Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Tạo vốn đòn bẩy từ quỹ đất

Tiếp tục chuyến khảo sát, kiểm tra 1 năm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM ở 24 quận, huyện, sáng 10-4, đoàn công tác Thành ủy TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm việc với huyện Bình Chánh, quận Bình Tân. Tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cùng đại diện đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, UBND TPHCM và các sở, ngành TP.

le thanh hai

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn về quy hoạch trên địa bàn huyện. Ảnh: Việt Dũng

Kiểm tra thực tế ở huyện Bình Chánh, đồng chí Lê Thanh Hải nhận xét, huyện có nhiều sáng kiến, phát huy tính năng động, sáng tạo trong triển khai nghị quyết, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, kéo giảm tai nạn giao thông, chăm lo đời sống gia đình nghèo. Sắp tới, huyện cần tiếp tục đa dạng hình thức cho vay đối với các hộ cận nghèo, các hộ mới thoát nghèo và các hộ gia đình tái định cư. Đồng chí nhận định, đất đai không chỉ là tài nguyên mà là tài sản nên việc Bình Chánh tạo ra nguồn vốn từ quỹ đất (chiếm 30% tổng nguồn vốn) là cách làm hiệu quả, phù hợp tình hình hiện nay. Đây chính là “vốn mồi” làm đòn bẩy để thu hút các dòng tài chính khác phục vụ nhu cầu phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật các dự án xây dựng mới. Bài học rút ra là trong công tác này cần có nhiều hình thức huy động vốn linh hoạt. Vì vậy, huyện Bình Chánh nên có những biện pháp hiệu quả hơn nữa để đưa nguồn lực này thành nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí cho rằng, khi thực hiện nhiệm vụ tái định cư, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, chăm lo các hộ nghèo, các cấp ủy và chính quyền địa phương phải đứng trên quan điểm vì nhân dân phục vụ.

Chiều cùng ngày, làm việc với quận Bình Tân, đồng chí Lê Thanh Hải đánh giá cao việc triển khai nghị quyết Đảng với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo. Việc hơn 99% chủ nhà trọ cam kết không tăng giá thuê phòng cho thấy công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đạt hiệu quả cao. Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội không chỉ là bảo vệ quyền của mỗi người dân mà còn là một nhiệm vụ quan trọng để địa phương phát triển bền vững. Đồng chí lưu ý quận Bình Tân cần linh hoạt, vận dụng cơ chế chính sách để sớm giải quyết thủ tục hơn 5.000 hồ sơ đất của dân còn tồn đọng, qua đó giúp dân ổn định cuộc sống.

Tuấn Sơn

Đồng chí Lê Hoàng Quân: Số vụ tham nhũng, tiêu cực phát hiện còn ít

Ngày 11-4, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác phòng chống tham nhũng quý 1 và triển khai một số công tác trọng tâm quý 2-2012.


Báo cáo của các ngành chức năng nêu rõ, trong quý 1-2012, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 3 vụ án với 20 bị can liên quan đến các tội danh đưa và nhận hối lộ, giả mạo trong công tác và tham ô tài sản. Ngành thanh tra triển khai 115 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội tại 149 đơn vị phát hiện sai phạm về kinh tế là 379 triệu đồng. Theo các thành viên Ban chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, kết quả trên chưa phản ánh đúng thực chất tình hình tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang diễn biến hết sức tinh vi, phức tạp và xảy ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và công tác tự kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị thời gian qua quá yếu nên không phát hiện được các vụ tham nhũng, tiêu cực; báo cáo kê khai tài sản của cán bộ, công chức chưa đánh giá được thực chất do chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát sự minh bạch trong kê khai; quy định chuyển đổi vị trí công tác khó thực hiện và không có tác dụng ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hoàng Quân đánh giá những nỗ lực, cố gắng của các ngành chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua. Do tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp nên công tác đấu tranh đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện và điều tra, xét xử các tội danh tham nhũng; tập trung làm rõ những vụ tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng cơ bản mà thời gian qua người dân tố cáo...

 H.NAM

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cách chức quan chức dùng bằng giả

Nghị định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành, nhấn mạnh quy định viên chức quản lý dùng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm sẽ bị cách chức.

Nghị định nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật: Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật Viên chức; Vi phạm các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập; Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực  pháp luật; Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ bị áp dụng một trong 3 hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; buộc thôi việc. Viên chức quản lý còn có thể bị cách chức.


Viên chức dùng bằng giả, mua bằng sẽ nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất.

Đối với viên chức quản lý, hình thức kỷ luật cách chức được áp dụng trong trường hợp: 1- Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; 2- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; 3- Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ; 4- Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến viên chức.

