Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Su-35S thực sự mạnh?

Trong tuyên bố mới, Sukhoi khẳng định Su-35S mạnh hơn các loại máy bay tương tự của nước ngoài về nhiều tính năng và "có thể đối đầu với F-22A".

Thông cáo báo chí của Sukhoi đưa ra nhân dịp chuyến bay thứ 500 của Su-35S. Trong đó có đoạn: “Các tính năng tiềm tàng được đưa vào máy bay cho phép nó vượt qua mọi máy bay tiêm kích chiến thuật thế hệ 4 và 4+ như Dassault Rafale và Eurofighter, các biến thể cải tiến của F-15, F-16, F-18, F-35 và có thể đối đầu với máy bay tàng hình F-22A”. Đồng thời, Su-35S tốt hơn nhiều so với khả năng của các máy bay chiến đấu đang có trong trang bị của Không quân Nga.

Theo đó, tốc độ tối đa của Su-35S ở trần bay thấp là 1.400 Km/h, tốc độ ở trần bay cao (18.000m) là 2.400 Km/h. Radar của máy bay trong chế độ không đối không có thể phát hiện mục tiêu ở cự li 400 Km, còn thiết bị định vị quang học đạt tới cự ly 80Km.

Trong quá trình thử nghiệm, Sukhoi khẳng định các tính năng sự vượt trội của Su-35S ở khả năng cơ động linh hoạt siêu hạng, độ ổn định, tính điều khiển, hoạt động của hệ thống dẫn đường, thiết bị lắp trên máy bay và động cơ...

Lời khẳng định không rõ ràng?


Một mặt, có thể vui mừng vì công nghiệp hàng không Nga có thể sản xuất ra những máy bay “hạng nhất”. Mặt khác thì tuyên bố của Sukhoi đặt ra nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, không rõ vì sao máy bay triển vọng của Mỹ F-35 Lightning II mà quá trình nghiên cứu chế tạo sẽ hoàn tất vào 2016-2018 lại được quy về máy bay được cải tiến?

Vì chiếc máy bay này được chế tạo không phải trên cơ sở máy bay tiêm kích sẵn có, mà thực tế là từ con số không, tuy có sử dụng kinh nghiệm có được khi nghiên cứu chế tạo F-22 Raptor.


Sukhoi phải chăng đã "lỡ mồm" PR mạnh cho Su-35.

Thứ hai, Sukhoi đã không chỉ rõ, những dữ liệu nào về máy bay của nước ngoài đã được sử dụng để so sánh tính năng.

Nếu như về F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet và Super Hornet các tính năng cơ bản từ lâu đã được công khai và được biết đến, thì F-35 và F-22 hiện không rõ ràng. Đặc biệt về F-22, chiếc máy bay thậm chí bị cấm xuất khẩu vì lo ngại rò rỉ các công nghệ bí mật.

Thứ ba, trong thông cáo báo chí của Sukhoi không chỉ rõ, cụm từ “các tính năng tiềm tàng được đưa vào máy bay“ có nghĩa là gì. Nghĩa là hiện nay Su-35 chưa vượt qua các máy bay tương tự của nước ngoài và sẽ có thể vượt qua chúng chỉ sau khi được hiện đại hoá? Hoặc điều đó có nghĩa, việc thử nghiệm máy bay vẫn chưa kết thúc và các nhà nghiên cứu chế tạo vẫn còn chưa hình dung được đầy đủ chiếc máy bay này có thể làm được những gì?

Và cuối cùng, không rõ làm thế nào để có thể so sánh các máy bay chiến đấu các loại khác nhau: Su-35S hạng nặng và F-16 và F/A-18 hạng nhẹ.

Ai cũng đánh bại được F-22? 


Theo phân loại máy bay chiến đấu các máy bay tiêm kích hạng nhẹ gồm những chiếc có khối lượng cất cánh từ 10 - 17 tấn, hạng trung từ 17-25 tấn và hạng nặng hơn 25 tấn.

Gần đây nhiều chuyên gia đã gộp hai loại máy bay tiêm kích hạng trung và hạng nặng làm một, chúng thực chất không khác nhau cả về thông số kỹ thuật, cả về các loại nhiệm vụ có thể thực hiện.

