Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Đề nghị làm rõ tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến

Tại phiên họp sáng 27/3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị “phải làm rõ trường hợp đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến - ĐBQH tỉnh Long An”.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII sắp tới có thể phải “xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội”.

Trước đó, một tờ báo đưa tin: bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã từng bị khởi tố ngày 2/3/1998 vì tội danh “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và “chiếm đoạt bí mật Nhà nước”, sau đó bỏ trốn sang Mỹ và bị truy nã. Ngoài ra, thông tin về nhân thân của bà không rõ ràng, bà có biểu hiện vung tiền mua chuộc cử tri để trúng cử đại biểu Quốc hội...


Bà Đặng Thị Hoàng Yến

Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Ban Công tác đại biểu Quốc hội, chưa tìm thấy tài liệu thể hiện bà Đặng Thị Hoàng Yến liên quan đến vụ án lộ bí mật nhà nước năm 1988, có hành vi trốn ra nước ngoài hay tham gia đường dây chuyển tiền ra nước ngoài.
Tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công khai kết quả xác minh tư cách đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An). Cụ thể, theo kết quả xác minh của Bộ Công an, bà Yến chưa bị khởi tố bị can trong vụ án lộ bí mật đấu cố ý làm lộ bí mật nhà nước năm 1998. Trong quá trình điều tra vụ án, có một số đối tượng liên quan nhưng trong hồ sơ lưu trữ không có bà Yến.

Bộ Công an cũng khẳng định chưa có tài liệu thể hiện đại biểu Yến có hành vi trốn ra nước ngoài hay tham gia đường dây chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, bà Yến có bị cấm xuất cảnh trong 2 năm (từ 10/1998 đến tháng 10/2000) để phục vụ việc điều tra vụ án này.

Về vụ ly hôn giữa bà Yến và ông Jimmy Trần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, do thủ tục tố tụng chưa đúng với quy định pháp luật nên ngành tư pháp đã xem xét và yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Long An ra quyết định kỷ luật, hình thức khiển trách với thẩm phán thụ lý vụ án. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ đạo tiến hành giám đốc thẩm. Nếu bản án có sai phạm sẽ phải hủy để tiến hành xét xử lại.

Trước đó, Chủ nghiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã khẳng định, những thông tin kê khai về quê quán, trình độ của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đều đúng. Quá trình hiệp thương 3 vòng đều đúng quy trình quy định. Trong suốt quá trình bầu cử, Hội đồng bầu cử cũng không nhận bất cứ đơn thư tố cáo nào về bà Yến. Đến kỳ họp đầu tiên (tháng 7/2011) bắt đầu có những thông tin đặt vấn đề về tư cách đại biểu của nữ doanh nhân.

Việc bà Yến trong quá trình vận động cử tri (tháng 4/2011) có nhiều hoạt động làm từ thiện, ông Phúc xác nhận thời điểm đó quá nhạy cảm. Tuy chưa có cơ sở xác định sai phạm nhưng việc này cũng gây bức xúc, nghi ngại cho cử tri về động cơ không trong sáng về hoạt động từ thiện của nữ doanh nhân.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức, là một trong số 38 doanh nhân trúng cử vào Quốc hội khóa 13. Trước kỳ họp thứ hai, bà Yến đã đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ quyền riêng tư.

nguồn: http://baodatviet.vn/Home/phapluat/De-nghi-lam-ro-tu-cach-dai-bieu-cua-ba-Dang-Thi-Hoang-Yen/20123/200753.datviet

Đêm 6/4 TQ đã vi phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam

Tỉnh Hải Nam Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi cho chạy thử tuyến du lịch từ Hải Khẩu-Hải Nam đến đảo Đá Bắc - thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào đêm ngày 6/4/2012.


Du thuyền Công chúa Gia Hương tại bến tàu Căn cứ Tam Á - Cục Cứu hộ Nam Hải, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ngày 6/4/2012.

Trang mạng Tân Hoa xã, chinanews.com ngày 7/4/2012 đưa các bản tin có nội dung như sau:

"vào 10 giờ tối ngày 6/4, tàu du lịch (du thuyền) “Công chúa Gia Hương”/Coconut Princess của Công ty TNHH Cổ phần Vận tải Eo biển Hải Nam đã xuất phát từ Tam Á, tiến hành chạy thử tuyến đường từ Tam Á ra đảo Đá Bắc (ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Theo phóng viên báo mạng chinanews, Tân Hoa xã, 7 giờ tối cùng ngày, tại cảng căn cứ Tam Á-Cục Cứu hộ Nam Hải của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc có thể nhìn thấy, một vài nhân viên của được mời chạy thử theo tàu đã tiến hành chụp ảnh lưu niệm tại bến cảng.

Các nhân viên cho biết, đây là lần chạy thử tuyến đường này khi nào chính thức khai thông chưa xác định. Việc mua vé sẽ được xác định khi tuyến đường này chính thức được đưa vào hoạt động. Trong lần chạy thử lần này, chỉ có nhân viên được mời mới có thể lên tàu, đã từ chối khéo yêu cầu tham quan của phóng viên.

Ngày 5/4, Ủy ban Du lịch tỉnh Hải Nam cho biết, Hải Nam đang bắt tay chuẩn bị làm quy hoạch du lịch Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trợ lý Chủ tịch tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Du lịch tỉnh Hải Nam,  Lục Chí Viễn cho biết, Hải Nam là tỉnh hải dương, luôn tìm cách khai thác chương trình đặc sắc du lịch trên biển.


Hải quân Việt Nam.