Ngoài ra, Nghị định còn các quy định đáng chú ý khác như, viên chức bị khiển trách nếu có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây mất đoàn kết trong đơn vị…

Viên chức “chơi” ma túy sẽ phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo, bị xác định là nghiện sẽ phải buộc thôi việc.

Về trách nhiệm bồi thường, viên chức làm mất, hư hỏng trang thiết bị hoặc có hành vi khác gây hại tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập phải có nghĩa vụ bồi thường.

Nghị định cũng quy định cụ thể trong thời gian tạm giam, tạm giữ phục vụ công tác điều tra, tạm đình chỉ công việc để xem xét kỷ luật, viên chức được hưởng 50% lương.

Các quy định chính thức có hiệu lực thi hành từ 25/5 tới.

P.Thảo

Trung Quốc chuẩn bị 'đánh úp' biển Đông (P2)?

Những sự kiện tranh cãi gần đây tại biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và các láng giềng cho thấy Bắc Kinh “chứng nào tật ấy”, không bao giờ ngừng các hành động khiêu khích, thậm chí, có khả năng họ triển khai các cuộc tấn công bất thình lình trong các vùng lãnh hải tranh chấp.

-> Trung Quốc chuẩn bị 'đánh úp' biển Đông (P1)?

Ầm thầm chuẩn bị tấn công bất thình lình?

Theo các báo cáo thăm dò và khảo sát của phương Tây và các quốc gia trong khu vực, Tây Thái Bình Dương chứa trữ lượng dầu và khí đốt vô tận. Trữ lượng tài nguyên ở khu vực này, trong các báo cáo thăm dò của Trung Quốc thậm chí, luôn cao hơn bất cứ báo cáo nào khác. Do đó, Bắc Kinh cho rằng nếu có thể kiểm soát được khu vực này, họ sẽ không phải đau đầu bận tâm về việc làm thế nào để thỏa mãn cơn thèm năng lượng của nền kinh tế, và do đó, vấn đề an ninh năng lượng sẽ được đảm bảo. Theo ước tính của Trung Quốc, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Tây Thái Bình Dương có thể đủ cho Trung Quốc “dùng xả láng” trong hơn 60 năm.

Với khoản tiền “khủng” theo các tuyên bố chính thức là 100 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng năm 2012 (nhiều nhà phân tích khẳng định con số thực còn cao hơn rất nhiều), Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nỗ lực gia tăng sức mạnh và các khả năng cần thiết để các yêu sách liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực và vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc được đảm bảo và được tôn trọng.


Trung Quốc không tiếc "tiền tấn" hiện đại hóa quân đội. Ảnh minh họa: CNBC.

Các thành tựu đáng kể trong công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc được thể hiện thông qua các tên lửa đạn đạo chống hạm mới – có khả năng buộc Mỹ phải suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định đưa lực lượng vào giải cứu các đồng minh trong khu vực trong trường hợp một cuộc chiến giữa Trung Quốc và họ bùng lên.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không tiếc tiền của đầu tư mở rộng kho máy bay chiến thuật mặt đất và các tên lửa hành trình có cánh đối hạm chưa kể lực lượng tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân cũng được chú trọng phát triển.

Không thể không kể đến sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng tàu khu trục hải quân tàu đổ bộ mới cũng như các trực thăng mẫu hạm có khả năng chở hàng nghìn hải quân Trung Quốc nhanh chóng đổ bộ tới các hòn đảo tranh chấp.

Không dừng lại ở đó, nếu không có gì thay đổi, tháng 8 năm nay, Bắc Kinh sẽ đưa tàu sân bay đầu tiên mang tên Thi Lang vào hoạt động – gia tăng đáng kể sức mạnh hải quân của Trung Quốc.

Trong khi đó, hàng loạt các bài bình luận trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc, đáng chú ý nhất là tờ Global Times – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, khái niệm về “các cuộc chiến quy mô nhỏ” gia tăng kể tăng kể từ năm 2011.

Đáng chú ý, đầu tháng ba vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố quân đội Trung Quốc cần chuẩn bị tốt hơn cho các "cuộc chiến tranh cục bộ".

Từ những dấu hiệu trên, hàng loạt các chuyên gia trong một bài phỏng vấn với Asia Times nhấn mạnh rằng tương lai, Trung Quốc có thể phát động các cuộc tấn công quân sự giới hạn.

Theo Steve Tsang, Giám đốc Viện chính sách Trung Quốc thuộc ĐH Nottingham, tin rằng Trung Quốc có thể khởi động một cuộc chiến bất thình lình và quy mô nhỏ nhằm vào Philippines và Việt Nam.