Năm 2009, trang Ausairpower đã công bố công khai bảng "Sự phù hợp của các máy bay tiêm kích hiện đại" đối với các tiêu chí của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Theo bảng này, máy bay tiêm kích Sukhoi T-50 đạt điểm cao nhất (+5), hơn máy bay Mỹ F-22 ba điểm. Su-35S được +2 điểm; bằng F-22. Máy bay tiêm kích triển vọng F-35 nhận điểm thấp nhất (-8).

Việc so sánh đã được thực hiện căn cứ vào sự phù hợp với 14 yêu cầu đối với máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm, gồm tốc độ vượt âm trung bình (tuần tiễu), độ bộc lộ thấp, độ cơ động linh hoạt siêu hạng và khả năng sử dụng vũ khí khi có tốc độ vượt âm.


Không hẳn Sukhoi mới PR mạnh, bản thân các máy bay Châu Âu như Rafale - EF2000 cũng tự đánh giá rằng có đủ khả năng đối chọi F-22.

Nếu không đáp ứng được yêu cầu thì máy bay bị – 1 điểm, nếu đáp ứng tốt thì được 0 điểm, còn nếu vượt yêu cầu thì được + 1 điểm. Nếu Sukhoi cũng lập một bảng như vậy thì có thể thấy rõ và dễ hiểu hơn đối với “người trần mắt thịt”.

Năm 2010 tập đoàn Eurofighter đã lập một bảng như vậy khi cố gắng chứng minh ưu thế của Typhoon so với máy bay tiêm kích F-35. Hãng này đã lấy các yêu cầu cơ bản đối với máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm, được Lockheed Martin Mỹ (hãng sản xuất F-22 và nghiên cứu chế tạo F-35) đưa ra đầu những năm 2000 làm cơ sở để lập và so sánh tính năng.

Các tiêu chí là độ bộc lộ thấp, tốc độ vượt âm trung bình (tuần tiễu), độ cơ động linh hoạt siêu hạng, độ tập trung mạng và 5 tính năng nữa. F-22, theo số liệu của Eurofighter, đáp ứng 8/9 yêu cầu, F-35 chỉ được 3, còn Typhoon là 8. Vậy, nói theo cách của Sukhoi, Typhoon ưu việt hơn nhiều máy bay tương tự của nước ngoài và có thể “đối đầu máy bay F-22A”.

Các hãng Dassault của Pháp và  Boeing của Mỹ trước đây đã công bố những báo cáo tương tự. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các báo cáo này đều nói về ưu thế của Rafale và F/A-18 so với đối thủ và so với các “máy bay tương tự của nước ngoài”.

Phải coi tất cả những tuyên bố tương tự chỉ như những bước đi khôn khéo và không thương mại cho lắm, những bước mà trong tương lai phải cho phép bán trang bị kỹ thuật không quân thành công hơn.

Ý đồ của Sukhoi


Ngày 28/3/2012 Phó Giám đốc về hợp tác kỹ thuật quân sự Alexander Fomin tuyên bố: "Su-35S có thể quay trở lại tham gia đấu thầu FX-2 ở Brazil để bán 36 máy bay chiến đấu và chuyển giao giấy phép để lắp ráp 84 máy bay nữa".

Brazil đã công bố gói thầu FX-2 để mua các máy bay tiêm kích mới năm 2008. Máy bay Su-35S của Nga đã bị loại ngay từ giai đoạn đầu, và đến nay F/A-18 của Mỹ, Saab Gripen NG của Thuỵ Điển và Rafale của Pháp còn tham gia đấu thầu.

Vậy tuyên bố của Sukhoi về tính ưu việt của Su-35S thể hiện rõ ý đồ chuẩn bị cơ sở để bắt đầu bán máy bay mới này ra thế giới, chiếc máy bay được cho là sẽ thay thế Su-27.

Cuối cùng, không nên quên rằng bất kỳ trang bị kỹ thuật quân sự nào cũng được nghiên cứu chế tạo để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng chủ yếu – giới quân nhân.

Họ, về phần mình, đưa ra các yêu cầu đối với trang bị kỹ thuật sao cho phù hợp với những nhiệm vụ mà trang bị đó phải thực hiện và với chiến lược quân sự.

