Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Hội nghị BCH TW Đảng: Tạo khí thế mới, niềm tin mới


Chiều 15/10, ngay sau khi Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI bế mạc, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đã trao đổi với phóng viên về những cảm nhận sâu sắc, những điều tâm đắc nhất về Hội nghị.

Lớp học đặc biệt về xây dựng Đảng


Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ: Kết thúc Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, mỗi đại biểu đều cảm nhận như vừa trải qua một lớp học chính trị đặc biệt về công tác xây dựng Đảng, về công tác tự phê bình và phê bình.

Thông qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quán triệt kết quả cũng như tinh thần đợt kiểm điểm đối với toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, mỗi cán bộ, đảng viên đều cảm nhận được trách nhiệm lớn đối với toàn Đảng, toàn dân. Cần phải làm tất cả những việc có thể để sớm khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm, kể cả những thiếu sót, khuyết điểm kéo dài. Trước kia cũng đã nhiều lần kiểm điểm, nhiều lần phê bình, nhưng khắc phục chưa được triệt để.

Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Lần này, việc kiểm điểm được tiến hành với tinh thần kiên quyết hơn, tập trung hơn, sâu sắc và có trọng tâm trọng điểm hơn. Đây chính là thời điểm mà những yêu cầu của công tác xây dựng Đảng, đòi hỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân là phải tạo được những chuyển biến rõ nét. Những tiêu cực, khuyết điểm như vừa qua phải được ngăn chặn, đẩy lùi và không để tái diễn.

Việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình hết sức nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, cầu thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cơ quan lãnh đạo thường xuyên và cao nhất của Đảng ta, đồng thời cũng là cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ những hoạt động của đất nước, của nhân dân, chính là một tấm gương. Trước tình hình trong Đảng tồn tại những yếu kém, khuyết điểm, Bộ Chính trị đã tự nhận về mình trách nhiệm cao nhất, tự phê bình sâu sắc nhất, đồng thời đề nghị Ban Chấp hành Trung ương quyết định hình thức kỷ luật trước việc không ngăn chặn được những yếu kém, khuyết điểm như vừa qua. Thảo luận rất kỹ lưỡng, thấu đáo và sâu sắc về mọi mặt, mặc dù Ban Chấp hành Trung ương quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng đồng thời Ban Chấp hành Trung ương cũng mong muốn tập thể và mỗi cá nhân, phải bằng công việc cụ thể sớm khắc phục, sửa chữa những yếu kém không phải của riêng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà của Đảng.

Hội nghị lần này giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, trong đó có vấn đề xây dựng Đảng. Những kết quả bước đầu của công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp… thực sự đang tạo được những chuyển biến tích cực. Từng tập thể, cán bộ, đảng viên đều tự soi, tự sửa, tiếp thu những ý kiến phê bình từ các đồng chí, đồng đội để tự sửa chữa, khắc phục những yếu kém.

Thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng như các đảng bộ trực thuộc Trung ương trong cả nước, đã triển khai nghiêm túc theo tinh thần hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Trung ương về cách thức và các nội dung cần kiểm điểm trong cấp ủy. Đến nay, Đảng bộ Hà Nội đã triển khai về cơ bản hầu khắp các đảng bộ trực thuộc, các đảng bộ khối, quận, huyện… một cách nghiêm túc. Đảng bộ Hà Nội có qui mô lớn, với hơn 340.000 đảng viên, chiếm gần 10% tổng số đảng viên trong cả nước. Vì vậy, yêu cầu của Trung ương và cả nước đối với Hà Nội cũng rất cao, thật sự nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác chuẩn bị, tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không những đóng góp vào sự vững mạnh, trong sạch chung của từng tổ chức đảng và của toàn Đảng, mà từng cán bộ, đảng viên cũng nhận thấy điều đó cần thiết cho chính mình. Có như vậy, hoạt động tự phê bình và phê bình mới thực sự tạo được chuyển biến sâu sắc.

Thời gian tới, Đảng bộ Hà Nội một mặt thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những quy định của Trung ương, đồng thời tập trung làm rõ 2 vấn đề: Thứ nhất, chuyển tải rõ hơn kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, xây dựng. Thứ hai, trên cơ sở kiểm điểm, phải tạo được chuyển biến trong thực tiễn, bởi đó chính là thước đo đánh dấu hiệu quả của công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng… Quan trọng hơn là sự sâu sắc trong việc làm, trong hoạt động thực tiễn, trong sửa chữa khuyết điểm của mọi đảng viên.