“Khởi động cuộc chiến chống lại Việt Nam chỉ làm an ninh ở Đông Nam Á và Đông Á bất ổn hơn. Trung Quốc không dễ chiến thắng Việt Nam. Dù vậy, họ rất có thể phát động một cuộc chiến như thế”, ông Steve Tsang nhấn mạnh.

Ông Tsang cảnh báo, tấn công Việt Nam hoặc Philippines sẽ đẩy các quốc gia ASEAN đến chỗ phải tìm đến Mỹ cầu viện.

Tuy nhiên, ông Tsang nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ không phải là mục tiêu bất chấp các cuộc chiến ngôn từ gần đây với Trung Quốc sau vụ một quan chức Viện Hải Dương học nước này tuyên bố bãi đá ngầm Ieodo chắc chắn là một phần lãnh hải thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

“Việc Trung Quốc tính chuyện triển khai hoạt động quân sự chống lại Hàn Quốc là quá nguy hiểm và không được bất cứ ai khoan dung. Mỹ có vai trò rất lớn ở đây và sẽ ngay lập tức gây áp lực lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ra một lệnh ngừng bắn”, ông Tsang tuyên bố thêm.

Trong khi đó, James Holmes, một Phó Giáo sư nghiên cứu Chiến lược của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định Bắc Kinh có thể sẽ thành công nếu tấn công Philippines.

“Bắc Kinh sẽ khởi động bất cứ cuộc chiến tranh quy mô nhỏ nào khi có thể. Sức mạnh quân sự vượt trội của họ dựa trên các loạt vũ khí như tên lửa đạn đạo chống hạm sẽ mang lại ưu thế cho Trung Quốc trong suốt cuộc chiến”, ông Holmes giải thích.

Như vậy, rất có thể trong tương lai, biển Đông sẽ lại dậy sóng bởi các cuộc tấn công bất thình lình và quy mô nhỏ của Trung Quốc.

Từ nỗi đau của ông, Võ Văn Kiệt

Nhắc đến cuộc chiến đã  lùi xa, cựu TT Võ Văn Kiệt nói: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Lúc đó, không phải ai cũng chia sẻ với ông suy nghĩ ấy. Nhưng, những ai biết những nỗi đau cá nhân mà ông Kiệt từng chịu đựng, mới thấy, đây không chỉ là ý kiến của một nhà chính trị, đây còn là sự sẻ chia rất con người.

Để làm nên chiến thắng 30.4.1975, những người con đất Việt không chỉ hi sinh xương máu. Có những sự hiến dâng không thể đặt tên. Có những nỗi đau không thể nói bằng lời. Và những mất mát, đau thương cũng có hàng ngàn diện mạo....

Trong đó nỗi đau chia ly Bắc - Nam của những gia đình  phải chia cắt cùng vĩ tuyến 17. Kể cả khi giang sơn thống nhất rồi thì vết cắt chia ly vẫn chưa hẳn đã được lành lặn. Trong số đó, có những người con tập kết, họ đã vượt lên trên nỗi đau riêng tư để từng bước cùng đất nước hồi sinh và vươn dậy. Nhân dịp kỷ niệm 30/4 - ngày thống nhất đất nước, Bee xin đăng lại những câu chuyện cảm động về những gia đình, những người con mà nghị lực của họ vượt lên trên cả sự thử thách của chiến tranh, của chia ly, của số phận.

...Hôm qua, 15/6 ( 15/6/2008 - bài viết được đăng tải trên Sài gòn Tiếp thị vào dịp Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất. Để giữ nguyên tính chân thực của câu chuyện, chúng tôi xin giữ nguyên những chi tiết  liên quan tới thời gian trong bài -  Bee.net.vn) ông đã “phục tùng tổ chức” để về yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố. Trong thâm tâm, ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó.

Đồng chí Võ Văn Kiệt tại vùng căn cứ U Minh

Đầu năm 1966, khi người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị ném bom. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.

Đầu năm nay, ông viết, “tôi có cảm giác như vợ và các con đang đợi tôi”. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Sau ngày 30.4, khi tình hình tạm ổn, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu. Bác sĩ Nam nói: “Trên đường về, hàng giờ, ông không nói một lời nào cả”.

Sau khi nghe tin mẹ mất, con trai lớn của ông là Võ Dũng, sinh năm 1951, khi ấy đang cùng với em gái, Võ Hiếu Dân, sinh năm 1955, học ở Hà Nội, nằng nặc đòi được vào Nam. Trung ương có điện thoại cho ông. Ông đồng ý. Trong thâm tâm, ông cũng muốn có chút ruột rà máu mủ ở bên mình.