Ngay sau đó, ngày 6/4, Công ty TNHH Cổ phần Vận tải Biển eo biển Hải Nam ra thông báo cho biết, sau khi nhận được tài liệu “Ý kiến trả lời về việc đồng ý cho Công ty TNHH Cổ phần Vận tải Biển eo biển Hải Nam khai thác tuyến đường vận tải hành khách mới” từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Nam ngày 18/11/2011, Công ty này đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến du lịch sinh thái từ Hải Khẩu đến đảo Đá Bắc và các hòn đảo lân cận của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam),

hiện nay đã hoàn thành công trình cải tạo tàu của du thuyền “Công chúa Gia Hương”, có kế hoạch tiến hành hoạt động chạy thử tuyến đường từ Tam Á ra đảo Đá Bắc-Hoàng Sa vào lúc 22 giờ ngày 6/4/2012 (việc làm này đã được tiến hành).

Thông báo của công ty này nói, chuyến đi này là chuyến đi thử nghiệm của tuyến đường.

Ngày 6/4, Phó Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông tỉnh Hải Nam là Hoàng Bành trả lời báo chí cho biết, tuyến đường này dự kiến hành trình 2 ngày, một chiều mất khoảng 10 giờ. Hoàng Bành cho biết, tuyến du lịch Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) theo quy hoạch ban đầu chỉ có thể tham quan du lịch ở xung quanh đảo Đá Bắc-Hoàng Sa, sau đó quay trở về đảo Hải Nam.

Các nguồn tin từ báo chí Trung Quốc gần đây cho biết, Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, việc khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) có lợi cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc".

Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.


Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền bất di bất dịch của Việt Nam

Phản ứng với hành động của phía Trung Quốc, ngày 9/4/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/4/2012 cho biết:

Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị.

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Báo Trung Quốc đăng hình ảnh bữa ăn chiến sĩ quân đội Việt Nam

Trang sina.com.cn, một trang báo mạng Hoa ngữ khá lớn ngày 6/4 đăng tải một chùm ảnh về bữa ăn của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tạo sự tò mò và thu hút không ít độc giả. Theo lời bình của tờ báo điện tử này, hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam được các độc giả chuyên mục Quân sự của mạng sina.com.cn quan tâm đặc biệt.

Theo Sina, Quân đội Nhân dân Việt Nam trước đây vốn khá "kín tiếng" với thế giới bên ngoài, ít khi có những thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Lục quân Việt Nam (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng có xu hướng mở rộng thông tin, truyền thông về các hoạt động của mình.

Độc giả chuyên mục Quân sự của mạng sina đã từng biết đến nhiều thông tin về hệ thống vũ khí, trang bị, khí tài mới của Việt Nam, tuy nhiên những thông tin liên quan đến cuộc sống của quân nhân Việt Nam cũng được quan tâm và chú ý đặc biệt.

Bữa ăn của quân nhân Việt Nam thể hiện qua những hình ảnh này được độc giả trang sina.com.cn đánh giá là "khá ổn", một bữa ăn hợp lý về dinh dưỡng cũng như cơ cấu khẩu phần dành cho quân nhân.

Theo tìm hiểu, đây là những hình ảnh được cóp nhặt từ các diễn đàn của Việt Nam. Những hình ảnh chụp các bữa ăn theo tiêu chuẩn bình thường, ngày lễ của các đơn vị quân đội và cảnh sát tại các trường đào và các cơ sở huấn luyện.









Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Bóc trần 'giá trị thật' của Hội nghị An ninh Hạt nhân

Dù không đạt được thỏa thuận chung, Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân (NSS) ở Seoul kết thúc với việc chỉ ra giá trị cốt lõi mà các quốc gia châu Á quan tâm: an ninh và an toàn hạt nhân nhằm ngăn ngừa một thảm họa tương tự như Fukushima (Nhật Bản) chứ không phải chống khủng bố hạt nhân.

Vấn đề cốt lõi: An ninh và an toàn hạt nhân


Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận, có tới 24 vụ mất trộm hoặc thất lạc các vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, số lượng, chủng loại lượng vật liệu bị mất không được báo cáo rõ ràng nên chưa ai rõ về việc chúng đã được đưa ra chợ đen hay chưa.

Nối tiếp sau đó là sự thất bại trong việc đạt được thỏa thuận chung của các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân về việc áp dụng và thực thi pháp luật nhằm ngăn cản những kẻ khủng bố, tội phạm hình sự có thể tiếp cận, mua bán những vật liệu hạt nhân này.


Hội nghị thượng định tại Seoul hướng tới an ninh, an toàn hạt nhân chứ không phải khủng bố hạt nhân. Ảnh minh họa: Diplomat.

Tuy nhiên, trước khi Hội nghị NSS diễn ra, các chuyên gia kỳ vọng nó sẽ thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của các nước châu Á về vấn đề an ninh, an toàn với vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, khu vực này sẽ phải đối mặt với những thuốc thử quan trọng mới khẳng định được vị thế của mình với vấn đề hạt nhân này.

Thứ nhất, đó là về con số chính xác khối lượng các vật liệu hạt nhân nguy hiểm thật sự tồn tại.

Từng quốc gia thông thường không công khai quy mô của lượng vật liệu hạt nhân đang nắm giữ.

Khoảng 1.600 tấn Uranium làm giàu mức độ cao (HEU) và 500 tấn Plutonium đã được sản xuất trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo tính toán, để có thể sản xuất một quả bom nguyên tử giống như quả bom đã thả xuống Hiroshima, cần ít nhất 50-60 kg HEU và một nửa con số trên với quả bom thả xuống Nagasaki.

Thứ hai, đó là các luồng quan điểm khác nhau của các nước về rủi ro từ chủ nghĩa khủng bố sử dụng hạt nhân. Ví dụ, Trong Hội nghị NSS, Mỹ tuyên bố đơn giản rằng: “Chủ nghĩa khủng bố hạt nhân đặt ra mối đe dọa và ngay lập tức với an ninh toàn cầu, đòi hỏi những cam kết mạnh mẽ và lâu dài trong hành động của mỗi nước và trên toàn thế giới”.

