Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gặp Thủ tướng Peru

Ngày 16/4 (giờ địa phương), tại thủ đô Lima, trong chương trình thăm Cộng hòa Peru, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi gặp Thủ tướng Peru Oscar Eduardo Valdes Dancuart.

hoang trung hai

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Việt Nam coi trọng và quyết tâm tăng cường quan hệ với Peru. - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Oscar Eduardo Valdes Dancuart vui mừng chào đón Đoàn Chính phủ Việt Nam, đánh giá chuyến thăm của Phó Thủ tướng sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động hợp tác thực chất giữa hai nước, góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cảm ơn Thủ tướng và Chính phủ Peru về sự đón tiếp chu đáo dành cho Đoàn như mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ nhiều năm nay giữa hai nước. Việt Nam coi trọng và quyết tâm tăng cường quan hệ với Peru trong tổng thể chính sách của Việt Nam đối với khu vực Mỹ Latinh.

Hai bên nhất trí trong những năm qua, hai nước đều là thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết, có quan điểm chính trị gần gũi, ngày càng hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, trong đó có Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC). Đây chính là những điều kiện tốt đẹp để quan hệ mọi mặt giữa hai nước ngày một phát triển.

Thủ tướng Oscar Eduardo Valdes Dancuart và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đề cập việc tăng cường một số lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong quan hệ hai nước thời gian tới. Đó là việc Tổng thống Peru Ollanta Humala dự kiến thăm Việt Nam vào giữa năm 2012 cũng như phương hướng tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, việc Peru sớm chính thức công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, dự định của Peru sẽ mở Đại sứ quán tại Việt Nam trong thời gian tới, sự ủng hộ hợp tác của hai bên trong các diễn đàn quốc tế đa phương.

Về kinh tế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Peru cho các dự án hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm gần đây, tạo điều kiện để trao đổi thương mại song phương ngày càng gia tăng, từ 55,3 triệu USD năm 2006 tới 165 triệu USD năm 2011. Việt Nam đang triển khai một số dự án đầu tư quan trọng tại Peru, như các dự án với số vốn khoảng 1,5 tỷ USD của PVN và Viettel.

Thủ tướng Oscar Eduardo Valdes Dancuart khẳng định Chính phủ Peru luôn hoan nghênh và tạo điều kiện cho các dự án hợp tác của Việt Nam tại Peru, đặc biệt với các dự án đang được triển khai của PVN và Viettel, Chính phủ Peru sẽ sớm xem xét để các dự án được đi vào thực tế.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp lãnh đạo Bộ Ngoại giao Peru - Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi tiếp lãnh đạo Bộ Ngoại giao Peru, đề cập một số vấn đề liên quan đến việc tăng cường hợp tác, trao đổi các đoàn cấp cao, việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp Bộ trưởng về Thương mại – Đầu tư được từ ngày 5- 7/7/2012 nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư với khu vực Mỹ La tinh trong đó có Peru, việc thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao của Peru tại Việt Nam và một số vấn đề hợp tác chính trị, kinh tế khác.

Quân đội Nga tập trận bắn đạn thật tại Bắc Cực

Lữ đoàn 200 bộ binh cơ giới Nga vừa triển khai tập trận bắn đạn thật tại Murmansk thuộc bán đảo Kola miền Bắc nước Nga, gần biên giới với Na Uy. Đây là lữ đoàn chủ lực mạnh nhất có khả năng thích nghi với mọi điều kiện khắc nghiệt ở cực bắc địa cầu và là lực lượng phòng thủ chủ yếu mà Moscow xây dựng.

Các phóng viên báo chí được phép tham quan và đưa tin hoạt động diễn tập này và đã có chùm ảnh đẹp và chân thực về hoạt động huấn luyện - tác chiến của quân đội Nga ở địa bàn đặc biệt.







Chính quyền Tokyo muốn mua quần đảo Điếu Ngư

Ông Shintaro Ishihara (79 tuổi) đã công bố ý tưởng mua những hòn đảo không người ở này từ một chủ sở hữu tư nhân.