Phải nghiêm khắc, làm gương


Theo đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, những ý kiến góp ý rất sâu sắc, trách nhiệm và trí tuệ của Ban Chấp hành Trung ương đối với Báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giúp bản thân đồng chí hết sức thấm thía những mặt làm được cũng như mặt hạn chế, khuyết điểm, không chỉ là trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là trách nhiệm của một Ủy viên Bộ Chính trị; từ đó đề ra những biện pháp khắc phục trong thời gian sắp tới, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả gia đình. Đồng chí cho rằng, là người cán bộ, đảng viên, trách nhiệm càng cao, thì bên cạnh việc thực hiện đúng những quy định của pháp luật, quy định của Đảng, đòi hỏi có sự nghiêm khắc, làm gương, nói cách khác là phải có sự hy sinh, không chỉ bản thân mình mà cả gia đình, để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng phân công.

Đề cập những vấn đề tâm đắc tại Hội nghị Trung ương lần này, đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Qua kiểm điểm cho thấy, việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, trước khi tiến hành kiểm điểm tự phê bình là cách làm có ý nghĩa rất tích cực. Đây cũng là điểm mới so với tất cả những lần trước đây. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhận được các ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí đã nghỉ hưu với một tinh thần trách nhiệm rất cao, rất tâm huyết, với mong muốn Đảng ta vững mạnh, từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong sáng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao được uy tín. Đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, đây là một kênh thông tin quan trọng, cho thấy nếu có sự lắng nghe tốt, cầu thị tốt, bản thân mỗi cá nhân sẽ tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, kiểm điểm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng cá nhân, cũng đạt được một yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra là phải khắc phục cho được tình trạng chỉ thấy khuyết điểm chỗ khác và người khác, chứ không phải của chính bản thân mình. Điều này thể hiện qua tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, cầu thị, tính tự phê cao của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây cũng là một biểu hiện nêu gương cụ thể để cấp dưới học tập và noi theo.

Tạo khí thế mới, niềm tin mới trong Đảng


Đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, Hội nghị Trung ương 6 bàn thảo về 7 vấn đề lớn, trong đó có vấn đề cấp bách trước mắt, có vấn đề mang tính lâu dài cho Đảng và đất nước. Đây là những vấn đề cơ bản và rất khó, đòi hỏi Trung ương phải có quyết sách, định hướng để tiếp tục chỉ đạo cả nước tổ chức thực hiện.

Vấn đề mà nhân dân và đảng viên quan tâm là tại Hội nghị lần này, Trung ương nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm hết sức nghiêm túc, trách nhiệm và gương mẫu. Việc kiểm điểm rất cụ thể chi tiết, qua đó chúng tôi hiểu sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn hơn, có thêm niềm tin về các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Ksor Phước chia sẻ.

Đồng chí cho rằng việc kiểm điểm rất nghiêm túc, chân thành, thể hiện tình thương yêu và tinh thần đoàn kết cao trong Bộ Chính trị, có nguyên tắc và giữ vững được tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đây là tấm gương tốt về tự phê bình và phê bình, về đoàn kết trong tập thể Bộ Chính trị, không phải là đoàn kết một chiều mà có tự phê bình và phê bình, nói thật, nói thẳng.

Cách tổ chức góp ý, lấy thông tin của Bộ Chính trị rất tốt, thu thập rất nhiều ý kiến của nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, cán bộ tổ chức trong và ngoài Đảng đóng góp hàng trăm ý kiến cho Bộ Chính trị và cá nhân các đồng chí trong Bộ Chính trị. Các ý kiến đóng góp đã được nghiên cứu một cách nghiêm túc, sàng lọc và nêu vấn đề cho các đồng chí liên quan để kiểm điểm làm rõ.

Sự nghiêm túc còn thể hiện ở chỗ, trên cơ sở đánh giá kết quả và đánh giá tình hình thực tiễn của đất nước, Bộ Chính trị thấy được trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân và đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét hình thức kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và cá nhân một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương đã đóng góp trên 230 ý kiến cho Bộ Chính trị trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào trách nhiệm của tổ chức và cá nhân của từng đồng chí trong Bộ Chính trị, rất thẳng thắn, chân tình. Thái độ tiếp thu của Bộ Chính trị và các đồng chí trong Bộ Chính trị trước Ban Chấp hành Trung ương nghiêm túc.

Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu kín, thống nhất rất cao là không xem xét kỷ luật tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy Hội nghị Trung ương tiến hành dân chủ, trung thực, thẳng thắn. Đây mới là kết quả bước đầu, từ đây chúng ta sẽ tiếp tục làm triệt để, đến nơi đến chốn, duy trì hàng năm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân. Kết quả này sẽ tạo khí thế mới, niềm tin mới trong Đảng, trong nhân dân đối với Đảng ta nói chung và đối với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Qua đây cho thấy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị là tập thể mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, trung thành với lợi ích của nhân dân Việt Nam; một Đảng dám đối mặt với tồn tại yếu kém của chính mình, một Đảng quyết tâm sửa chữa khuyết điểm của mình. Để sửa chữa yếu kém khuyết điểm, Đảng phải tăng cường phát huy dân chủ, tăng cường tự phê bình và phê bình trong Đảng và đặc biệt phải luôn gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và dựa vào nhân dân để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Ấn tượng sâu sắc


Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chia sẻ, Hội nghị lần này đã để lại một ấn tượng hết sức sâu sắc đối với mỗi đại biểu tham dự. Đây là một hội nghị diễn ra dài ngày nhất; bàn bạc nhiều nội dung, ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận nhất của Ban Chấp hành Trung ương. Trong số đó, nhiều nội dung liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển con người, đảm bảo an ninh quốc phòng và những vấn đề liên quan đến quy hoạch cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương. Những vấn đề được Hội nghị Trung ương 6 bàn thảo lần này có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn, lâu dài đến tiến trình phát triển của Cách mạng.

Trong số các nội dung của Hội nghị, đồng chí Lương Ngọc Bính đặc biệt tâm đắc với phần thảo luận về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng chí Lương Ngọc Bính cho biết, đây là đề án được Trung ương thảo luận rất sôi nổi, bàn bạc rất kỹ. Đây cũng là một trong số những đề án nhằm thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới mục tiêu đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đề cập đến việc tiếp thu tinh thần, nội dung Hội nghị Trung ương 6 để triển khai tại địa phương, đồng chí Lương Ngọc Bính cho biết, Đảng bộ Quảng Bình sẽ tổ chức quán triệt và tiếp thu một cách nghiêm túc những nội dung mà Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận, thông qua lần này, nhằm nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết của Hội nghị; đồng thời lựa chọn những vấn đề then chốt, bức xúc để ưu tiên triển khai thực hiện và coi đây là những biện pháp mang tính chất đột phá, nhằm đưa những nội dung của Hội nghị Trung ương 6 vào cuộc sống đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng về việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên trong tỉnh; thông qua đó khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; hay những yếu kém trong công tác tổ chức, cán bộ; những vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; từ đó phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Theo TTXVN

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách


Hôm qua 7-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác Phòng chống Tham nhũng, lãng phí; Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống Tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia Phòng chống Tham nhũng đến năm 2020.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị Phòng chống Tham nhũng
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống Tham nhũng; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống Tham nhũng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Ðại Quang, Bộ trưởng Công an; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống Tham nhũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung Ương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, sau khi nhắc lại nhận định trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung Ương trình Ðại hội lần thứ XI của Ðảng về công tác Phòng chống Tham nhũng và Nghị quyết Trung Ương 4 (khóa XI). Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh: Công tác Phòng chống Tham nhũng là một nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống nhà nước trong sạch, vững mạnh hiện nay. Thủ tướng cho biết, sắp tới Hội nghị Trung Ương 5 xem xét, thảo luận Báo cáo Sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác Phòng chống Tham nhũng, lãng phí, trên cơ sở đó, Hội nghị Trung Ương 5 sẽ có những chủ trương, giải pháp thiết thực để tăng cường hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác Phòng chống Tham nhũng trong thời gian tới. Ðể chuẩn bị cho Hội nghị Trung Ương 5 nói trên, Ban Chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống Tham nhũng tổ chức hội nghị này nhằm thảo luận, đánh giá kết quả công tác Phòng chống Tham nhũng thời gian qua, hoàn thiện báo cáo trước khi trình Hội nghị Trung Ương lần thứ 5 của Ðảng.

Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 (khóa X) do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày và báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống Tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia Phòng chống Tham nhũng đến năm 2020 do đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung Ương Ðảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống Tham nhũng trình bày đã đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3, Luật Phòng chống Tham nhũng và những văn bản khác của Ðảng và Nhà nước về Phòng chống Tham nhũng. Các báo cáo nhận định, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung Ương, các Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng cấp tỉnh và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác Phòng chống Tham nhũng trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Cụ thể là, năm năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các hành vi tham nhũng có tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn. Ðã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Ðối với tám vụ án tham nhũng trọng điểm xảy ra từ 2006 trở về trước mà Ban Chỉ đạo Trung Ương lựa chọn để chỉ đạo ngay sau khi thành lập đều đã được đưa ra xét xử dứt điểm. Ðối với 21 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp khác mà Ban Chỉ đạo Trung Ương lựa chọn để chỉ đạo đã xét xử năm vụ, Tòa án đang thụ lý hai vụ, Viện Kiểm sát thụ lý ba vụ, đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra bốn vụ, đang điều tra bảy vụ. Ðối với 20 vụ án mà Ban Chỉ đạo Trung Ương giao Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung Ương theo dõi, đôn đốc đã xét xử 12 vụ, Tòa án đang thụ lý hai vụ, Viện Kiểm sát đang thụ lý hai vụ, đình chỉ điều tra hai vụ, đang điều tra hai vụ.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các tội phạm tham nhũng trong năm năm qua có tiến bộ so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước đây đã được khởi tố, điều tra, xử lý dứt điểm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đã góp phần răn đe, ngăn chặn các hành vi tham nhũng.