Trong khi đó, nhiều chính phủ khác lại xem xét, nguy cơ tiềm ẩn của khủng bố hạt nhân là vấn đề trừu tượng, xa xôi hoặc không thể xảy ra. Nhận thức này được phản ánh trong Thông cáo mơ hồ với những diễn đạt chung, không đưa ra mẫu số chung cho những người tham dự hội nghị thượng đỉnh, không đưa ra các mục tiêu có thể đo lường hoặc bất kỳ biện pháp thực thi nào.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Á cũng ngày càng nhận thức rõ, họ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa an ninh hạt nhân như bất cứ quốc gia nào khác, ngay cả với những nước không có chương trình điện hạt nhân, không nằm gần các quốc gia có tài sản hạt nhân lớn, lò phản ứng hạt nhân hoặc vật liệu phóng xạ nguy hiểm.

Các lãnh đảo cũng hiểu, những tổ chức khủng bố, tội phạm hình sự đều có thể sử dụng lãnh thổ của bất kỳ nước nào để buôn lậu vật liệu hạt nhân thông qua mạng lưới phi pháp của chúng.

Do đó, kết quả thực sự của Hội nghị thượng đỉnh Seoul là giải quyết hai vấn đề được nhiều nước châu Á quan tâm hơn: an toàn, an ninh với các nguồn phóng xạ và các vấn đề an ninh có liên quan đến tai nạn hạt nhân, thay vì chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Kiểm soát nguồn vật liệu hạt nhân dân sự


Nguồn phóng xạ dân sự, là các vật liệu phóng xạ được sử dụng thường xuyên trong các thiết bị chuyên ngành tại các cơ sở dân sự, chẳng hạn như các bệnh viện sử dụng cho điều trị ung thư.

Các thiết bị dân sự ít được đảm bảo an toàn giống như các cơ sở hạt nhân như lò phản ứng hay tại cơ sở quân sự. Không chỉ bị đặt trong bảo đảm an ninh yếu hơn, việc chuyển giao và buôn bán các nguồn phóng xạ dân sự này không được kiểm soát tốt, đặc biệt là việc vận chuyển qua biên giới quốc tế không được giám sát.

Chính nguồn phóng xạ “mồ côi” này là đối tượng của các vụ mất cắp, thất lạc hay bị bỏ lại trong các bãi chôn lấp thiếu an ninh. Điều này đặt ra mối nguy hiểm nếu những kẻ khủng bố sử dụng chúng để làm bom bẩn hay các thiết bị nổ tức thì (IED) hạt nhân.

Khi phát nổ, các loại bom tự chế này có thể phát tán chất phóng xạ trên một khu vực địa lý mục tiêu, gây ra số thương vong lớn do ảnh hưởng từ phóng xạ thay vì tác động nổ thông thường.


Kiểm soát các  thiết bị dân sự sử dụng vật liệu hạt nhân bị buông lỏng. Ảnh minh họa: todaysdrum.

Điều này có thể gây hoảng loạn đại chúng và phá vỡ hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực bị ảnh hưởng trong nhiều năm. Hơn nữa, chế tạo một quả bom dạng này không yêu cầu chuyên môn đặc biệt. Đồng vị phóng xạ phù hợp cho các loại bom này dễ kiếm hơn nhiều so với các vật liệu phân hạch ở cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân đặc biệt.

Do vậy, Hội nghị Thượng đỉnh đã kêu gọi các chính phủ tăng cường theo dõi vị trí, tình trạng của tất cả các nguồn phóng xạ trên lãnh thổ của mình cũng như loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu HEU trong sản xuất đồng vị y. Thay vào đó, nên sử dụng Uranium làm giàu mức độ thấp (LEU).

Năm 2011, vụ khủng hoảng của một số lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản đã đặt ra vấn đề an toàn hạt nhân vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Seoul.

Hệ quả của việc đảm bảo an ninh hạt nhân, chính là việc thúc đẩy các nước ngăn chặn hoạt động phá hoại hạt nhân và tăng cường khả năng đáp ứng các trường hợp khẩn cấp hạt nhân với bất kỳ nguyên nhân nào. Thảm họa của Nhật Bản đã giúp mọi người nhận ra, những kẻ khủng bố có thể tạo ra  một thảm họa tương tự một lần nữa và sẽ gây ra hậu quả đáng kể.

Hội nghị còn nhấn mạnh vào sự đối thoại thường mong manh giữa những cộng đồng chuyên gia chịu trách nhiệm về an ninh hạt nhân và những người tham gia vào hoạt động này. Thành viên của các nhóm này thường suy nghĩ, làm việc độc lập, nên trong trường hợp khẩn cấp cần tăng  cường sự phối hợp thay vì đưa ra những giải pháp mâu thuẫn.

Một vấn đề đặt ra là sự căng thẳng giữa vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân. Điều này cần đánh giá đúng mức. Ví dụ, nếu tăng cường an toàn hạt nhân đòi hỏi việc cho phép người dân tại một địa điểm bị thiết hại có thể chạy trốn khỏi khu vực  thảm họa một cách dễ dàng nhất có thể.

Trong khi đó, tăng cường an ninh đòi hỏi phải hạn chế bất kỳ kẻ phá hoại, ngăn chặn các hành vi trộm cắp hoặc loại bỏ các vật liệu hạt nhân.

Vì thế, giải pháp lý tưởng nhất cho một sự cân bằng phù hợp giữa tiêu chuẩn an toàn và an ninh hạt nhân là xây dựng các cơ sở hạt nhân mới.

Lời hiệu triệu từ các quốc gia tham dự Hội nghị


Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thể hiện mong muốn tăng cường nhận thức về sự an toàn của điện hạt nhân trong Hội nghị thượng đỉnh Seoul là “giảm nhẹ những tranh cãi về chủ quyền” như điều kiện cơ bản để khôi phục lại niềm tin của công chúng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đặc biệt là sau thảm họa tại Fukushima.

Cũng là lần đầu tiên, Sở Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ (một cơ quan bí mật và kín tiếng) đã mời nhóm thanh tra từ IAEA cùng hỗ trợ  chính phủ Ấn Độ trong tiến hành đánh giá công khai về các biện pháp an toàn hạt nhân của nước này.

