Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Trung Quốc ngang ngược cấm đánh cá ở biển Đông


Trung Quốc hôm qua ngang nhiên tuyên bố sẽ cấm đánh bắt ở nhiều khu vực trên biển Đông. Philippines khẳng định không công nhận lệnh này.

Theo báo China Daily, chính quyền Trung Quốc sẽ áp đặt lệnh cấm đánh bắt mới ở phía bắc biển Đông trong 2 tháng rưỡi, bắt đầu từ ngày 16.5. Trong đó, gồm cả bãi cạn Scarborough, nơi đang xảy ra tranh chấp với Philippines hơn 1 tháng qua. Từ năm 1999 đến nay, Bắc Kinh liên tục cấm đoán ở khu vực biển Đông mà nước này tự cho là thuộc chủ quyền của mình với cái cớ “bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên biển”. China Daily dẫn lời giới chức cho biết sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và hải sản của “người vi phạm”.

Ngay lập tức, Đài ABS-CBN dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định nước này sẽ không công nhận lệnh cấm nói trên. Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh động thái của Bắc Kinh “xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” và Manila “sẽ thực thi các đặc quyền hợp pháp theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Philippines “có thể áp đặt lệnh cấm tương tự để khôi phục nguồn hải sản”.

Ngư dân Philippines tại khu vực gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters
Ngư dân Philippines tại khu vực gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, lệnh cấm được đưa ra giữa lúc căng thẳng ở Scarborough chưa được xoa dịu nên sẽ tạo cớ cho tàu công vụ của Trung Quốc bắt bớ tàu cá Philippines tại đây. Bắc Kinh cũng muốn hạn chế các bên khác đánh bắt trong vùng tranh chấp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời gia tăng tần suất hiện diện của tàu mình ở đây. Việc Trung Quốc dự định đưa vào biên chế 36 tàu hải giám trong năm tới có thể cũng nhằm thực hiện mục tiêu này.

Đến nay, Trung Quốc luôn phản đối các nước bên ngoài lên tiếng về tranh chấp trên biển Đông. Cũng giống như với Mỹ, nước này đang gây áp lực để buộc Nga phải tránh xa khu vực chiến lược và giàu tài nguyên. Trang tin World Net Daily dẫn lời ông Dmitriy Mosyakov thuộc Viện Nghiên cứu các nước phương Đông của Nga nói rằng Moscow hiện phải đối mặt với “một lựa chọn và giá của lựa chọn đó có thể sẽ rất cao”.

Nếu Nga từ bỏ lợi ích ở biển Đông để đổi lấy quan hệ với Trung Quốc thì nước này “không chỉ mất mặt ở châu Á, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mà còn đánh mất luôn những hợp đồng dầu khí trị giá hàng tỉ USD”. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông trên thực tế đang thu hút sự quan tâm của ngày càng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản... Theo Đài GMA hôm qua, Úc đã lên tiếng thúc giục các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. “Chúng tôi không ủng hộ bên nào nhưng vì Úc cũng có quyền lợi ở biển Đông nên chúng tôi kêu gọi các bên tôn trọng những nguyên tắc hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS”, Ngoại trưởng Úc Bob Carr tuyên bố. 

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Đối thoại Bắc Kinh - Manila đổ vỡ


Manila và Bắc Kinh, như Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận ngày 12-5, đã nối lại liên hệ ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp giữa hai nước về bãi cạn Scarborough.
Song ngòi nổ vẫn chưa được tháo gỡ. Vì sao?

Một chiếc Hải Nam Bảo Sa của Trung Quốc - Ảnh: hkwb.net
Một chiếc Hải Nam Bảo Sa của Trung Quốc - Ảnh: hkwb.net

Giới quan sát nhận xét việc đối thoại này đã lại như đá ném ao bèo, không thấy hai bên đề cập bất kỳ kết quả nào đạt được.