Hiện nay, công tác Phòng chống Tham nhũng được quan tâm hơn và có những bước tiến quan trọng so với thời kỳ trước khi có Nghị quyết Trung Ương 3 và Luật Phòng chống Tham nhũng. Những kết quả của công tác Phòng chống Tham nhũng đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Kết quả đó cũng khẳng định những chủ trương, giải pháp của Ðảng và Nhà nước được quy định trong Nghị quyết Trung Ương 3 và Luật Phòng chống Tham nhũng là cơ bản đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, có thể khẳng định rằng, công tác Phòng chống Tham nhũng nói chung và việc thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt yêu cầu và chưa đạt được mục tiêu "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng..." như Nghị quyết đề ra. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng vẫn cao và diễn biến phức tạp: quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tín dụng, ngân hàng... Công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ðáng chú ý là số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong năm năm có xu hướng giảm trong khi thực trạng tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn ít. Trong năm năm qua, nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào qua công tác kiểm tra, thanh tra. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Hồ sơ vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung nhiều lần; một số vụ cho hoãn xét xử; đình chỉ vụ án, bị can; cho bị can, bị cáo tại ngoại thiếu căn cứ thuyết phục, gây khó khăn cho việc xử lý. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thiếu kiên quyết, nhiều vụ kéo dài thời hạn điều tra, xử lý; nhiều vụ có xu hướng giảm dần về tội danh, tính nghiêm trọng của tội phạm, giảm dần số bị can, bị cáo; nhiều vụ được đình chỉ, miễn xử lý hình sự; việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao.

Sau khi nghe 13 ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu ý kiến, khẳng định công tác Phòng chống Tham nhũng đã đạt kết quả quan trọng, tuy nhiên, cũng chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Ðồng chí cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tốt trong giai đoạn tới. Ðồng chí nhấn mạnh, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung Ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Ðảng hiện nay thì không thể không đẩy mạnh cuộc đấu tranh Phòng chống Tham nhũng. Ðồng chí đề nghị các đại biểu, cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích của công tác Phòng chống Tham nhũng trong giai đoạn hiện nay; cần quán triệt đầy đủ chủ trương, giải pháp Phòng chống Tham nhũng trong Nghị quyết Trung Ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng cũng như Nghị quyết Trung Ương 4 (khóa XI) nói trên. Sớm hoàn thiện tổ chức các cơ quan Phòng chống Tham nhũng, trước hết là kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung Ương, Ban Chỉ đạo các địa phương về Phòng chống Tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra về Phòng chống Tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng. Ðồng chí nêu rõ, trong những năm tới, công tác Phòng chống Tham nhũng vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhìn chung các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình nhiều nội dung trong dự thảo báo cáo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 nói trên.

Về đánh giá kết quả đạt được sau năm năm thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 (khóa X) và Luật Phòng chống Tham nhũng, Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành đều đã quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 một cách nghiêm túc; công tác Phòng chống Tham nhũng, lãng phí đã đạt được những chuyển biến tích cực, có ý nghĩa quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Công tác Phòng chống Tham nhũng năm năm qua đã góp phần vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, tham nhũng đang là thách thức lớn vai trò lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Vì vậy, Phòng chống Tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất trong công tác xây dựng Ðảng và trong việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước. Công tác Phòng chống Tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ của toàn Ðảng và cả hệ thống chính trị.

Về những nhiệm vụ, giải pháp Phòng chống Tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định phải quyết tâm, kiên trì, đồng bộ, quyết liệt trong công tác Phòng chống Tham nhũng để xây dựng Ðảng ta, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh. Những nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện đồng bộ, trong đó đặc biệt quan tâm giải pháp phòng ngừa. Phải nâng cao hơn nữa quyết tâm, trách nhiệm cao của các cấp, nhất là của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền. Phải nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức đảng, đặc biệt là cơ sở đảng. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ðồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội ở các cấp, nhất là việc hoàn thiện thể chế, cơ chế trong đầu tư công, trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó là, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý cán bộ, nhất là về tuyển dụng cán bộ, phải dân chủ, công khai, minh bạch. Ðồng thời, cũng phải công khai, dân chủ trong đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Phải hoàn thiện chính sách về tiền lương, đất ở, nhà ở cho cán bộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải xây dựng các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đấu tranh kịp thời với các hành vi tham nhũng. Phải tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc các cấp và nhân dân đối với bộ máy nhà nước và các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực. Và cuối cùng là phải kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống Tham nhũng và Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng ở địa phương.