Thủ tướng Singh cho biết, những đánh giá này nhằm tăng cường tính minh bạch và tăng cường niềm tin của công chúng về khả năng hạt nhân của Ấn Độ.


Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ mong muốn minh bạch hóa quy trình hạt nhân ở nước này dưới sự giám sát của IAEA. Ảnh minh họa: Reuters.

Trong tuyên bố của quốc gia, Pakistan cũng nhấn mạnh rằng: "An ninh hạt nhân trong một nước là trách nhiệm quốc gia. Trong khuôn khổ này, cộng đồng quốc tế cần tạo ra không gian thích hợp cho việc hợp tác an ninh hạt nhân thông qua sự tự nguyện trong hành động quốc gia và nghĩa vụ quốc tế".

Tuyên bố của Pakistan chỉ rõ 4 trụ cột an ninh hạt nhân của mình gồm:hệ thống kiểm soát mạnh mẽ và được xác định chuẩn mực; chế độ quy định nghiêm ngặt; chế độ kiểm soát xuất khẩu toàn diện và hợp tác quốc tế.

Chính phủ Pakistan còn đề xuất mở rộng yếu tố cuối cùng bằng cách thành lập các trung tâm khu vực, toàn cầu cung cấp việc đào tạo an ninh hạt nhân.

 Một điều gây tranh cãi hơn là việc chính phủ Pakistan còn đề nghị “cung cấp các dịch vụ chu trình nhiên liệu hạt nhân dưới các biện pháp bảo vệ của IAEA” và " tham gia vào bất kỳ cơ chế đảm bảo chu trình nhiên liệu hạt nhân mang tính không phân biệt đối xử”.

Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc, hầu hết các quốc gia khác đều tỏ ý không sẵn sàng cấp cho Pakistan một đặc quyền quốc tế về hạt nhân giống như đã dành cho Ấn Độ. Lí do cho việc này chính là hồ sơ an ninh hạt nhân đầy rủi ro, đặc biệt đây là nơi trú ẩn của mạng lưới phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt bất hợp pháp của A. Q. Kahn.

Về phần mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề xuất  rằng, IAEA nên cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức khu vực- những đối tượng có vai trò quan trọng trong an toàn và an ninh hạt nhân.

Ông còn cho biết, hỗ trợ này đặc biệt quan trọng trong một khu vực mà nhiều nước đang bắt tay vào thực hiện các chương trình năng lượng hạt nhân đầu tiên của mình.

Ví dụ, trong trường hợp của khu vực Đông Nam Á, IAEA sẽ cung cấp các chương trình an ninh và an toàn hạt nhân của mình thông qua ASEAN. Bởi lẽ, với nhiều nước thành viên ASEAN với mật độ dân số đông, phụ thuộc nhiều vào thương mại nước ngoài, ngay cả một sự cố hạt nhân nhỏ sẽ có thể đưa tới thảm họa lớn cho nền kinh tế và an ninh của họ.


Các quốc gia tại Hội nghị thưởng đỉnh cần chú trọng hơn tới nguy cơ về an ninh hạt nhân, hợp tác để ngăn ngừa thảm họa tương tự Fukushima. Ảnh minh họa: Malaysia Times.

Thủ tướng Australia, ông Julia Gillard gợi ý rằng, giải pháp hữu ích là các chính phủ thực hiện các đánh giá ngang hàng một cách thường xuyên về các thỏa thuận an ninh hạt nhân của họ nhằm đảm bảo tính minh bạch và kiểm soát tốt lẫn nhau, từ đó đối phó tốt hơn với thách thức này”.

Nhiều quốc gia đã chấp nhận việc đánh giá định kỳ các lò phản ứng hạt nhân dân sự của mình.

Với những vấn đề trên, tiền là một vấn đề. Cung cấp thêm các khoản tài trợ bổ sung trong những năm tới trước tình hình ngân sách nói chung gặp khó khăn, là điều cần thiết để duy trì sự tiến bộ trong đảm bảo an ninh với các vật liệu hạt nhân.

Để đạt được tiến bộ lâu dài trong việc đảm bảo an toàn cho các vật liệu hạt nhân, các nước cần một cơ chế hợp lý hóa và thể chế hoá với những nhà lãnh đạo quan tâm thực sự tới an ninh hạt nhân ở châu Á.

Nhờ đó, các nước có thể tập hợp các nguồn lực cùng sự phối hợp cần thiết để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân luôn tiềm ẩn.

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Vỡ òa giây phút cựu binh Úc trao kỷ vật của người lính Việt Nam

Đúng 10h sáng nay, ngày 3/4, cựu binh Úc Laurens Wildeboer - người đã lưu giữ cuốn sổ ghi chép và khăn quàng của liệt sĩ Phan Văn Ban - đã trao những kỷ vật đó cho người thân liệt sĩ. Những kỷ vật ấy đã được ông gìn giữ suốt 40 năm qua.


Cựu binh người Úc trao trả những kỷ vật của liệt sĩ Ban cho gia đình

Giây phút xúc động mà nhiều người chờ đợi đã đến. Cầm trên tay từng món kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Ban (tên khác là Phan Thành Nhơn và Phan Thanh Hưng, quê ở ấp 2, xã Long An, Long Thành, Đồng Nai), người cựu binh Mỹ trân trọng trao cho mẹ ruột của liệt sĩ Ban.

Trong dòng cảm xúc bị dồn nén, ông Wildeboer gửi đến gia đình liệt sĩ lời xin lỗi, bày tỏ sự hối tiếc về những gì đã xảy ra trong quá khứ. “Ông Ban và những lính Việt Nam rất tuyệt vời. Họ thật tuyệt khi làm tất cả vì đất nước” - ông Wildeboer chia sẻ.