Pháp lý đối mặt với “cơ sở lịch sử”


Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn lớn giọng lên lớp Philippines khi lặp lại những nội dung như trước. “Trung Quốc nhắc lại quan điểm của mình là yêu cầu Philippines tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và kiềm chế mọi hành động có thể làm tình hình thêm phức tạp và lan rộng. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và các hành động của phía Philippines” - trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Hồng Lỗi với giọng đe nẹt quen thuộc.

Tương tự, giờ đây không còn mượn loa truyền thông để đổ tội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao này đã ra trực tiếp cáo buộc: “Philippines đã kích động công chúng trong nước và ở nước ngoài phản đối Trung Quốc. Những hành động như thế đã làm xói mòn nghiêm trọng mối quan hệ Trung Quốc - Philippines, đã làm người dân Trung Quốc ở cả trong lẫn ngoài nước phản ứng mạnh”. Ông Hồng Lỗi còn yêu cầu Manila phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân Trung Quốc ở Philippines.

Đáp lại, như Inquirer Daily cho biết, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nhắc lại Manila không nhúng tay vào các cuộc biểu tình phản đối của người dân Philippines ở trong và ngoài nước hôm 11-5. Đề cập cuộc đối thoại, ông Del Rosario chỉ nêu lên những yêu sách của Bắc Kinh mà Manila không thể chấp nhận được. Bắc Kinh ngang nhiên yêu cầu Manila không được quấy rối các tàu dịch vụ công của Trung Quốc đang hoạt động gần bãi cạn Scarborough, các tàu cá Trung Quốc phải được hoạt động bình thường và các tàu của Philippines phải rời khỏi khu vực Scarborough mà Trung Quốc khăng khăng khẳng định thuộc chủ quyền của mình.

Trong khi Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền dựa trên những gì mà họ gọi là “cơ sở lịch sử” chỉ có Trung Quốc thừa nhận thì Philippines, như ngoại trưởng Del Rosario cho biết, đang hướng tới con đường pháp lý cho một giải pháp hòa bình bền vững đối với các vùng tranh chấp trên biển Đông.

“Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc có nhiều máy bay và tàu chiến hơn Philippines. Song cho đến cuối cùng, chúng tôi hi vọng chứng minh được rằng luật pháp quốc tế sẽ công bằng” - Ngoại trưởng Del Rosario nhấn mạnh.

Chính sách chiếm giữ các vùng biển


Báo Le Monde ngày 12-5 nhận định sự trở lại của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Bắc Kinh nhìn nhận như một tín hiệu đáng báo động. Từ đó Trung Quốc, vốn là nước đòi chủ quyền trên toàn biển Đông qua cái gọi là “đường lưỡi bò”, bắt đầu đặt để những con cờ của mình.

Đề cập đến cuộc đối đầu kỳ lạ đã kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, báo này đặt câu hỏi: lý của kẻ mạnh sẽ thắng ở biển Đông?

Theo chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Pháp Jean - Pierre Cabestan, Trung Quốc “hiện đang tìm cách chiếm giữ các vùng biển được cho là của mình” theo một chính sách mà ông mô tả là “việc đã rồi” bằng cách tránh can thiệp bằng tàu quân sự của hải quân nước này mà bằng tàu dân sự của năm cơ quan như cơ quan giám sát hàng hải (CMS) thuộc Bộ Đất đai và tài nguyên, văn phòng kiểm tra ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, hải quan, lực lượng tuần duyên (cảnh sát) và cơ quan an ninh hàng hải.

Mặt khác, trong ý đồ chiếm giữ các vùng biển, Trung Quốc đang triển khai mạnh mẽ hoạt động của các tàu cá trên biển. Những chương trình hỗ trợ ngư dân ở các tỉnh phía nam Trung Quốc đang thúc đẩy sự ra đời của những đội tàu đánh cá ngày càng hiện đại và vươn ra xa bờ ở các ngư trường nước sâu trên biển Đông. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ đè bẹp các nước láng giềng.