Ví dụ, F-22, về bản chất từng là tiếng vọng của chiến tranh lạnh, là máy bay tốt nhất trong loại của nó khó bị phát hiện, nhanh, cơ động linh hoạt siêu hạng, được trang bị tổ hợp vũ khí và thiết bị tiên tiến.


Mục đích của Sukhoi thực sự muốn đưa Su-35S ra thị trường thế giới, trước nhất là trở lại gói thầu của Brazil.

Năm tháng qua đi, học thuyết quân sự của Mỹ đã có thay đổi và hoá ra, Raptor không phải là tốt nhất: nó không thể liên lạc với các máy bay khác, việc sử dụng nó để đánh mục tiêu trên mặt đất rất hạn chế, mà danh mục vũ khí thì quá hẹp đến mức tệ hại. Bây giờ, Lầu Năm Góc chi hàng tỷ USD để hiện đại hoá chiếc máy bay chưa bao giờ tham chiến này.

Tính đến học thuyết hiện nay của Bộ Quốc phòng Nga, Su-35S thật sự là một trong những máy bay tốt nhất cho Không quân. Là một trong số vì không nên xem xét nó đơn lẻ – nó đứng trong đội ngũ cùng với các máy bay chiến đấu khác:

Su-27 đã được cải tiến nâng cấp, Su-30 mới và T-50. Và Su-35 sẽ giải quyết các nhiệm vụ được đặt ra trong sự phối hợp với các máy bay tiêm kích khác của Không quân Nga.

Đồng minh Mỹ đánh giá cao

Tuy vậy, tiềm năng của máy bay tiêm kích Nga đã được đánh giá cao ở nước ngoài.

Cụ thể, đầu tháng 2/2012 ở Australia đã có cuộc họp của Uỷ ban hợp nhất về ngoại giao, vũ trang và thương mại (JSCFADT) mà mục đích là đánh giá sự cần thiết phải mua F-35 cho Không quân Australia.

Các đại diện của cơ quan phân tích trang Ausairpower và hãng RepSim chuyên đưa ra những việc mô phỏng đã phát biểu tại cuộc họp này. Cả hai tổ chức này đều tuyên bố F-35 là “máy bay sai lầm”, không nên mua máy bay này.

Những người tham dự cuộc họp đã khẳng định phát biểu của mình bằng kết quả trận không chiến mô phỏng do RepSim chuẩn bị. Trong trận không chiến “diễn ra gần bờ biển Đài Loan vào năm 2018”, có 240 máy bay tiêm kích F-35 và một số lượng như vậy Su-35S.

Theo số liệu của RepSim, các máy bay Nga đã bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng trong số 240 F-35 chỉ có 30 chiếc “sống sót”.

Họ cũng mô phỏng không chiến giữa 240 F-22 và Su-35S và giữa F/A-18 E/F và Su-35. Trong trận mô phỏng thứ nhất có 139 F-22 và 33 Su-35S còn nguyên vẹn, trong trận mô phỏng thứ hai toàn bộ Super Hornet bị bắn hạ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW

Ngày 9/4, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW, chủ trì Phiên họp thứ 5. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã nghe lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo kết quả xây dựng đề án tổ chức lại cơ quan điều tra; lãnh đạo Quân ủy Trung ương báo cáo kết quả xây dựng các đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội; Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao báo cáo kết quả chuẩn bị thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực theo tinh thần Kết luận số 79 của Bộ Chính trị; Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp báo cáo đề xuất về việc nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chủ trương thống nhất quản lý công tác thi hành án.

Phát biểu kết luận, về Đề án tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, Chủ tịch nước cho rằng đề án đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu và phương hướng, nhiệm vụ của cải cách tư pháp nêu trong Kết luận 79-KL/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW và các văn kiện của Đảng. Quá trình xây dựng đề án đã thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy Công an Trung ương. Tuy nhiên đề án cũng cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa lại một số nội dung về mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ như ý kiến tham gia của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo.

Mô hình tổ chức lại cơ quan điều tra sau năm 2015, cần phải đáp ứng đủ các yêu cầu như đề xuất của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo. Đi kèm với mô hình trên cần nêu rõ các điều kiện về tổ chức, con người, điều kiện vật chất để chuẩn bị thực hiện theo lộ trình của giai đoạn sau 2015.