Sau giây phút cảm động, ông Wildeboer lần lượt trao lại cuốn số ghi chép và chiếc khăn quàng cổ mà ông đã lấy được tại chiến trường Việt Nam năm xưa.

Nghẹn ngào, cảm động, người thân liệt sĩ Ban cũng bày tỏ lời cảm ơn tới nghĩa cử đẹp của người cựu binh Úc. “Thật xúc động khi chiến tranh qua đi đã lâu mà các ông vẫn giữ lại những gì của con trai tôi. Tất cả đã là quá khứ nhưng tình cảm giữa con người thì mãi vẫn còn” - mẹ liệt sĩ Ban xúc động.

Dân trí xin gửi đến độc giả những hình ảnh đầu tiên của cuộc hành trình trao trả kỷ vật của cựu binh Úc Laurens Wildeboer:







Phim vạch trần vụ lừa dối thế kỷ về tự thiêu Thiên An Môn

Lửa giả” (False Fire), bộ phim vạch trần vụ lừa dối thế kỷ về tự thiêu trên Thiên An Môn do La Cán đạo diễn và chế tạo, hiện đã được dỡ bỏ lệnh cấm và tìm kiếm được trên mạng Baidu tại Đại Lục. Giới quan sát bên ngoài cho rằng, cuộc đấu tranh nội bộ kịch liệt chưa từng có tại cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện nay đang nhắm vào tử huyệt của phe cánh Giang Trạch Dân — tội ác phản nhân loại.

"Lửa giả", bộ phim vạch trần vụ lừa dối thế kỷ về tự thiêu trên Thiên An Môn do La Cán đạo diễn và chế tạo, hiện đã được giải cấm và tìm kiếm được trên mạng Baidu tại Đại Lục.

Vụ lừa dối thế kỷ do La Cán chế tạo bị vạch trần

Bộ phim tài liệu “Lửa giả” (http://www.falsefire.com) phân tích sự kiện xảy ra vào chiều ngày 23 tháng 1 năm 2001 trên quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, tức cái gọi là “tự thiêu tại Thiên An Môn”. Bộ phim đã đoạt giải thưởng Liên hoan phim Quốc tế Columbus lần thứ 51, một trong những giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới.
Toàn bộ quá trình của cái gọi là “vụ tự thiêu tại Thiên An Môn” đều được phía chính phủ Trung Quốc ghi lại, không chỉ chất lượng rõ nét, mà từ đầu tới cuối không sót chi tiết nào. Điều này không khỏi khiến người ta nghi ngờ vụ án này là một giả án được dày công mưu tính.

Các nhân sĩ chuyên nghiệp phân tích, ống kính cự ly xa được đặt trên cao, đầu ống kính lại di động, chứng tỏ toàn bộ sự kiện này đã được lên kế hoạch từ trước.

Bộ phim “Lửa giả” là do Đài truyền hình Tân Đường Nhân chế tác, một kênh thông tấn lấy phương châm là ủng hộ chính nghĩa và nhân quyền. Bộ phim tài liệu đã phân tích có hệ thống các điểm nghi hoặc này. Sau khi đoạt giải, bộ phim đã thu hút sự quan tâm cao độ của quốc tế về sự chà đạp nhân quyền và hãm hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Tuy sự kiện “tự thiêu tại Thiên An Môn” đã gây chấn động cả trong và ngoài nước, nhưng tới nay nhiều người Trung Quốc vẫn chưa biết chân tướng. Tuy nhiên, nhờ học viên Pháp Luân Công nói rõ sự thật về “vụ tự thiêu” trong nhiều năm, rất nhiều dân chúng Trung Quốc đã nhận rõ bản chất tà ác của ĐCSTQ. Dưới mệnh lệnh “giết không tha” của Giang Trạch Dân, rất nhiều học viên Pháp Luân Công vẫn không quản nguy hiểm để nói rõ sự thật, bất chấp bị kết án nặng, hay bị tra tấn.

Bối cảnh xuất hiện “vụ tự thiêu tại Thiên An Môn”

Pháp Luân Công là một công pháp tu luyện lấy “Chân-Thiện-Nhẫn” làm nguyên tắc chỉ đạo, từ đó đạt đến bình hòa và hoàn thiện về tự ngã. Pháp môn tu tâm dưỡng tính cổ xưa này được truyền ra từ năm 1992 tại thành phố Trường Xuân bởi ông Lý Hồng Chí, và tới năm 1999 đã phổ biến tới hơn 50 quốc gia trên thế giới, giúp hàng triệu người thu được lợi ích.

Tuy nhiên, do số người tập Pháp Luân Công ngày càng nhiều tại Trung Quốc, nên tháng 7 năm 1999, cựu Bí thư ĐCSTQ là Giang Trạch Dân cảm thấy khủng hoảng bất an, và đã phát động một cuộc vận động trấn áp tàn khốc Pháp Luân Công. Để trốn tránh sự lên án của dư luận thế giới, Giang Trạch Dân đã lợi dụng mọi quyền lực trong tay, bất chấp thủ đoạn để tiến hành cuộc bức hại — đầu tiên là đàn áp, sau đó lại ngụy tạo chứng cứ giả để che đậy chân tướng.

Dưới sách lược của Giang Trạch Dân, màn kịch xấu xa nhất có thể kể đến chính là sự kiện “tự thiêu” trên quảng trường Thiên An Môn ngày 23 tháng 1 năm 2001. Hiển nhiên, mục đích tập đoàn Giang Trạch Dân đạo diễn sự kiện tự thiêu tập thể này là để kích động sự phẫn hận trong dân chúng, đem Pháp Luân Công và tà giáo tự sát giết người liên hệ với nhau. Mục đích là khiến dân chúng thù hận Pháp Luân Công, hủy hoại hình tượng lý trí, ôn hòa, phi bạo lực của Pháp Luân Công trên trường quốc tế.

Vụ án thế kỷ khiến người ta kinh hãi này chính là sản phẩm biên tạo bởi La Cán, một trong những hung thủ chính trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Tư pháp của ĐCSTQ, người tâm phúc của Giang Trạch Dân.