Võ Dũng là một thanh niên ngang bướng, làm lính cơ quan “Khu bộ” thì rất “ngứa chân, ngứa tay”. Dũng nói: “Con đâu phải vào đây để đào hầm cho ba”. Bác sĩ Nam tâm tình: “Dũng, em về đây làm gì?”. Dũng trả lời: “Chiến đấu”. “Em không thấy bọn anh cũng đang chiến đấu sao?”. “Có, nhưng cứ toàn chiến đấu trong xó không à”. Bác sĩ Nam đành phải nói lại với ông Kiệt. Ông đồng ý. Về đơn vị chiến đấu, Võ Dũng nhất quyết đòi phải được bổ vào bộ phận trinh sát. Sáu tháng sau, trong một lần trinh sát một đồn địch nằm trong vùng quê mẹ, Rạch Giá, Võ Dũng hy sinh. Năm ấy, anh chỉ mới vừa tròn 20 tuổi.

Không ai biết được ông đã chịu đựng mất mát ấy như thế nào. Trước ba quân, ông vẫn mạnh mẽ như không có chuyện gì. Nhưng, đêm về, bác sĩ Nam kể, thì nỗi cô độc không thể nào kể xiết. Ông lặng lẽ một mình, kêu bác sĩ Nam, “Cho tao ly chà và”, từ ông dùng để chỉ cà phê đen. Bác sĩ Nam nói: “Tôi đưa cà phê cho ông và biết, lại thêm một đêm ông không ngủ”.


Bà Trần Kim Anh


Võ Dũng

 Nhưng, theo bác sĩ Nam, “hình như trời đất vẫn còn ngó tới ông ấy”. Qua năm sau, 1972, Trung ương hội Phụ nữ điện vào báo cho ông là đã tìm được người con trai sinh năm 1952, Phan Thanh Nam. Đây là người con trai mà ông có được trong lần ra Bắc hồi năm 1951. Trở lại miền Nam, ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi nói hết với vợ. Bà ấy nghe, cũng buồn nhưng không trách móc gì. Bà ấy thỉnh thoảng lại nhắc, phải tìm được thằng Nam về”.

Mỗi lần cứ có người ra, ông Võ Văn Kiệt lại nhắn nhờ tìm Phan Thanh Nam. Năm 1972, bà Bảy Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người năm 1959 đưa Võ Dũng và Hiếu Dân ra Bắc và chăm sóc, đã tìm được Nam về cho ông. Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông đợi con, lâu lâu lại hỏi: “Nó tới đâu rồi?”. Gặp nhau, bác sĩ Nam kể: “Hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi khóc”.

Ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi kể cho Nam về vợ tôi. Nó nghe rồi nói, “con nhận mẹ của Hiếu Dân và anh Dũng làm mẹ”. Tôi cũng nói rõ với Hiếu Dân nhưng chủ yếu là để cho hai đứa hiểu nhau một cách tự nhiên. Tôi rất mừng, giờ tụi nó quý nhau lắm”. Sáng 15-6, khi đọc lời cảm tạ của gia đình, con trai ông, Phan Thanh Nam, đã không quên nhắc đến những người đã khuất: “Chúng con xin cám ơn Má, anh Hai và các em, đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh, để lại tình thương yêu vô bờ bến”.

Tôi đã không ít lần gặp chị Võ Hiếu Dân, người con duy nhất còn lại của bà Trần Kim Anh, hy vọng nghe từ chị những ký ức về mẹ mình. Nhưng, chưa bao câu chuyện có thể tiếp tục. Cho tới tận bây giờ, chị Hiếu Dân vẫn không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhắc về mẹ.

Gần đây, ông đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm lại hài cốt của những người chết trong thời gian học tập cải tạo; gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và TP.HCM để bàn về vấn đề nghĩa trang của những người lính Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, khi cô cháu ngoại mang về cho ông mấy cuộn phim do người Việt ở nước ngoài làm về những thuyền nhân vượt biên trong những năm sau 1975, ông xem, xúc động và có rất nhiều trăn trở.

Khi ông nói, “yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính từ nỗi đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.

Từ năm 1995, ông đã kiến nghị: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ”. Trong buổi làm việc cuối cùng, chiều 23.5, ông nói với tôi về ý định sẽ viết chung một cuốn sách với một người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn. Ông coi đó như là một biểu tượng của tinh thần hoà giải. Năm 1997, khi vừa nhận chức, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Từng là một nhà lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đúng như lời Thủ tướng Phan Văn Khải, ít ai có thể so sánh bản lĩnh chính trị với ông. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị của Võ Văn Kiệt không phải là những giá trị giáo điều. Chính trị “tối cao” đối với ông là “Dân”. Điều gì có thể đoàn kết mọi người dân Việt Nam. Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt đề nghị “giương cao ngọn cờ dân tộc” không phải từ một ý tưởng xuất hiện tình cờ.