Thống đốc Tokyo muốn sử dụng công quỹ để mua hòn đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, một kế hoạch được dự đoán là chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Đảo Senkaku/Điếu Ngư

Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư từ lâu đã trở thành tâm điểm của các tranh chấp lãnh hải giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Shintaro Ishihara (79 tuổi) đã công bố ý tưởng mua những hòn đảo không người ở này từ một chủ sở hữu tư nhân và đã được chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận hôm 17/4.

Theo tuyên bố của ông Ishihara, chính quyền Tokyo xác định quần đảo này có vị trí "cực kỳ quan trọng" đối với Nhật Bản và có tiềm năng lớn cho phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và thuỷ sản.

Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết ông không có thông tin nào về kế hoạch và từ chối bình luận.

Thống đốc TokyoShintaro Ishihara

Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters qua điện thoại rằng Bắc Kinh "không có thông tin" nào về kế hoạch trên.

Trong ngày 17/4, hãng tin Kyodo dẫn lời ông Ishihara cho biết, các cuộc đàm phán với chủ sở hữu quần đảo đã được tiến hành và rằng có thể sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.

Ishihara, được bầu làm thống đốc Tokyo nhiệm kỳ thứ tư một năm trước đây. Năm ngoái, ông đã buộc phải đưa ra lời xin lỗi công khai với dân chúng sau khi nói rằng thảm họa động đất sóng thần là "sự trừng phạt của Thiên Chúa" đối với "sự ích kỷ" của người dân Nhật Bản.

Nghệ thuật bảo vệ Tổ quốc không có đối thủ của VN

Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn thể các lực lượng vũ trang. Bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), trong đó xây dựng hệ thống phòng thủ đáng tin cậy, vững chắc, đủ sức răn đe và giáng trả quân xâm lược là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình dựng xây, gìn giữ đất nước.

Việt Nam, với vị trí địa chính trị, địa quân sự hiện nay, trước tình hình căng thẳng ở khu vực biển Đông, trước các phương thức tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại thì phòng thủ BVTQ từ hướng biển bao gồm vùng trời, vùng biển và hải đảo là hướng chính, sống còn.

Một hệ thống phòng thủ BVTQ là tin cậy, vững chắc dựa trên ít nhất 3 yếu tố:

- Một là: Cơ sở lý luận-Học thuyết quân sự mà hệ thống phòng thủ đó được xây dựng có tính thực tiễn và sức sống hay không?

- Hai là: Việc tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí và sử dụng lực lượng trong hệ thống đó như thế nào?

- Ba là: Hệ thống phòng thủ đó được tồn tại trong một thế ra sao? Đây là yếu tố quyết định độ tin cậy, vững chắc của hệ thống phòng thủ..

Tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam xuất phát từ cơ sở BVTQ trước nạn xâm lược

Do “sách trời định sẵn”, Việt Nam ta nằm ở một vị trí mà thuật ngữ hiện đại gọi là “địa chính tri, địa quân sự” rất quan trọng trong khu vực châu Á-TBD. Chính vì thế mà từ xa xưa các thế lực luôn nhòm ngó, lăm le và đưa quân đến xâm chiếm hết lần này đến lần khác.

Không chỉ phương Bắc, từ nửa đầu thế kỷ 19, Việt Nam cũng không thoát khỏi sự nhòm ngó của phương Tây. Pháp xâm chiếm Việt Nam cai trị gần một thế kỷ. Và từ giữa thế kỷ 20, Việt Nam phải tiến hành liên tiếp 2 cuộc chiến tranh giải phóng ròng rã suốt hơn 30 năm trời.

Như vậy, lịch sử Việt Nam là lịch sử gồm nhiều cuộc chiến tranh và lịch sử chiến tranh đó đã ghi nhận một điều là bất kỳ kẻ xâm lược nào cũng đều bị đánh trả khốc liệt với một tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Quân xâm lược lúc nào cũng đông và hùng mạnh, Việt Nam thì nhỏ bé. Vậy làm thế nào để chống lại chúng? Làm sao để biến được ít thành nhiều, yếu thành mạnh?...

