường hơn cả là động thái mà Nga cùng Trung Quốc, hai nước từng hai lần phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Syria (vào tháng 10/2011 và tháng 2/2012) bất ngờ ủng hộ Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố yêu cầu Syria lập tức thực thi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Kofi Annan.

Văn kiện này nhấn mạnh, Hội đồng bảo an sẽ cân nhắc “các bước đi tiếp theo” nếu Tổng thống Assad không thực thi kế hoạch của ông Annan gồm: chấm dứt bạo lực, thực hiện viện trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ.

Tuy tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng bảo an không mang nhiều sức nặng như một nghị quyết chính thức nhưng nó cho thấy bước chuyển biến quan trọng về thái độ của Nga và Trung Quốc đối với chính quyền của Tổng thống al Assad.

Kế hoạch hoàn hảo của ông Putin?


Sự thay đổi trong các tuyên bố cũng như hành động của chính quyền Nga làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng điện Kremlin đã hết kiên nhẫn và không còn muốn sát cánh bên chính quyền của Tổng thống Assad.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là một "âm mưu" của giới lãnh đạo Nga cho những kịch bản khác nhau tại Syria.


Nếu mọi chuyện diễn ra trong tầm kiểm soát của Nga thì vị thế của ông Putin (phải) trên trường quốc tế sẽ được nâng cao hơn nữa.

Tuyên bố mới nhất của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria, với sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc, đặc biệt ở chỗ các bên liên quan có thể hiểu theo cách riêng để coi đó là thắng lợi của mình và nhượng bộ của phía bên kia. Sự nhất trí của Nga và Trung Quốc được phương Tây coi là một thất bại ngoại giao của Syria.

Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những nội dung trong tuyên bố này đều không có gì mới và đã được hai phe trong Hội đồng bảo an đưa ra từ lâu dưới hình thức, mức độ khác nhau. Đã không có gì mới, tuyên bố này lại không có tính ràng buộc bởi không phải một nghị quyết chính thức.

Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, thái độ hưởng ứng tuyên bố này của điện Kremlin chỉ là một chiêu câu giờ cho chế độ Assad. Bằng cách chấp thuận hưởng ứng và tham gia động thái mới nhất của Hội đồng bảo an, Nga đã khéo léo loại bỏ được thời hạn một tuần dành cho chính quyền Assad tuân thủ các yêu cầu của Hội đồng bảo an cũng như xóa được yêu cầu Tổng thống Assad từ chức khỏi văn kiện mới này của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, nếu góp phần củng cố vai trò của ông Annan trong nỗ lực hòa giải tại Syria, Nga sẽ có được cảm giác an tâm bởi vấn đề Syria chắc chắn sẽ chỉ loanh quanh các bàn hội nghị của Liên Hiệp Quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết, mà không “đi chệch hướng” vào các cuộc thương thảo ngầm của các nước phương Tây. Khi đó, Nga sẽ không hay biết và cũng không thể làm gì để cứu giúp đồng minh.

Bên cạnh đó, với tuyên bố kêu gọi chính quyền Assad rút quân khỏi các thành phố, sau này Nga có thể lớn tiếng cáo buộc phe đối lập tại Syria gây nên tình trạng bạo lực kéo dài tại quốc gia này. Điều đó đồng nghĩa với việc phương Tây cũng không có nhiều lý do để kêu gọi ông Assad từ chức.

Tuy nhiên, kế hoạch của Nga trong sự thay đổi thái độ này không chỉ đơn giản như vậy mà nó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra tại quốc gia Trung Đông này.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu và ông Assad buộc phải từ bỏ quyền lực thì chính quyền Nga sẽ không bị “lỡ nhịp” với thời cuộc bởi rút kinh nghiệm từ bài học Libya. Khi đó, Nga và Trung Quốc trở thành những “kẻ lạc dòng” khi phe nổi dậy, lực lượng mà Moscow và Bắc Kinh từng kịch liệt phản đối, lên nắm quyền.

Giờ đây, bằng những tuyên bố đầy cứng rắn như Assad không phải đồng minh của Nga, Moscow không có bất cứ quan hệ đặc biệt nào với Damacus hay quan điểm của Nga dựa trên việc tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền của một quốc gia và vì lợi ích của người dân chứ không phải phục vụ cho lợi ích của bất cứ cá nhân nào, Nga có thể tạo một cảm giác cảm thông với phe đối lập Syria. Và như vậy, chính quyền Syria mới, nếu có, sẽ không có sự thù hận đối với Nga, theo đó, Moscow vẫn có cơ hội duy trì lợi ích tại quốc gia này.

“Rõ ràng Nga không muốn bị nhìn nhận là đồng minh cuối cùng của Tổng thống Assad, để rồi khi ông này buộc phải ra đi, Moscow sẽ lại phải lội ngược dòng”, Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Moscow nhận định.

Tóm lại, với kế hoạch đổi thay này, điện Kremlin hy vọng có thể làm chủ được tình hình Syria, theo đó, duy trì được lợi ích của mình tại quốc gia Trung Đông này trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Không chỉ vậy, sự chủ động trong vấn đề Syria này còn có thể giúp Nga gửi một thông điệp rõ ràng đến phương Tây cũng như các nước Arab rằng: “Vai trò của Nga đóng vai trò hết sức quan trọng trên trường quốc tế và không quốc gia nào nên phớt lờ lợi ích của Nga”.

Sự coi trọng này có ý nghĩa rất lớn đối với Thủ tướng cũng là Tổng thống tương lai Putin. Do đó, có thể nói, đây là một kế hoạch hoàn mỹ giúp tăng cường vị thế của ông Putin trên chính trường thế giới trong thời gian tới.