Theo tindachieu

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Nhóm nhạc Hàn Quốc chụp hình chung với phu nhân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Một nhóm nhạc Hàn Quốc có vinh dự rất lớn khi được biểu diễn trước rất nhiều "First Lady" (Đệ nhất phu nhân).

Vào ngày hôm qua (27/3), 3 thành viên của JYJ đã nhận được một vinh dự rất lớn khi được chọn là ca sĩ trình diễn trong một gala khá "đặc biệt". Gala này được tổ chức cho các vị Đệ nhất phu nhân của những nguyên thủ quốc gia trên thế giới thưởng thức khi đến Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2012.

JYJ chụp ảnh chung với phu nhân các lãnh đạo thế giới

Các anh ấy đã biểu diễn 2 ca khúc: Be My Girl và In Heaven cho các vị Đệ nhất phu nhân. Sau chương trình, JYJ còn được nhận vinh dự to lớn hơn là chụp ảnh chung với các "khách mời cao cấp" này. Trong số họ, chúng tớ còn phát hiện có bà Trần Thanh Kiệm - phu nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của nước ta nữa đấy.

Phu nhân Trần Thanh Kiệm
Phu nhân Trần Thanh Kiệm mặc áo dài và đứng hàng thứ 2, bên trái Yoochun

Các thành viên JYJ phát biểu: "Chúng tôi rất vui và vinh dự khi được mời đến một sự kiện có ý nghĩa như thế này. Hi vọng là phần biểu diễn nhỏ của chúng tôi có thể làm hài lòng các vị Đệ nhất phu nhân các quốc gia và đem lại những kỉ niệm tốt đẹp cho các vị phu nhân trong những ngày tại Hàn Quốc".

phu nhân tổng thống Chile
Hình ảnh JYJ và phu nhân tổng thống Chile cũng lên trang nhất các báo ở Chile

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Phiên họp đầu tiên của Hội nghị An ninh hạt nhân 2012 bắt đầu

Phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Seoul 2012 đã bắt đầu vào sáng nay, 27/3.

Sáng ngày 27/3, phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Seoul 2012 đã bắt đầu với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012

Các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế đã tới Seoul tham dự Hội nghị An ninh Hạt nhân.

Các đại biểu sẽ thảo luận về việc ứng phó với khủng bố hạt nhân, bảo vệ vật liệu hạt nhân và các cơ sở cũng như công tác phòng chống buôn bán bất hợp pháp nguyên liệu hạt nhân.

Khi đưa ra một phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhấn mạnh sự cần thiết của phối hợp quốc tế chặt chẽ để tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu.

"Tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh Seoul, xây dựng dựa trên các thành tựu đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Washington, để có một bước xa hơn trong việc tạo ra một sự đồng thuận và kế hoạch hành động" – Tổng thống Lee cho biết.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Toàn cảnh phiên họp.

Với con số 1.600 tấn uranium làm giàu cao và 500 tấn plutonium có khả năng sản xuất 126.500 vũ khí hạt nhân đang được chứa trên toàn thế giới, ông Lee cho biết việc giảm thiểu và sau này là loại bỏ vật liệu hạt nhân là một giải pháp cơ bản để ngăn ngừa khủng bố hạt nhân.

Ông Lee nói thêm rằng, đó là nghĩa vụ của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm duy trì hòa bình và an ninh cho toàn nhân loại. Vì vậy, họ phải thực hiện tất cả các biện pháp để ngăn chặn những kẻ khủng bố có được nguyên liệu hạt nhân.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho hay: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu không một quốc gia nào có thể làm điều này một mình và mục tiêu sẽ chỉ được thực hiện khi chúng ta hành động như một cộng đồng quốc tế.

"Chúng tôi đã làm những gì ở Washington và những gì  ở Seoul sẽ là một phần trong nỗ lực toàn cầu được đưa ra nhằm làm giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân, theo đuổi mục đích hoà bình của công nghệ hạt nhân" - Obama cho biết.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Phiên họp sẽ được tổ chức trong hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Phiên họp sẽ được tổ chức trong hai tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó, các nhà lãnh đạo sẽ có một bữa ăn trưa và một phiên họp toàn thể khác, trước khi Tổng thống Hàn Quốc tổ chức họp báo nêu bật những thành tựu của hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Các nhà báo đang theo dõi phiên họp Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2012.

Thông cáo Seoul, được công bố vào ngày 27/3, dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết quốc tế về giảm thiểu việc sử dụng uranium làm giàu cao và plutonium cũng như mở rộng các cuộc thảo luận về an toàn hạt nhân trong bối cảnh an ninh hạt nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết sau thảm họa sóng thần gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Trung Quốc bất tín trong quan hệ với Việt Nam

Ngang nhiên bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa nước ta là những hành động không hề mới của Trung Quốc. Chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt – Trung.

Bắt tàu cá Việt Nam bất chấp luật pháp và đạo lý


Trước sự việc Trung Quốc bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 66101TS và QNg 66074TS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân, tàu cá nói trên. Chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.”

Tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam. Còn nhớ, trước đó tròn 1 tháng (ngày 22/2), 11 ngư dân của ta trên tàu cá QNg 90281TS cũng của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản. Trước sự việc đó, hôm 29/2, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị đã khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.” Đồng thời nhấn mạnh: Hành động dùng vũ lực uy hiếp, đánh đập, lục soát lấy tài sản của ngư dân ta của phía Trung Quốc “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Ngang nhiên lặp lại hành vi bắt và đánh đập tàu cá Việt Nam


Những hành động như kể trên của phía Trung Quốc không có gì là mới, chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều, ngang nhiên hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Không những thế, ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn lớn tiếng cho rằng: Việc các ngư dân Việt Nam bị bắt là do đã xâm phạm chủ quyền và lãnh hải của Trung Quốc, vì thế phản ứng của Trung Quốc là hợp lý và đúng luật. Vờ lên mặt đạo đức khi nhắc nhở, Việt Nam nên quản lý và giáo dục ngư dân của mình, đừng để họ xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải Trung Quốc nữa. Hoà theo giọng điệu đó, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc đăng tải ý kiến của một vài chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây chỉ là hành động cảnh cáo với những ai có ý định xâm phạm lãnh hải của họ. Những lý lẽ họ đưa ra cho thấy sự cố tình bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những chứng cứ lịch sử luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã tồn tại từ bao đời nay, bất chấp cả đạo lý khi giở trò bắt bớ, đánh đập các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ngay trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc: Lời nói không đi đôi với việc làm


Theo luật pháp quốc tế thì Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được thế giới công nhận là của Trung Quốc. Một trong những chứng cứ minh chứng cho điều này là tại Hội nghị San Francisco năm 1951  đa số nước tham dự hội nghị bỏ phiếu không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Một năm sau, trong Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật cũng đã nhấn mạnh việc không thừa nhận hai quần đảo trên là của Trung Quốc.

Cho tới năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó đang được quản lý bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1988 lại dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý hợp pháp của Việt Nam. Những hành động trên được coi là sự cưỡng chiếm bất hợp pháp hay nói cho đúng là hành động xâm lược một cách trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế. Nay, họ lại muốn tuyên bố chủ quyền và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Bởi, theo Luật quốc tế cụ thể là theo UNCLOS 1982 thì tuyên bố như thế sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc (trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào 10/2011)

Mà đã là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đương nhiên ngư dân của Việt Nam có quyền đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản và các hoạt động kinh tế khác. Vì sao Trung Quốc lại trắng trợn có hành vi bắt bớ, đánh đập, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu xét về luật pháp quốc tế là đây là hành vi sai trái, Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào kể cả bắt giữ, đánh đập, lục soát lấy tài sản của những ngư dân Việt Nam bình thường – những con người chỉ quanh năm biết làm bạn với biển cả của Tổ quốc, lấy con tàu làm nhà, chứ không hề biết đến súng đạn, thù hận. Trung Quốc cố tình làm thế với mục đích khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về vùng đặc quyền kinh tế nằm trong sự quản lý của Việt Nam. Hành vi ấy chứng tỏ ý đồ cướp đất của phía Trung Quốc là quá rõ ràng. Nó không hề phù hợp với hành vi của một cường quốc, với xu thế của cộng đồng quốc tế hiện nay khi giải quyết các vấn đề trên biển bằng hoà bình. Có lẽ cũng vì thế mà họ đã buộc phải bội tín với phương châm “16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” mà chính họ hay rao giảng. Cách đây chưa đầy 6 tháng, ngày 11/10, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Đảng ta tới Trung Quốc, họ đã cùng với chúng ta ký “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước” làm kim chỉ nam cho việc giải quyết những tồn tại về các vấn đề trên biển.

Đối với Trung Quốc thì lời nói không hoặc chưa bao giờ đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây. Còn về phía Việt Nam, kết hợp với sự đấu tranh cương quyết đúng về lý, hợp về tình, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung với cộng đồng quốc tế, với những người có lương tri. Hành vi bất chấp đạo lý và luật pháp của Trung Quốc trước sau sẽ bị lên án bởi công luận, cộng đồng quốc tế.

Bạch Dương

Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác an ninh hạt nhân

Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu Việt Nam tới Seun dự Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc từ ngày 26 đến 27 – 29/3.

Tham gia Đoàn chính thức có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an và lãnh đạo một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc gặp tại Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) tại Seoul ngày 30/5/2009.

Việt Nam sử dụng năng lượng hạt nhân vì hoà bình


Chuyến thăm lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm khẳng định chính sách nhất quán của nước ta về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Nêu bật những nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện sau Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân lần thứ nhất về   bảo đảm an ninh và an toàn hạt nhân. Đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước. Khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta coi trọng và muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai tại Hàn quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp hơn liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, trong đó có sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản.

Với sự tham dự của trên 50 nước, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai sẽ là cơ hội để các nước cùng nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất. Đồng thời thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới. Là diễn đàn để các nước duy trì, củng cố ý chí chính trị, thúc đẩy sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, thảo luận về cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân.

Việt Nam xác định bảo đảm an toàn năng lượng hạt nhân


Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc một lần nữa khẳng định với thế giới: chính sách nhất quán của Việt Nam trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thể hiện rõ Việt Nam là thành viên trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp vào nỗ lực giải quyết một vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 2 sẽ có một thông cáo thể hiện quyết tâm chung ứng phó với mối đe dọa khủng bố hạt nhân, khẳng định vài trò của IAEA (cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế), đề cao nhu cầu hợp tác và hỗ trợ quốc tế cũng như khẳng định quyền của các quốc gia phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Năm 2015, đưa kim ngạch thương mại 2 chiều Việt– Hàn lên 20 tỷ USD


Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Hàn Quốc. Đây là lần thứ 3, Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc và là sự kiện chính trị lớn đầu tiên trong năm hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc 2012, kỷ niệm 20 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhằm thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc, nhất là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo, lao động…

Liên tục trong nhiều năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 23 tỷ USD. Và Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Hàn Quốc.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, nhất là quyết tâm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc lên 20 tỷ USD vào năm 2015.

Bạch Dương

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Báo Trung Quốc đăng ảnh đảo An Bang, Trường Sa của Việt Nam

Một số hình ảnh ghi lại cảnh hoạt động, sinh hoạt trên đảo An Bang, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam đã được các trang web và diễn đàn quân sự của Trung Quốc đăng tải trong ngày 21/3/2012. Đây là những hình ảnh được báo chí Trung Quốc tổng hợp từ những diễn đàn thảo luận trên internet ở Việt Nam.