Tỉnh Hải Nam đang triển khai đến biển Đông tàu Hải Nam Bảo Sa 001 với trọng tải 32.000 tấn. Nó như một nhà máy chế biến trên biển với 600 công nhân làm việc. Trang web Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết cùng với tàu - nhà máy này còn có một tàu chở dầu 20.000 tấn, tàu vận chuyển 10.000 tấn và ba tàu từ 3.000-5.000 tấn, cùng 300-500 tàu đánh cá trên 100 tấn trong vùng biển đang tranh chấp trên biển Đông.

Hải Nam Bảo Sa 001 là tàu chế biến thủy sản lớn nhất của Trung Quốc và là một trong bốn tàu chế biến thủy sản lớn nhất trên thế giới. Tàu - nhà máy này được trang bị 14 dây chuyền sản xuất và với sự hỗ trợ của các tàu khác, nó có khả năng chế biến tại chỗ trên 2.100 tấn thủy sản mỗi ngày.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Truyền hình Trung Quốc phát ngôn: Philippines là lãnh thổ không thể tách rời

Một phát thanh viên của truyền hình quốc gia Trung Quốc đã "sơ suất" hay "chủ ý" tuyên bố Philippines là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Vụ việc xấu hổ này diễn ra trong lúc căng thẳng giữa hai nước về chủ quyền trên Biển Đông đang gia tăng.



Tại phút thứ 1:35, nữ phát thanh viên Hòa Giai đã nói nhầm như sau: “Như tất cả chúng ta đều biết Philippines là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Philippines”.

Hòa Giai, phát thanh viên của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đưa ra tuyên bố trên trong bản tin tối hôm thứ Hai và sau đó đoạn băng ghi lại bản tin đã được đưa lên mạng Internet.

Người phát thanh viên này định nói đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

“Tất cả chúng ta đều biết rằng Philippines là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và Philippines thuộc về chủ quyền của Trung Quốc, đây là thực tế không thể tranh cãi”, nữ phát thanh viên nói trong bản tin và bản tin này sau đó đã bị rút khỏi trang web của kênh CCTV nhưng đoạn video của chương trình truyền hình này vẫn được đưa lên tại một số trang web trên mạng.

Người xem đã bàn tán, đùa cợt về vụ việc và cho rằng tinh thần dân tộc của cô phát thanh viên đã khiến cô mắc sai lầm đó nhưng cũng có không ít khán giả Trung Quốc tranh thủ "té nước theo mưa" và đưa ra những lời bình luận sặc mùi hiếu chiến.

“Cô phát thanh viên này thật đáng tuyên dương, một người rất yêu nước, cô ấy đã tuyên bố với cả thế giới rằng Philippines thuộc về Trung Quốc”, một tiểu blogger có tên helenjhuang bình luận.

“Chúng ta nên tấn công trực tiếp, đóng gói đồ đạc của ngài Aquino (Tổng thống Philippines) và lấy lại lãnh thổ không thể tách rời của chúng ta”, một người khác bình luận.

Một tiểu blogger khác có biệt hiệu kongdehua thì nói “Về cơ bản Philippines đã gây ra những rắc rối hết sức vô lý, nếu họ muốn một cuộc chiến tranh thì chúng ta sẽ chiến đấu, chẳng ai sợ họ cả”.

“Nếu mỗi người Trung Quốc chỉ cần nhỏ một bãi nước bọt, thì chúng ta sẽ nhấn chìm (Philippines)”, một bình luận khác xuất hiện.

Các quan chức của đài CCTV đã từ chối bình luận về sai sót của cô Hòa và cũng không cho biết liệu đài này đã đưa ra lời xin lỗi hay chưa.

Khi nhận xét về các tranh chấp chủ quyền và các phong trào ly khai ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và các vùng biển quanh nước này, các nhà ngoại giao và truyền thông Trung Quốc vẫn thường gọi những vùng này là “phần không thể tranh cãi của chủ quyền và lãnh thổ Trung Quốc”.

Hôm thứ Hai, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Huỳnh tuyên bố Bắc Kinh đã sẵn sàng cho “bất kỳ sự leo thang nào” trong tranh chấp lãnh hải với Philippines khi căng thẳng giữa hai nước về bãi cạn Scarborough chưa có dấu hiệu suy giảm.