Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Bulgaria

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, quan hệ hữu nghị giữa hai nước có bề dày lịch sử lâu đời, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Bulgaria trên mọi lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bulgaria Tsetska Tsacheva. Ảnh: Chinhphu.vn

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Bulgaria do bà Tsetska Tsacheva, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã tới Việt Nam.

Sáng 16/4, sau lễ đón chính thức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội Tsetska Tsacheva đã chủ trì hội đàm.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại của hai nước; thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình, dự án phối hợp của hai Chính phủ và nhân dân hai nước.

Bà Tsetska Tsachevacho rằng, mặc dù thế giới đang chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cơ hội để Việt Nam và Bulgaria đẩy mạnh quan hệ hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, xây dựng, trao đổi hàng hóa, nông sản thực phẩm, y tế. Bên cạnh kinh tế, thương mại, hai nước cũng đang có nhiều kết quả tích cực trong hợp tác về giáo dục, an ninh, quốc phòng.

Bà Chủ tịch Tsetska Tsacheva cũng cho biết, với nền văn hóa lịch sử lâu đời, vị trí địa chính trị thuận lợi, Việt Nam và Bulgaria có nhiều tiềm năng thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực du lịch.

Tán thành những đề nghị hợp tác của bà Chủ tịch Tsetska Tsacheva dành cho Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, quan hệ hữu nghị giữa hai nước có bề dày lịch sử lâu đời. Vệt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Bulgaria trên mọi lĩnh vực. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để Bulgaria tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN nhằm nâng cao vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình để không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam – Bulgaria ngày càng đạt được những thành tựu mới.

Tại cuộc hội đàm, hai bên sẽ tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn các cấp để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm hoạt động lập pháp, giám sát; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các cơ quan chuyên môn của hai Quốc hội và các nghị sĩ nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau; thực hiện nghiêm túc Biên bản ghi nhớ song phương. Quốc hội hai nước phối hợp giám sát việc thực hiện các Thỏa thuận, chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đầu tư và kinh doanh tại nước sở tại. Tại các diễn đàn nghị viện đa phương, hai bên tiếp tục hợp tác và ủng hộ lẫn nhau, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Sau hội đàm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Tsetska Tsacheva đã ký Biên bản ghi nhớ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bulgaria. Đây chính là cơ sở pháp lý để tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Hai nhà lãnh đạo Quốc hội dự và chứng kiến Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang và Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về An ninh, Thông tin Bulgaria Tsveta Markova ký văn bản hợp tác giữa hai cơ quan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Khoa học Bulgaria Sergey Ignatov ký văn bản hợp tác giữa hai cơ quan.

 chinhphu.vn

Huấn luyện thực binh ở Đoàn 680

Trận địa T5 những ngày này trời nắng gắt. Thượng tá Võ Xuân Liêm, Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng đứng trước hàng quân.

Trận địa T5 những ngày này trời nắng gắt. Thượng tá Võ Xuân Liêm, Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng đứng trước hàng quân. Anh như muốn gửi gắm và truyền hết niềm tin của mình sau khi đã quán triệt quyết tâm trước giờ (G) cho 2 kíp chiến đấu của Đội Hoả lực.

Thời gian còn N+5. Tất cả đã sẵn sàng. Những gương mặt thể hiện rõ quyết tâm trong trận đánh hôm nay, một số trắc thủ trẻ gương mặt thoáng chút căng thẳng và hồi hộp...

Giờ (G-5), tại Sở chỉ huy dã chiến, các đồng chí Đoàn trưởng, Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, Chính uỷ Đoàn; các sỹ quan tham mưu, tác chiến cùng bộ phận tiêu đồ đang tập trung cao độ vào các thông số mục tiêu cho tên lửa một cách chính xác... Điện thoại và bộ đàm liên tục reo:


Một buổi huấn luyện ở Đoàn 680 Hải quân

- Báo cáo sở chỉ huy, Đội hoả lực đã sẵn sàng nhận lệnh!- Báo cáo sở chỉ huy, Thông tin liên lạc đã thông suốt!