Trải qua hơn 4000 năm xây dựng và gìn giữ đất nước, đời cha truyền lại cho đời con…Từ “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp bí tông truyền” của Trần Quốc Tuấn; từ tư tưởng quân sự trong “Đại cáo bình ngô” của Nguyễn Trãi…đã hình thành một kinh nghiệm chiến tranh chống giặc ngoại xâm, đó chính là nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nghệ thuật QSVN được thăng hoa trong thời đại Hồ Chí Minh, nó tỏ rõ tính ưu việt, độc đáo, bản sắc Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Nghệ thuật QSVN hình thành và phát triển trước yêu cầu nhiệm vụ BVTQ chống xâm lược, cho nên, nghệ thuật QSVN không có tư tưởng tấn công xâm lược (hoạt động quân sự ngoài biên giới quốc gia) mà nó mang đậm tư tưởng phòng thủ tự vệ.

Vì vậy, tất cả mọi ý chí, hành động, tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí, sử dụng lực lượng trong hệ thống phòng thủ BVTQ đều bắt nguồn từ học thuyết quân sự độc đáo này.

Chiến tranh hiện đại ngày nay bao giờ cũng được phát động từ một quốc gia tiềm lực quân sự, KHKT hùng mạnh. Phạm vi của cuộc chiến rộng lớn, bao gồm lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và trong lòng biển. Thời gian chiến tranh phải hạn chế ngắn nhất có thể.

Và, cuối cùng, mục đích phải đạt được là: Hủy diệt khả năng phòng thủ phản công của đối phương, vô hiệu hóa lực lượng vũ trang và trang thiết bị kỹ thuật quân sự, tiềm lực quân sự, kinh tế của đối phương. Phá hoại tiềm lực công nghiệp và khả năng phát triển của đất nước đó. Từ đó làm thay đổi cục diện kinh tế chính trị, xã hội của đất nước đó, buộc đất nước đó thay đổi thể chế chính trị, kinh tế theo hướng có lợi cho nước tấn công.

Để đạt được điều đó bắt buộc các quốc gia này có một tư tưởng, học thuyết quân sự phù hợp cho hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang mình.

Phòng thủ tự vệ và tấn công xâm lược là 2 phạm trù khác biệt. Biểu hiện rõ nét nhất là sự khác nhau giữa tổ chức xây dựng, bố trí và sử dụng lực lượng.

Chẳng hạn, một đơn vị chiến đấu (tàu ngầm, tàu chiến, máy bay) khi tấn công xâm lược phải đối phó với rất nhiều đòn đánh trả. Như máy bay, phải đối phó với 3 nguy cơ: Pháo cao xạ, tên lửa đất đối không và máy bay đối phương. Cho nên bắt buộc máy bay của họ phải có đủ khả năng đối phó 3 nguy cơ đó.

Vì thế, xu hướng chế tạo và sử dụng vũ khí trang bị đa nhiệm là yêu cầu tất yếu, là kết quả hợp lí, phù hợp nhất, xuất phát từ tư tưởng, học thuyết quân sự của các cường quốc đi tấn công các quốc gia nhược tiểu.

Việt Nam thì khác. Mục tiêu của cuộc chiến là BVTQ cho nên thời gian không hạn chế, có thể kéo dài “5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa…”, miễn sao đánh bại quân xâm lược.

Khu vực tác chiến lại nằm trong phạm vi bố trí phòng thủ nên sự cơ động lực lượng là nhanh nhất (lực lượng tại chỗ).

Máy bay chiến đấu Su-30 của Việt Nam

Do đó, tính đa nhiệm của vũ khí trở nên không quan trọng bằng tính chuyên môn hóa của vũ khí.

Chẳng hạn như SU-30 của Việt Nam không những không cần quan tâm đến tác chiến không đối đất mà còn được mặt đất hỗ trợ, do đó chỉ tập trung cho không đối không hay không đối hải để chiếm ưu thế khi tác chiến với SU-30 cùng loại trên không phận Việt Nam.

Như vậy, có thể nói: Hệ thống phòng thủ đất nước Việt Nam trước những nguy cơ, thách thức rình rập đe dọa, được hình thành từ cơ sở lý luận-nghệ thuật QSVN, nghệ thuật chiến tranh nhân dân BVTQ.

Đây là nghệ thuật QS siêu đẳng, không có đối thủ, đã tỏ rõ tính ưu việt, độc đáo, qua thử thách khốc liệt nhất trong 2 cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trên thế giới.