Về Đề án “Hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” và Đề án “Mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam,” Chủ tịch nước nêu rõ, đề án cần bổ sung nội dung về quan điểm chỉ đạo xây dựng Đề án và cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của việc đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội với việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung theo tinh thần Nghị quyết 49.

Về việc chuẩn bị thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực, Chủ tịch nước cho rằng, việc thực hiện chủ trương tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 49-NQ/TƯ và Kết luận 79-KL/TƯ của Bộ Chính trị là một chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong tiến trình cải cách tư pháp.

Cùng với nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương nêu trên, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần tiếp tục trao đổi với các cấp ủy đảng để tháo gỡ vướng mắc, thống nhất phương án thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát Nhân dân khu vực đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết đối với cán bộ các cơ quan tư pháp về công tác cải cách tư pháp nói chung và về chủ trương thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực nói riêng.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng phương án để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, chỗ ở của cán bộ các cơ quan tư pháp tại một số địa bàn có diện tích rộng, địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa.

Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần đẩy nhanh, bảo đảm đúng tiến độ xây dựng các đề án chi tiết có liên quan phục vụ cho việc triển khai thực hiện việc thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát Nhân dân khu vực đã được xác định trong Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương năm 2012 để Ban Chỉ đạo cho ý kiến làm cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Theo TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khai mạc Festival Huế 2012

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự khai mạc Năm Du lịch Quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ và Festival Huế 2012.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc. Nguồn: Vnexpress.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 là cơ hội cho các địa phương trong vùng phát huy thế mạnh về di sản, văn hóa để phát triển du lịch. Trong những năm qua, các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng đã không ngừng nỗ lực, vượt mọi khó khăn để vươn lên trở thành một vùng có kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; đã bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, di sản đậm đà, giàu bản sắc.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức thành công liên tiếp các kỳ Festival với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cội nguồn, tôn vinh những giá trị văn hóa, di sản quý báu mà ông cha ta đã dày công xây dựng và từng bước trở thành một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc. Festival Huế là dịp để bạn bè khắp năm châu tụ hội, trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình để từ đó mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị, cùng xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế, các địa phương trong vùng cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành của Trung ương phát huy tốt nhất mọi lợi thế và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè cả trong và ngoài nước, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để tập trung tổ chức thành công các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012, từng bước khẳng định thành phố Huế là một trung tâm văn hoá du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival của Việt Nam.

nguồn: http://thethaovanhoa.vn/133N20120408093915570T0/thu-tuong-nguyen-tan-dung-du-khai-mac-festival-hue-2012.htm

Đề nghị làm rõ tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến

Tại phiên họp sáng 27/3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị “phải làm rõ trường hợp đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến - ĐBQH tỉnh Long An”.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII sắp tới có thể phải “xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội”.

Trước đó, một tờ báo đưa tin: bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã từng bị khởi tố ngày 2/3/1998 vì tội danh “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và “chiếm đoạt bí mật Nhà nước”, sau đó bỏ trốn sang Mỹ và bị truy nã. Ngoài ra, thông tin về nhân thân của bà không rõ ràng, bà có biểu hiện vung tiền mua chuộc cử tri để trúng cử đại biểu Quốc hội...


Bà Đặng Thị Hoàng Yến

Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Ban Công tác đại biểu Quốc hội, chưa tìm thấy tài liệu thể hiện bà Đặng Thị Hoàng Yến liên quan đến vụ án lộ bí mật nhà nước năm 1988, có hành vi trốn ra nước ngoài hay tham gia đường dây chuyển tiền ra nước ngoài.
Tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công khai kết quả xác minh tư cách đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An). Cụ thể, theo kết quả xác minh của Bộ Công an, bà Yến chưa bị khởi tố bị can trong vụ án lộ bí mật đấu cố ý làm lộ bí mật nhà nước năm 1998. Trong quá trình điều tra vụ án, có một số đối tượng liên quan nhưng trong hồ sơ lưu trữ không có bà Yến.

Bộ Công an cũng khẳng định chưa có tài liệu thể hiện đại biểu Yến có hành vi trốn ra nước ngoài hay tham gia đường dây chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, bà Yến có bị cấm xuất cảnh trong 2 năm (từ 10/1998 đến tháng 10/2000) để phục vụ việc điều tra vụ án này.