- Báo cáo sở chỉ huy, Trạm Kỹ thuật đạn chiến đấu đã sẵn sàng!Giờ (G-2), nhận chỉ thị từ Sở chỉ huy Quân chủng, Đoàn trưởng 680 nhấc máy điện thoại:

- Đội hoả lực! Báo động chiến đấu, chiếm lĩnh trận địa KM- X45 độ! Dứt khẩu lệnh của Đoàn trưởng, tiếng xe bệ phóng của 2 kíp chiến đấu Đội Hoả lực gầm lên nhả khói đen kịt rồi bất ngờ lao ra từ khu trú ẩn bí mật xiên qua màn nắng nóng dày đặc đẩy lại phía sau những đám bụi bay mù mịt...

 Đó chỉ là một buổi huấn luyện chiến thuật hiệp đồng chiến đấu thường xuyên cấp Đội, Trạm thực binh tại trận địa của Đoàn 680. Tuy nhiên, không khí buổi luyện tập diễn ra khẩn trương và căng thẳng như trong chiến đấu.

Tất cả các vị trí trắc thủ cho đến sở chỉ huy đều tập trung cao độ, mọi tình huống đặt ra đều được xử lý chính xác.

Trong thời gian nghỉ giữa 2 lần huấn luyện, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số trắc thủ trẻ trong kíp chiến đấu số 1 của Đội Hoả lực. Trung uý CN Trần Nam Trung, Trắc thủ máy bắn cho biết:

Những lần huấn luyện thực binh ở chiến trường như thế này rất thiết thực đối với các trắc thủ trẻ bởi đây là dịp được cọ xát, trau dồi kinh nghiệm, bản lĩnh, yếu lĩnh trong chiến đấu. Giải được những yêu cầu khắt khe của các bài tập đưa ra chính là yếu tố quyết định hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của toàn kíp cũng như tập thể Đội.

Trung uý CN Hồ Thanh Tuấn, Trắc thủ cơ điện thì cho biết: Mỗi vị trí trong kíp chiến đấu đều liên quan mật thiết đến việc hoàn thành nhiệm vụ chung nên công tác hiệp đồng, phối hợp trong kíp phải thực sự nhuần nhuyễn; khi có tình huống phát sinh thì các vị trí phải có đủ khả năng để xử lý và kịp thời báo cáo Sở chỉ huy.

Mỗi lần luyện tập hiệp đồng thực binh đều là những bài học vô cùng quan trọng đối với những trắc thủ trẻ còn thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu... Huấn luyện "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", lấy chiến trường làm thao trường huấn luyện, đó chính là những yếu tố quan trọng để trình độ tổ chức chỉ huy, chất lượng huấn luyện SSCĐ của Đoàn 680 không ngừng được nâng lên, đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bộ Quốc phòng sẵn sàng với công tác chống không tặc, bảo vệ sân bay

Đó là thông tin được đại diện Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam cho biết tại hội nghị triển khai công tác của ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Đó là thông tin được đại diện Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam cho biết tại hội nghị triển khai công tác của ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia đã chủ trì hội nghị.


Lực lượng đặc nhiệm diễn tập chống khủng bố tại sân bay Cần Thơ

Theo đó, năm 2012, Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai hàng loạt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, trong đó coi trọng công tác chống không tặc, bảo vệ các sân bay.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường quản lý tên lửa vác vai, phương tiện bay siêu nhẹ bởi đây là những nguy cơ gây mất an ninh hàng không, đồng thời cũng tăng cường huấn luyện về chống khủng bố.

Dự kiến, năm 2012, một cuộc diễn tập cấp quốc gia, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, cứu hộ cứu nạn… sẽ được tổ chức tại Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng).

Báo cáo tại hội nghị cũng cho biết, trong tình hình hiện nay đang tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa tới hoạt động hàng không dân dụng.