Hệ thống phòng thủ BVTQ của Việt Nam ngày nay có chiều sâu, phạm vi rộng. Nếu như trước đây tổ tiên ta đã có trận tuyến Bạch Đằng, sông Như Nguyệt…thì ngày nay hệ thống phòng thủ bảo vệ Tổ quốc phải bao trùm toàn bộ vùng trời, vùng đất, vùng biển Việt Nam với sự tham gia của toàn dân, toàn quân với tất cả trang bị vũ khí Việt Nam có.

Hệ thống phòng thủ vô hình, biến hóa luôn mang tư tưởng tiến công, tiến công địch bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào khi chúng đặt chân đến…chỉ có thể tồn tại, phát huy trong cuộc chiến tranh nhân dân BVTQ thời đại Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đến thăm sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm

Hôm 16/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến thăm và động viên sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm được cử đi đào tạo nước ngoài

Chiều 16/4, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, động viên các sĩ quan, thủy thủ lực lượng tàu ngầm đi đào tạo nước ngoài, tại Trung tâm huấn luyện 125 (Học viện Kỹ thuật quân sự).

Cùng dự với Bộ trưởng có đồng chí Phạm Văn Vọng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tướng Phạm Thế Long, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự; Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân và các đồng chí cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng.

Đại tá Lê Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng Khung thường trực quản lý lực lượng tàu ngầm đã báo cáo kết quả học tập, huấn luyện, rèn luyện, cùng kết quả công tác chuẩn bị cho đợt học tập nước ngoài của các học viên diện quân chủng Hải quân.

Tính đến nay, 100% học viên được tuyển chọn vào lực lượng tàu ngầm đều quyết tâm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ học tập và rèn luyện tại Trung tâm huấn luyện 125. Kết quả học tập tiếng Nga có 100% đạt yêu cầu, trong đó tỉ lệ khá, giỏi của môn học tiếng Nga cơ sở, cơ bản và chuyên ngành lần lượt là 46,5%, 79,2% và 71,4%.

Các môn học khác như: Đại cương về tàu ngầm, Điện tử số; Kỹ thuật điều khiển tự động; huấn luyện thể lực đều đạt 100% yêu cầu, trong đó tỉ lệ khá, giỏi luôn đạt trên 70% trở lên.


Đại tướng Phùng Quang Thanh động viên lực lượng tàu ngầm đi đào tạo nước ngoài.

Điều đáng chú ý là các học viên của lực lượng tàu ngầm đều thấy được niềm vinh dự và niềm tự hào khi được tuyển chọn vào công tác ở một binh chủng đặc biệt, hiện đại. Nên trong suốt thời gian học tập và làm công tác chuẩn bị đi nước ngoài đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, tổ chức học tập ôn bài theo nhóm, tích cực trao đổi phương pháp, tự học và kèm cặp nhau, từng bước nâng cao chất lượng công tác.

Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Xuân Bách, thay mặt các học viên đã hứa hẹn với Bộ trưởng, sẽ không ngừng phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và bộ đội Hải quân anh hùng, đoàn kết khắc phục khó khăn, học tập thật giỏi, nắm vững chức trách, chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ vũ khí trang bị mới, thực hiện đúng 5 năm yêu cầu: “Học tập tốt, đoàn kết tốt, rèn luyện tốt, kỷ luật tốt, quản lý tốt” và chấp hành tốt pháp luật của nước bạn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phát biểu và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm chuẩn bị đi đào tạo nước ngoài, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Tàu ngầm là loại vũ khí trang bị rất hiện đại, được Quân đội ta sử dụng vào mục đích bảo vệ Tổ quốc - một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa Quân đội của Đảng và Nhà nước hiện nay."

"Do đó lực lượng được tuyển chọn cần phải quán triệt và thực hiện sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tuyệt đối trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Ngay từ lúc ban đầu phải xác định tốt quyết tâm, phải tận dụng mọi thuận lợi để học tập, nắm chắc cấu tạo, tính năng, tác dụng … làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao."

Đồng chí Bộ trưởng đã ân cần hỏi thăm hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng và những khó khăn của các đồng chí chuẩn bị đi học, đồng thời khuyến khích các đồng chí thuộc lực lượng tàu ngầm chuẩn bị đi học trình bày tâm tư và đề đạt nguyện vọng để cơ quan chức năng và Bộ trưởng giải quyết.