Việt Nam - Séc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn Séc hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ Séc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN.

Doanh nghiệp Séc muốn tìm cợ hội đầu tư tại Việt Nam

Ngày 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.

Đánh giá cao chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kết quả chuyến thăm sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là cùng với Séc tìm mọi cách để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng thời Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Séc hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU); tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt đang học tập, làm việc tại Séc có cuộc sống ổn định, phát triển, cũng như tăng chỉ tiêu học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập tại Séc; đồng thời khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ Séc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg cho rằng, cộng đồng đông đảo người Việt đang sinh sống tại Séc là cầu nối hữu nghị quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Các doanh nghiệp của Séc luôn coi trọng và muốn tìm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Khẳng định, Séc sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Séc có cuộc sống ổn định, và ủng hộ Việt Nam trong tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước EU.

Việt Nam là thị trường chủ chốt về Ngoại thương của Séc

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Karel Schwarzenberg

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Karel Schwarzenberg.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam - Séc
Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Séc đầu tư và làm ăn ở Việt Nam. Và luôn ủng hộ, thúc đẩy mối quan hệ của Cộng hoà Séc cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) với các nước ASEAN, Ðông – Nam Á và các nước châu Á nói chung.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Karel Schwarzenberg khẳng định: Chính phủ Séc luôn chú trọng quan hệ với Việt Nam, đặt Việt Nam là một trong 12 thị trường chủ chốt và ưu tiên về ngoại thương của Séc trong giai đoạn 2011-2015; cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy EU sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU…

Sau hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hoà Séc đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam – Séc.

Bạch Dương

Đề xuất tăng an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã trình bày tham luận có tiêu đề “Tăng cường hợp tác nhằm đối phó với các thách thức an ninh biển,” tại Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Quốc tế Jakarta lần thứ hai (JIDD II), với chủ đề tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, đã diễn ra trong các ngày từ 21-23/3 tại Jakarta.

Đề xuất tăng an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao
Tuần tra ven biển trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN)

Trong tham luận nhấn mạnh an ninh biển đang nổi lên là một trong những thách thức mang tính toàn cầu đáng lo ngại trong thế kỷ 21, bởi nó liên quan đến quyền chủ quyền, quyền tài phán và chủ quyền biển.
Các bất đồng, tranh chấp liên quan đến an ninh biển, trong đó có Biển Đông, gây ra những ảnh hưởng toàn diện về chính trị, kinh tế, chiến lược, địa chính trị và cả văn hóa, đòi hỏi giải quyết phải có sự hợp tác và thiện chí hợp tác ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Liên quan vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các đại biểu tham dự JIDD II đã chia sẻ quan điểm với trình bày của Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, cho rằng đây là khu vực rất quan trọng về giao thông biển, cần được đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, và giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở tôn trọng Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc (UNCLOS 1982).

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đánh giá cao các giải pháp cơ bản cho vấn đề Biển Đông của đoàn Việt Nam, trên cơ sở coi tranh chấp tại đây là thách thức song cũng là cơ hội cho hợp tác, nhất là cần tuân thủ nghiêm chỉnh và thực hiện đầy đủ UNCLOS 1982; tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước, củng cố các cơ chế đối thoại như Diễn đàn ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á (EAS), Đối thoại Shangrila, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM mở rộng (ADMM +).

Diễn đàn năm nay do Bộ Quốc phòng Indonesia và Đại học Quốc phòng Indonesia tổ chức tập trung trao đổi về các vấn đề như quan điểm quốc gia và khu vực về những hoạt động quân sự khác ngoài chiến tranh (MOOTW); quan điểm quốc gia, khu vực và toàn cầu về mối đe dọa an ninh phi truyền thống liên quan MOOTW…/.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Triều Tiên đe dọa Hàn Quốc trước hội nghị hạt nhân

Triều Tiên đe dọa về hậu quả thảm khốc nếu như các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Seoul vào tuần tới đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.


Bất cứ tuyên bố nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul cũng được coi là một tuyên bố chiến tranh.

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân diễn ra vào ngày 26-27 tháng 3, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo thế giới, sẽ tập trung vào vấn đề đẩy lùi khủng bố hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình nguyên tử của Triều Tiên và tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa của nước này sẽ được thảo luận sâu tại các cuộc họp bên lề.

Triều Tiên cho rằng hội nghị hạt nhân – sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc – là một “trò hề nhạt nhẽo” nhằm mục đích biện minh cho một cuộc tấn công nguyên tử do Hàn Quốc và Mỹ tiến hành.

“Đó là một nỗ lực nực cười và một mưu đồ không thể tha thứ được của Lee Myung Bak”-Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua tuyên bố.

“Bất kỳ hành động khiêu khích cũng sẽ được coi là một tuyên bố chiến tranh chống lại chúng tôi và hậu quả của nó sẽ tạo ra những trở ngại để đàm phán về một vùng phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.”-KCNA nói thêm.

KCNA cũng nói rằng chính quyền của ông Lee Myung-bak đang cố gắng “biến một sự kiện thế giới thành một nơi đối đầu với Triều Tiên, giành lợi thế với tư cách là chủ nhà. Đồng thời KCNA cũng nhắc lại cái được gọi là “vấn đề hạt nhân Triều Tiên” không tồn tại. Không có bằng chứng nào được đưa ra.”

Hầu như ngày nào truyền thông Triều Tiên cũng đưa ra các bài báo và các bài bình luận lên án hội nghị thượng đỉnh hạt nhân kể từ đầu tháng này, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Triều Tiên đe doạ chiến tranh với các nước tham dự.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên thất vọng khi Trung Quốc và Nga cũng tham gia hội nghị vì thế truyền thông nước này đã cố gắng tăng cường hăm dọa”. Nhưng Seoul “sẽ không đáp lại tất cả các tuyên bố từ họ”, ông nói thêm.

Sầm Hoa (Theo Chosunilbo/Bangkokpost)