Trong khi, công tác bảo đảm an ninh hàng không còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Từ đó, ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia kiến nghị một số giải pháp trong năm 2012 như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến an ninh hàng không;

lập kế hoạch, triển khai xây dựng hệ thống hàng rào, đường công vụ, hệ thống chiếu sáng, camera an ninh tại các cảng hàng không, sân bay; xây dựng phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng…

Vì sao Việt Nam xuất hiện nhiều “cháu” tướng Nhanh, con ông nọ bà kia?

"Lái xe vi phạm, công an “tuýt còi”lập tức lái xe gọi điện cho người quen. Người quen lại gọi cho công an và công an để cho đi…".


Ngày 13/4, một thanh niên tên là Hoa Văn Phương (32 tuổi, ở Cát Hải, TP. Hải Phòng) khi bị tổ công tác 141 yêu cầu dừng xe và bị xử lý vi phạm giao thông đã lộng ngôn thách thức tổ công tác, luôn miệng lăng mạ, chửi bới đồng thời không quên khoe mình có quan hệ với những lãnh đạo nhà nước.

Trước đó, cuối năm 2011, một nam thanh niên đi xe BMW X6 cũng đã tự xưng là “cháu tướng Nhanh” để “dọa” cảnh sát giao thông… Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông, khi bị xử lý thì chống đối và xưng là người quen của những vị cán bộ có chức vụ lớn…


Hoa Văn Phương liên tục gọi điện và không ngớt lời đe dọa rằng, thân nhân của anh ta có chức vụ to trong bộ máy nhà nước.

Trước những sự việc có các đặc điểm khá tương đồng như vậy, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia xã hội học về hiện tượng xã hội không còn mang tính cá biệt này.

Về những nguyên nhân có thể dẫn đến các hiện tượng này, PGS. TS Xã hội học Nguyễn An Lịch nói: “Theo cá nhân tôi, việc đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do hệ thống pháp luật chưa nghiêm. Thứ hai, người thực hiện luật không nghiêm. Thứ ba là do nền giáo dục của toàn xã hội, của gia đình, của cộng đồng với những người đó.

Tại sao lại có người ỷ lại hoặc bịa là con ông nọ, con ông kia? Đã có chuyện lái xe vi phạm, công an “tuýt còi”lập tức lái xe gọi điện cho người quen. Người quen lại gọi cho công an và công an để cho đi… Rõ ràng, ở đây có sự tiêu cực như vậy nên người ta coi thường thôi.

Xuất phát từ những trường hợp làm không đúng luật tạo nên cái ý thức trong xã hội, dẫn đến mọi người nhờ cậy quen rồi. Đây là những biểu hiện nhỏ, còn những biểu hiện lớn hơn là hiện tượng một số người có tâm lý muốn nhờ cậy người khác để làm ăn phi pháp”.

PGS Nguyễn An Lịch cho biết thêm: “Để giảm xu hướng như vậy, cách duy nhất hiện nay là tất cả trường hợp, kể cả con của lãnh đạo cấp cao nhất mà vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm, không ai can thiệp. Và trong trường hợp này, công an cứ việc xử lý công bằng, bình đẳng như những người dân khác”.

Cùng quan điểm với PGS. TS Nguyễn An Lịch, PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cũng có những kiến giải lý thú về hiện tượng này.


Còn Nguyễn Thanh Quang thì luôn tự xưng là "cháu" tướng Nhanh...

“Trước tiên, chúng ta hãy nói về hiện tượng khi các “thần dân” không chấp hành một cách đúng đắn các luật lệ giao thông mà bị nhà chức trách hoặc các nhân viên công vụ chặn lại, yêu cầu thực hiện đòi hỏi pháp định thì thường tìm sự trợ giúp của người khác. Việc này có nét gì đó giống như người ngồi trên chiếc ghế nóng của chương trình “Ai là triệu phú” trên TV vậy. Vì sao lại có sự tìm kiếm sự trợ giúp như vậy?