Thiếu tá Nguyễn Xuân Bách, thay mặt các học viên hứa hẹn với Bộ trưởng.

Tiếp đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh căn dặn mỗi học viên cần phải gương mẫu trong chấp hành kỷ luật và pháp luật của nước bạn, cũng như quy định tại trung tâm huấn luyện, làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi tỏa sáng trong lòng nhân dân nước bạn.

Nhân dịp này, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã gửi lời cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm, tặng số tiền trị giá 500 triệu đồng cho lực lượng tàu ngầm đi đào tạo tại nước ngoài.

Thay mặt cho lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Hải quân, đồng chí Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân đã cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đặc biệt là tình cảm mà Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã dành cho Quân chủng Hải quân nói chung, lực lượng sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm được tuyển chọn đi học ở nước ngoài nói riêng.

Đồng chí hứa với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, sẽ tích cực theo dõi, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các học viên học tập tiếp thu kiến thức, kỹ năng làm chủ vũ khí, trang bị mới, đồng thời thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống hậu phương, gia đình các quân nhân tốt nhất, để các đồng chí trong lực lượng yên tâm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ấn Độ ‘phô diễn’ sức mạnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Ấn Độ sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo Agni-V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Odisha vào ngày mai.

"Tên lửa Agni-V có tầm bắn hơn 5.000km sẽ được phóng đi từ bãi thử ở đảo Wheeler, ngoài khơi bờ biển Odisha. Đây là một bước thử nghiệm quan trọng trong giai đoạn cuối. Do đó, tên lửa này càng được kiểm tra cẩn thận trước khi được phóng đi”, nguồn tin từ Ấn Độ tiết lộ.


Ấn Độ sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào ngày mai. Ảnh minh họa: Live India.

Ngoài ra, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết thêm rằng, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-V mà chính quyền New Delhi sẽ phóng tới đây là loại tên lửa được thiết kế có ba tầng và trang bị con quay laser hình vòng tiên tiến cùng với động cơ tên lửa tích hợp và hệ thống dẫn đường vệ tinh có độ chính xác cao.

Nếu phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-V, Ấn Độ chính thức đủ năng lực đưa toàn bộ châu Á, 70% khu vực châu Âu vào tầm bắn. Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ trở một trong số ít quốc gia hàng đầu trên thế giới sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Cô học trò nghèo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen

Mẹ mất sớm, gia cảnh khốn khó, nhưng em Trần Thị Ngát, học sinh lớp 12C8, Trường THPT A Hải Hậu, huyện Hải Hậu (Nam Định), 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện. Mới đây em còn vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Cô học trò Trần Thị Ngát sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tuổi thơ của em trải qua nhiều vất vả, thiệt thòi. Năm lên 12 tuổi, mẹ em mất, bố một mình vừa lo tiền trả nợ sau những lần chạy chữa cho mẹ, vừa lo cho ba con ăn học.


Nhìn những tập giấy khen không còn chỗ treo mới thấy bảng thành tích học tập đáng nể của cô học trò nghèo.

Ngát là con thứ hai trong gia đình, chị gái Ngát đang theo học Trường ĐH Kinh tế Thái Nguyên và một em nhỏ đang học lớp 3. Từ lúc mẹ mất, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng bấp bênh hơn. Hàng ngày, Ngát đạp xe hơn 8 km đến trường, sau mỗi buổi đi học về, em phụ giúp bố làm những công việc vặt trong nhà, rồi cơm nước, đón em đi học về, thời gian còn lại Ngát mới tranh thủ học bài.

Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, nhiều lúc không có tiền đóng học, thương bố một mình đi làm thuê khắp nơi nuôi ba chị em ăn học, Ngát đã định bỏ học đi làm thuê giúp bố trang trải nợ nần. Nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của bố và các thầy cô giáo cùng nỗ lực của bản thân, Ngát đã gặt hái được những thành tích ấn tượng trong học tập. Suốt 12 năm học, Ngát luôn là một học sinh giỏi toàn diện của trường, được thầy cô, bạn bè xem là một tấm gương sáng trong học tập và các hoạt động của Đoàn trường.