Về vụ ly hôn giữa bà Yến và ông Jimmy Trần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, do thủ tục tố tụng chưa đúng với quy định pháp luật nên ngành tư pháp đã xem xét và yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Long An ra quyết định kỷ luật, hình thức khiển trách với thẩm phán thụ lý vụ án. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ đạo tiến hành giám đốc thẩm. Nếu bản án có sai phạm sẽ phải hủy để tiến hành xét xử lại.

Trước đó, Chủ nghiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã khẳng định, những thông tin kê khai về quê quán, trình độ của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đều đúng. Quá trình hiệp thương 3 vòng đều đúng quy trình quy định. Trong suốt quá trình bầu cử, Hội đồng bầu cử cũng không nhận bất cứ đơn thư tố cáo nào về bà Yến. Đến kỳ họp đầu tiên (tháng 7/2011) bắt đầu có những thông tin đặt vấn đề về tư cách đại biểu của nữ doanh nhân.

Việc bà Yến trong quá trình vận động cử tri (tháng 4/2011) có nhiều hoạt động làm từ thiện, ông Phúc xác nhận thời điểm đó quá nhạy cảm. Tuy chưa có cơ sở xác định sai phạm nhưng việc này cũng gây bức xúc, nghi ngại cho cử tri về động cơ không trong sáng về hoạt động từ thiện của nữ doanh nhân.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức, là một trong số 38 doanh nhân trúng cử vào Quốc hội khóa 13. Trước kỳ họp thứ hai, bà Yến đã đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ quyền riêng tư.

nguồn: http://baodatviet.vn/Home/phapluat/De-nghi-lam-ro-tu-cach-dai-bieu-cua-ba-Dang-Thi-Hoang-Yen/20123/200753.datviet

Trung Quốc chuẩn bị 'đánh úp' biển Đông (P1)?

Những sự kiện tranh cãi gần đây tại biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và các láng giềng cho thấy Bắc Kinh “chứng nào tật ấy”, không bao giờ ngừng các hành động khiêu khích, thậm chí, có khả năng họ triển khai các cuộc tấn công bất thình lình trong các vùng lãnh hải tranh chấp.
Lùi một bước để tiến ba bước?

Các tranh chấp lãnh thổ gay gắt giữa Trung Quốc và các láng giềng ở biển Đông và Hoa Đông từ lâu trở thành chủ đề nóng và thu hút sự chú ý không nhỏ từ công chúng. Gần như tất cả các quốc gia trong khu vực và con rồng châu Á đều có những “vụ lùm xùm, ầm ĩ” liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho tới Philippines và Việt Nam.

Muốn ổn định nội, ngoại để chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra suôn sẻ đồng thời, tống khứ Mỹ khỏi châu Á – Thái Bình Dương và xóa bỏ hình ảnh “xấu xí” của mình đối với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng, linh hoạt hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải trong khu vực.


Trung Quốc đang thay đổi thay đổi cách tiếp cận, tỏ ra mềm mỏng linh hoạt hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh hãi tại biển Đông? Ảnh minh họa: China Daily.

Một bài bình luận mới đây đăng trên Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ nhận xét, Trung Quốc đang trở nên ôn hòa hơn, mềm dẻo và linh hoạt hơn trong các vấn đề liên quan đến biển Đông.

Sự thay đổi phương pháp tiếp cận của Bắc Kinh đến từ tháng 6 năm ngoái, được đánh dấu bởi sự kiện Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn của Việt Nam với tư cách là Đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam sang Trung Quốc để hội đàm về các vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa hai nước.

Ngay sau đó, Trung Quốc và mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán thành công và bàn việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), liên quan  trực tiếp đến các tranh chấp lãnh hải ở biển Đông ứng xử một cách hợp lý dựa trên các nguyên tắc và luật lệ quốc tế hồi tháng 7/2011.

Đồng thời, đầu năm nay, Trung Quốc cũng có ý định triệu tập các hội thảo về hải dương học và tự do hàng hải ở biển Đông và muốn đối thoại với các quan chức cao cấp ASEAN để thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử biển Đông năm 2002.