Cái này xuất phát từ tâm lý tiểu nông, tính chất bầy đàn hoặc là tính chất thân tộc đều đúng cả. Người Việt Nam mình hay có kiểu một người làm quan cả họ được nhờ vì thế hay có sự viện dẫn. Và chính điều này lại đánh vào tâm lý  của người Phương Đông: nể họ hàng, vị thế, quyền lực nên dẫn tới việc người ta lợi dụng hoặc thậm chí là bịa đặt các mối quan hệ với những người có chức, có quyền. Đó là thói quen của người phương Đông”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng phân tích thêm: “Tuy nhiên cũng phải thấy rằng trên thực tế, những mối quan hệ ấy đã giải quyết được rất nhiều. Chính vì như vậy nên người ta mới bắt chước sử dụng hình thức đó cho dù không có họ hàng bởi vì nhân viên công vụ, người thực thi quyền lực e ngại người có quyền lớn hơn mình hoặc cả nể người khác. Từ đó tạo cho cả xã hội một tâm thế: có người quen thì nhờ cậy còn không thì bịa đặt, lừa bịp…

Đó cũng xuất phát từ thói sỹ diện chỉ vì không muốn mất một đồng tiền phạt mà phải đi nhờ cậy chỗ nọ chỗ kia. Người phạm lỗi do xin xỏ được không phải nộp tiền thì lại thấy sung sướng hơn khi bị phạt. Nhưng có khi phải đi cảm ơn, lễ lạt cho những người đã giúp đỡ mình với số tiền còn lớn hơn cả tiền phạt".

"Tôi đánh giá trường hợp này, người ta sẽ tốn nhiều tiền hơn. Lắm khi còn phải hai lần cảm ơn. Nhưng ở đời người ta lại như vậy, tránh được việc nộp phạt thì oai, có giá với cộng đồng… Sự thể hiện tâm lý bầy đàn. Chẳng vinh quang gì khi đi khoe người nhà ông nọ bà kia. Đó là lý do để có nhiều người là “con, cháu” tướng Nhanh như thế”, ông Bình lý giải.

Nói về cách giải quyết một cách triệt để, ông Bình nói: “Vấn đề ở đây cũng có thể là do nhân viên công vụ có lỗi nên mới sợ bóng sợ gió. Chứ những người không vị nể, cứ đúng phép công mà làm thì người ta chẳng việc gì phải sợ những lời đó cả.

Mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, quân pháp vô thân. Tóm lại là muốn giải quyết vấn đề thì phải rành mạch, thượng tôn pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền đi liền với xã hội dân sự. Tức là không ai phải chịu trách nhiệm về ai. Tại sao vẫn hô hào như vậy mà không làm được. Đó là vì từ cả hai phía: phía nhân viên công vụ, phía những nhà chức trách ỷ thế làm càn nhiều. Khi đó đều có sự hóa giải cho nhau và những tấm gương xấu như vậy đã đưa cộng đồng đến suy nghĩ là có thể làm như thế”.



Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Philippine phản đối tàu Trung Quốc ra bãi Hoàng Nham

Ngày 16/4 rất nhiều người dân Philippine đã tập trung trước tòa nhà lãnh sự quán Trung Quốc tại Malina biểu tình phản đối Trung Quốc phái tàu ra bãi cạn Hoàng Nham trên biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippine cho biết tàu thuyền đánh cá của ngư dân nước này khi hoạt động trên vùng biển phụ cận bãi Hoàng Nham thuộc chủ quyền Malina (theo Philippine) đã bị tàu Trung Quốc "quấy nhiễu".





nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Anh-Philippine-phan-doi-tau-Trung-Quoc-ra-bai-Hoang-Nham/147686.gd

Tiểu sử, lý lịch Nguyễn Thanh Nghị: Thứ trưởng Bộ Xây dựng

[Chuyên mục tiểu sử lãnh đạo] Tap Viet Bao xin được gửi đến bạn đọc Tóm tắt tiểu sử của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.