Đi học về là Ngát giúp bố làm những công việc trong nhà.

Tháng 12/2011, Ngát được nhà trường chọn làm gương mặt tiêu biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 8, để báo cáo điển hình về học sinh “nghèo vượt khó vươn lên”. Cũng tại Đại hội này, em đã vinh dự nhận được bằng khen “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Thủ tướng Chính phủ trao tặng.

Ngát tâm sự: “Dù hoàn cảnh nhà em khó khăn, nhưng bố em và các thầy cô trong trường luôn động viên và quan tâm, tạo điều kiện cho em rất nhiều trong học tập. Bố em còn bảo hạnh phúc lớn nhất của bố là thấy em học thật giỏi. Chính vì vậy mà em luôn nỗ lực và phấn đấu hết mình trong học tập và hoạt động của trường…”.

Nói về cô học trò nghèo đầy nghị lực của mình, thầy Nguyễn Trung Hiếu - giáo viên chủ nhiệm em Ngát chia sẻ: “Ngát không chỉ học giỏi, mà còn tham gia rất tích cực trong các hoạt động Đoàn đội. Là một tấm gương sáng cho các học sinh trong trường noi theo…”.


Ngát chỉ bảo em trai học bài.

Hiện này Ngát đang là lớp trưởng - bí thư lớp 12C8, là lớp chọn chuyên khối D của Trường THPT A Hải Hậu. Trong các môn học thì em học tốt nhất là môn Tiếng Anh, ngoài ra các môn khác em đều học giỏi. Điều đó được chứng minh bằng những tập giấy khen của em từ lúc bắt đầu đi học dán kín cả căn nhà của bố con đang ở.

Để đạt được những thành tích học tập cao như vậy, cô học trò nghèo luôn có mục đích rõ ràng, trên lớp chỗ nào không hiểu bài là em nhờ thầy cô giảng lại ngay, không nên học lệch, học tủ. Đồng thời em cũng mượn thêm sách vở bạn bè và thư viện trường để đọc, tìm hiểu thêm.

Thầy Lê Văn Trường - phó hiệu trưởng Trường THPT A Hải Hậu cho biết: “Ngát là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường, dù gia đình nghèo khó vất vả, nhưng em luôn là một tấm gương sáng trong học tập và các hoạt động của trường. Có thể nói em là một tấm gương điển hình của trường về nghèo khó học giỏi…”.

Chia sẻ ước mơ sau này của mình, Ngát tâm sự: “Hiện tại em đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn về kỳ thi Đại học thì em đã đăng ký vào Khoa Kế toán Trường ĐH Hà Nội, ước mơ sau này của em sẽ là làm một doanh nhân thật thành đạt để có thể giúp bố trả nợ và lo cho em trai ăn học…”.

Ước mơ của cô học trò nghèo có có thành hiện thực không khi kinh tế gia đình đều dựa vào một mình bố em lo liệu cùng với khoản nợ hơn 80 triệu đồng, mỗi tháng gánh hơn 600 nghìn tiền lãi, còn phải chu cấp cho 3 đứa con ăn học và các khoản chi tiêu trong gia đình.

Anh Trần Văn Tích, bố em Ngát tâm sự: “Thật sự gia cảnh nhà tôi rất khó khăn, từ lúc vợ tôi bị bệnh tôi chạy vạy vay mượn khắp nơi, đến căn nhà bố con đang ở cũng phải mang đi thế chấp. Nhưng bệnh mẹ cháu vẫn không qua khỏi. Giờ tôi chỉ biết cố gắng hết sức để lo cho các con có thể ăn học đến nơi đến chốn…”.


Ngát cùng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng.

Chia tay Ngát ra về, nhìn cô bé với nước da ngăm đen, đôi mắt ánh lên một niềm tin cùng câu nói khẳng định của Ngát: “Em sẽ quyết tâm thi đỗ đại học, vì đó là con đường duy nhất để em có thể giúp được bố và gia đình…”. Và con đường phía trước của em còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng chúng tôi thầm chúc cho em sẽ đạt được ước mơ của mình...

Trần Huệ - Đức Văn