Đáng chú ý là, các quan chức cấp cao hàng đầu của Trung Quốc - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo - từng nhiều lần đề cập đến việc thực thi Bộ nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các xung đột lãnh hải của Trung Quốc của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Theo đó, các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh hải trên biển Đông gác lại những yêu sách chủ quyền của mình và cùng khai thác nguồn tài nguyên hàng hải.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ tính riêng tháng ba vừa qua, xảy ra hàng loạt các sự cố liên quan đế tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực. Như tranh cãi nảy lửa giữa Bắc Kinh và Seoul liên quan đến bãi đá ngầm Iedo dẫn đến việc Hàn Quốc tuyên bố xây dựng nhiều căn cứ hải quân mới trên đảo Baeknyeong và Heuksan để đối phó với các hoạt động xâm nhập trái phép của tàu cá Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đụng độ với Manlila liên quan đến kế hoạch xây cầu cảng nhằm "phát triển du lịch" ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa và tranh cãi với Hà Nội liên quan đến các động thái thăm dò dầu khí của Việt Nam và các đối tác – các tập đoàn dầu khí quốc tế - ngoài khơi xung quanh vùng lãnh hãi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thậm chí, tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ dừng lại như là cuộc chiến ngôn từ. Trung Quốc không ít lần bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam một cách trái phép, chẳng hạn, vụ hai tàu cá cùng 21 ngư dân Việt Nam thuộc huyện đảo Lý Sơn bị Trung Quốc bắt vào ngày 3/3 vừa qua tại vùng biển Hoàng Sa và bị giam giữ từ đó đến nay.

Đêm 6/4 TQ đã vi phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam

Tỉnh Hải Nam Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi cho chạy thử tuyến du lịch từ Hải Khẩu-Hải Nam đến đảo Đá Bắc - thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào đêm ngày 6/4/2012.


Du thuyền Công chúa Gia Hương tại bến tàu Căn cứ Tam Á - Cục Cứu hộ Nam Hải, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ngày 6/4/2012.

Trang mạng Tân Hoa xã, chinanews.com ngày 7/4/2012 đưa các bản tin có nội dung như sau:

"vào 10 giờ tối ngày 6/4, tàu du lịch (du thuyền) “Công chúa Gia Hương”/Coconut Princess của Công ty TNHH Cổ phần Vận tải Eo biển Hải Nam đã xuất phát từ Tam Á, tiến hành chạy thử tuyến đường từ Tam Á ra đảo Đá Bắc (ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Theo phóng viên báo mạng chinanews, Tân Hoa xã, 7 giờ tối cùng ngày, tại cảng căn cứ Tam Á-Cục Cứu hộ Nam Hải của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc có thể nhìn thấy, một vài nhân viên của được mời chạy thử theo tàu đã tiến hành chụp ảnh lưu niệm tại bến cảng.

Các nhân viên cho biết, đây là lần chạy thử tuyến đường này khi nào chính thức khai thông chưa xác định. Việc mua vé sẽ được xác định khi tuyến đường này chính thức được đưa vào hoạt động. Trong lần chạy thử lần này, chỉ có nhân viên được mời mới có thể lên tàu, đã từ chối khéo yêu cầu tham quan của phóng viên.

Ngày 5/4, Ủy ban Du lịch tỉnh Hải Nam cho biết, Hải Nam đang bắt tay chuẩn bị làm quy hoạch du lịch Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trợ lý Chủ tịch tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Du lịch tỉnh Hải Nam,  Lục Chí Viễn cho biết, Hải Nam là tỉnh hải dương, luôn tìm cách khai thác chương trình đặc sắc du lịch trên biển.


Hải quân Việt Nam.

Ngay sau đó, ngày 6/4, Công ty TNHH Cổ phần Vận tải Biển eo biển Hải Nam ra thông báo cho biết, sau khi nhận được tài liệu “Ý kiến trả lời về việc đồng ý cho Công ty TNHH Cổ phần Vận tải Biển eo biển Hải Nam khai thác tuyến đường vận tải hành khách mới” từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Nam ngày 18/11/2011, Công ty này đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến du lịch sinh thái từ Hải Khẩu đến đảo Đá Bắc và các hòn đảo lân cận của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam),

hiện nay đã hoàn thành công trình cải tạo tàu của du thuyền “Công chúa Gia Hương”, có kế hoạch tiến hành hoạt động chạy thử tuyến đường từ Tam Á ra đảo Đá Bắc-Hoàng Sa vào lúc 22 giờ ngày 6/4/2012 (việc làm này đã được tiến hành).