Ông Nguyễn Thanh Nghị – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976, là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là con trai của Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Nghị từng là sinh viên trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2001 và 2002, Nguyễn Thanh Nghị từng là “giám đốc quan hệ khách hàng” (PR) và cũng đóng vai trò “quản lý dự án” cho công ty Bitexco (một tập đoàn lớn xuất phát từ Bình Dương).

Năm 2006, sau khi học trong Tiến sĩ ngành Kỹ sư công chính tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ, ông trở về trường để thực hiện công tác giảng dạy. Năm 2008, ông Nguyễn Thanh Nghị được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc.

Quan điểm của đồng chí Nguyễn Thanh Nghị về chất lượng đào tạo:

Muốn nâng chất lượng đào tạo, theo tôi, phải đầu tư cơ sở vật chất vì nhiều trường quá chật chội, quá thiếu thốn. Thứ hai, phải đầu tư cho người thầy vì chất lượng thầy thấp thì không thể đào tạo trò giỏi. Thứ ba, phải đầu tư xây dựng giáo trình vì giáo trình giảng dạy đã cũ không cập nhật cho phù hợp.

Tháng 1 năm 2011, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 11 tháng 11 năm 2011, theo quyết định số 2011/QĐ-TTg, do phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Truy tố Blogger Điếu Cày tội chống phá nhà nước

Viện KSND TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), ông Phan Thanh Hải và bà Tạ Phong Tần ra trước TAND TP.HCM để xét xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo cáo trạng, năm 2001, Lê Xuân Lập (công tác tại Báo Thanh tra Chính phủ, đại diện ở TP.HCM) xin Hội Nhà báo Việt Nam thành lập “Hội nhà báo tự do” nhưng bị từ chối. Tháng 9.2007, sau khi thôi làm việc ở Báo Thanh tra Chính phủ, Lập tiếp tục có đơn xin Thủ tướng Chính phủ thành lập “Hội nhà báo tự do” nhưng cũng không được chấp thuận. Tuy nhiên, ngày 19.9.2007, ông Lập và một số người khác (trong đó có ông Nguyễn Văn Hải) hẹn gặp nhau tại một quán cà phê ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) để thành lập “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, thiết kế blog do ông Lập làm chủ nhiệm. Sau đó, ông Nguyễn Văn Hải tự động thay mật khẩu mới để nắm giữ, quản lý blog, tiêu chí bài viết không phù hợp nên ông Lập không tham gia nữa.


Ông Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải

Ông Nguyễn Văn Hải tập hợp thêm ông Phan Thanh Hải (blogger Anhbasaigon) và bà Tạ Phong Tần (blogger Sự thật và công lý), những người có cùng quan điểm tham gia. Sau khi quản lý blog “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, những người này có nhiều bài viết xuyên tạc sự thật, chống nhà nước và trên blog cá nhân của từng người. Từ tháng 9.2007 đến tháng 10.2010 đã có 421 bài (94 bài tự viết và 327 bài đăng lại từ những trang web chống phá nhà nước) đăng trên blog “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, trong đó có 26 bài viết có nội dung chống phá nhà nước.

Cáo trạng kết luận, các bị can trên đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng internet tạo ra blog “Câu lạc bộ nhà báo tự do” để liên lạc, trao đổi, đăng nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước nhằm kích động, gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân, lôi kéo những phần tử có tư tưởng chống đối nhằm gầy dựng, chuẩn bị lực lượng khi có thời cơ sẽ sẵn sàng hoạt động thay đổi chế độ.

Cáo trạng cũng quy kết các ông Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải còn sang Thái Lan từ ngày 13.3.2008 - 16.3.2008 để tham gia khóa huấn luyện mục đích nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam.

Quang Hiển/Thanh niên