Ông đúc kết điều đó qua sự trải nghiệm bằng máu của chính ông, của những đứa con, của người vợ mà ông vô cùng yêu dấu.

Theo Sài Gòn tiếp thị/ Bee.net

Trung Quốc yêu cầu Nga rút khỏi biển Đông

Sau khi “cảnh báo” Ấn Độ về việc thăm dò dầu khí ở biển Đông, Trung Quốc hôm qua lại có động thái tương tự với Nga.

Khi được hỏi về việc các công ty Việt Nam và Nga ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định: các công ty không liên quan tới tranh chấp khu vực hãy tránh xa nơi này.

Hồng Lỗi chém gió

Ông tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi ở biển Đông. Chúng tôi hy vọng tranh chấp có thể giải quyết thông qua đối thoại giữa các nước liên quan. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể thỏa hiệp và tránh việc để nước ngoài can thiệp vào tranh chấp”.

Ngoài Nga, Trung Quốc cũng khẳng định các công ty không phải của các quốc gia ở biển Đông tránh liên quan tới tranh chấp trong khu vực. Về tranh cãi tại Hoàng Sa và các vùng nước liền kề, ông Lưu khẳng định Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp và tham vấn với các nước liên quan trên cơ sở tôn trọng lịch sử và luật pháp quốc tế.

Đây không phải là những động thái mới của Trung Quốc. Trước đó, họ cũng hành động tương tự khi Ấn Độ muốn thăm dò dầu khí ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Vu Lan (theo Times of India)

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Hình ảnh Việt Nam đánh bật quân đội Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979

Những hình ảnh chân thực về những ngày đầu đánh trả quân xâm lược Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (tháng 2-1979).

Thám báo Trung Quốc bị bắt khi đột nhập vào Việt Nam

Chiến sĩ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Lê Đình Chinh bị lính Trung Quốc sát hại khi ngăn cản các hành vi khiêu khích, thời điểm trước 17-2-1979

Trước Ải Nam Quan

Lính TQ vượt sông tràn vào VN

Xe tăng Trung Quốc tràn qua biên giới vào Việt Nam (17-2-1979)

Hỏa lực của lính Trung Quốc tấn công, đánh chiếm điểm cao Hà Giang

Thị xã Lạng Sơn bị lính Trung Quốc phá hủy (2-1979)

Đạn pháo Trung Quốc tàn phá Cao Bằng.
Lính Trung Quốc đánh chiếm thị xã Cao Bằng (17-2-1979)

Bệnh viện Trùng Khánh ( Cao Bằng) đổ nát

Thay quân lên chốt (Cao Bằng 1979)

Gùi nước tiếp tế cho đồng đội trên điểm cao (Vị Xuyên, Hà Giang 1980)


Cầu Kỳ Cùng (Lạng Sơn) bị đánh sập (2-1979)

Lính TQ phá đường tàu.

Điểm danh quân số trước khi hành quân lên chốt (Lào Cai, 1979)


Nữ chiến sĩ thông tin đảm bảo liên lạc tại trận địa Lào Cai (1979)

Nữ dân quân Móng Cái, Quảng Ninh sẵn sàng giáng trả địch

Quân dân Hà Nội sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc

Và họ phải đền tội

Người chết ngổn ngang trên núi Lão Sơn



Lãnh đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra, chỉ huy bộ đội trên biên giới

Tổ nuôi quân theo sát chiến sĩ lên chiến hào

Vạn chuyển vũ khí cho trận địa bằng trực thăng

Chuyển hàng lên biên giới

Dùng không quân chuyển quân từ chiến trường K ra tiếp viện cho biên giới phía Bắc (2-1979)

1 lính Trung Quốc bị bắn gục khi định cắm cờ chiếm điểm cao tại Lạng Sơn

Lính sơn cước Trung Quốc bị tiêu diệt trên đường mòn sang Việt Nam

Xe tăng Trung Quốc bị tiêu diệt tại mặt trận Cao Bằng (2-1979)


Máy bay Mig của Trung Quốc xâm nhập không phận Việt Nam và bị bắn hạ


Lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh (1979)

Tù binh Trung Quốc bị bắt sống tại mặt trận Hoàng Liên Sơn

Lại là tù binh Trung Quốc


Tù binh TQ- bài học mà Đặng Tiểu Bình muốn dạy Việt Nam là thế này chăng?