Thông báo của công ty này nói, chuyến đi này là chuyến đi thử nghiệm của tuyến đường.

Ngày 6/4, Phó Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông tỉnh Hải Nam là Hoàng Bành trả lời báo chí cho biết, tuyến đường này dự kiến hành trình 2 ngày, một chiều mất khoảng 10 giờ. Hoàng Bành cho biết, tuyến du lịch Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) theo quy hoạch ban đầu chỉ có thể tham quan du lịch ở xung quanh đảo Đá Bắc-Hoàng Sa, sau đó quay trở về đảo Hải Nam.

Các nguồn tin từ báo chí Trung Quốc gần đây cho biết, Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, việc khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) có lợi cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc".

Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.


Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền bất di bất dịch của Việt Nam

Phản ứng với hành động của phía Trung Quốc, ngày 9/4/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/4/2012 cho biết:

Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị.

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Bộ Tư pháp đề nghị Đà Nẵng hủy quy định 'cấm nhập cư'

Sau khi xem xét đầy đủ các luật liên quan, cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp khẳng định, không có bất kỳ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền để tước đoạt hay ngăn cản quyền lợi hợp pháp của công dân.

-> Phát ngôn mạnh bạo của ông Nguyễn Bá Thanh

Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa hoàn tất văn bản gửi HĐND Đà Nẵng về việc kiểm tra nghị quyết 23 của HĐNĐ thành phố này. Trong điều 1 của nghị quyết này quy định "tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự".

Sau khi xem xét các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Cư trú, Cục kiểm tra văn bản khẳng định, "các luật đã dẫn không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh quyền 'tạm dừng' (ngưng) hiệu lực của Luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân được Quốc hội (bằng luật) trao cho họ. Luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Việc tạm ngưng hiệu lực của luật nếu có phải do Quốc hội quyết định".


Người dân đến hỏi thủ tục nhập cư vào Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cũng theo cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp (căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Luật Cư trú được ban hành sau Luật Tổ chức HĐND và UBND đồng thời có những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện... được nhập hộ khẩu thường trú vào một địa bàn hành chính, lãnh thổ. Do vậy, các quy định này phải có hiệu lực, không thể viện dẫn Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định về thẩm quyền của HĐND để đưa ra các quy định trái Luật Cư trú.

Dẫn ra trường hợp của Hà Nội và TP HCM về vấn đề cư trú (siết nhập cư thông qua quy định về diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn mỗi người), Cục kiểm tra văn bản cho biết, hai thành phố này cũng không loại trừ các trường hợp "chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự" như quy định của HĐND Đà Nẵng.

Cục kiểm tra còn đề cập tới hai nội dung khác của Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng. Theo đó, quy định "Đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày" do HĐND thành phố trực tiếp đưa ra hình thức xử lý là không đúng thẩm quyền. Việc "tạm dừng đăng ký mới đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ" là cần thiết song cần phải có quy định thời gian cụ thể của việc tạm dừng và các điều kiện kèm theo.

Với các phân tích này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị HĐND thành phố Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về thời hạn của việc tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh cầm đồ và các điều kiện kèm theo.

Theo quy định hiện hành, việc tự kiểm tra, xử lý phải được thực hiện ngay tại kỳ họp tới đây của HĐND thành phố Đà Nẵng.

Cuối tháng 12/2011, HĐND Đà Nẵng thông qua nghị quyết về việc tạm dừng đăng ký mới nhập cư vào thành phố. Theo nghị quyết này, người từ các địa phương khác đến Đà Nẵng sẽ không được đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, họ vẫn được đăng ký tạm trú.

Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn từng đã dẫn ra hàng loạt quy định của Luật cư trú, Luật tổ chức HĐND và UBND và khẳng định: việc tạm dừng đăng ký thường trú mới tại khu vực nội đô thành phố để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên là không trái Luật cư trú và các quy định pháp luật khác. Trong thời gian chưa có ý kiến của cấp trên, thành phố này đã hạn chế nhập cư tại hai quận trung tâm là Thanh Khê và Hải Châu.

Nguyễn Hưng