Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Trường Sa-Bãi cọc Bạch Đằng phòng thủ Việt Nam (I)

Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa hay biển Tây Philippines) là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.

Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của Châu Á có hai điểm trọng yếu: Thứ nhất là eo biển Malacca . Điểm trọng yếu thứ hai là vùng Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua, đặc biệt là  khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đánh giá vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, các nhà chiến lược phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được cả Biển Đông.

Vì vậy, tấn công đánh chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam của các nước đang tranh chấp về quần đảo này không phải là chuyện không thể xảy ra mà là một nguy cơ, thách thức với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Vậy, kẻ thù có thể tấn công đánh chiếm Trường Sa như thề nào? Thực tế chỉ có 2 phương án để tấn công đánh chiếm:

Một là tấn công trực tiếp

Thực hiện phương án này địch sẽ dùng một lực lượng lớn về tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân phóng tên lửa, thả bom, nã đại bác để dọn sạch bãi đổ bộ đồng thời làm tê liệt khả năng chống cự của lực lượng phòng thủ trên đảo, sau đó lính thủy đánh bộ từ tàu đổ bộ đệm khí tràn lên đánh chiếm đảo.

Về lý thuyết quân sự, đây là phương án “tiết kiệm” nhất do quy mô nhỏ nhất, hiệu quả cao nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, phương án này của kẻ thù sẽ vấp phải ý chí của toàn dân, toàn quân sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nếu kẻ địch vẫn thực hiện phương án này thì đây là một thảm họa đối với chúng. Bởi lẽ ngay khi không có sự hỗ trợ chi viện của đất liền thì thế và lực phòng thủ của lực lượng giữ đảo cũng gây khó khăn rất nhiều cho lực lượng tấn công đánh chiếm.

Trước hết về lực.

Vị trí Hải quân địch tấn công không phải cần bao nhiêu tùy ý vì vũ khí phục vụ cho tác chiến phi đối xứng, chúng ta không phải là không nghĩ đến. Biết đâu trên đảo đều được trang bị RBS-17 của Thụy Điển chẳng hạn, do đó độ chính xác của tên lửa, pháo địch trúng mục tiêu là không cao và nếu có trúng mục tiêu thì khả năng sát thương hạn chế bởi các hầm hào phòng thủ kiên cố trên đảo.

Nếu như Hải quân địch còn phải lo đối phó với không quân, hải quân Việt Nam từ đất liền thì kế hoạch dọn bãi đổ bộ, làm tê liệt sức đề kháng của bộ đội trên đảo trước khi tàu đổ bộ đệm khí xuất phát xem ra hiệu suất rất thấp, nếu không nói là vô vọng.


Một đại đội RBS 17 có 3 trung đội, mỗi trung đội có 3 tiểu đội và mỗi tiểu đội được biên chế 2 bệ phóng. Mỗi tiểu đội được trang bị một thiết bị laser chỉ thị mục tiêu, đặt cách bệ phóng 4-5 km để dẫn tên lửa đến mục tiêu. Người điều khiển có thể dẫn tên lửa đến đúng phần nhất định của tàu địch. 

Tuy gọn nhẹ, song RBS 17 có tầm bắn hiệu quả đến 10 km và uy lực chiến đấu khá mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia Thụy Điển, một quả RBS 17 có khả năng đánh chìm tàu đổ bộ đệm khí, xuồng đổ bộ hay tàu quét lôi, 2-3 quả có thể đánh chìm tàu đổ bộ có lượng giãn nước 2.000 tấn.


Tiếp theo là về thế.

Tính toàn bộ, quần đảo có rất nhiều đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm (diện tích đất liền chỉ 5 km2 nên chủ yếu là đảo san hô và đảo chìm) rải rác trên một diện tích chừng 410.000 km2.

Như vậy về địa hình thì có thể nói quần đảo Trường Sa là một bãi đá ngầm và san hô nổi hoặc chỉ nổi khi thủy triều xuống xen kẽ giữa nó mới là các đảo thực sự.

Cho nên địa thế của các đảo trong quần đảo Trường Sa là rất hiểm yếu, không quá nếu như nói rằng đó là những hệ thống “cọc Bạch Đằng” cho phòng thủ. Điều này thật sự không hề dễ dàng chút nào cho tàu đổ bộ tiếp cận.

Nếu tàu đổ bộ đệm khí lớn thì không thể tiếp cận được bờ, còn nếu dùng tầu đổ bộ nhỏ chỉ có thể tiếp cận được bờ (một số đảo) khi thủy triều cao thì lực lượng đổ bộ bị phân tán dễ bị tiêu diệt (Dĩ nhiên có những bãi, bờ không có vành đá ngầm, dãy san hô thì chắc chắn bên phòng thủ đã đưa vào sự quan tâm đặc biệt rồi).

Nếu như yêu cầu sống còn của tác chiến đổ bộ phải là tập trung, triển khai nhanh vào bờ thì đây là mâu thuẫn không thể giải quyết giữa tập trung và phân tán, giữa triển khai nhanh lực lượng áp sát chiếm lĩnh bờ với sự chậm chạp bất khả kháng.

Điều cuối cùng là tính bất khả thi của chiến thuật

Một bài toán không kém phần hóc búa đặt ra cho kẻ địch là, sau khi các lực lượng tàu mặt nước, không quân dọn xong bãi đổ bộ, lính thủy đánh bộ theo tàu đổ bộ vào đảo thì lực lượng này liệu có an toàn để trở về nơi xuất phát hay không khi không còn khả năng để chống trả?

Quần đảo Trường Sa như trước cửa nhà Việt Nam nên chắc chắn SU-27 của Việt Nam-loại máy bay đánh chặn trứ danh sẽ dễ dàng biến lực lượng của kẻ địch thành “quân xanh” để diễn tập.

Do đó chắc chắn địch phải có một thê đội 2 để làm nhiệm vụ phát sinh, có nghĩa là phải sử dụng một lực lượng rất lớn tham gia tác chiến. Vậy địch có dám mạo hiểm không khi tại căn cứ lực lượng bảo vệ quá mỏng?

Tóm lại, phải đối đầu với lực lượng phòng thủ trên đảo và đặc biệt đối đầu với lực lượng chi viện ở đất liền nhanh, mạnh, sung sức thì chắc chắn là không thể thắng.

Từ những cơ sở trên thì kẻ địch chẳng bao giờ liều lĩnh tấn công đánh chiếm quần đảo Trường Sa bằng phương án này.

Vì vậy địch sẽ tấn công đánh chiếm quần đảo Trường Sa bằng một phương án khác, đó là: tấn công tổng lực vào đất liền để làm cho lực lượng chi viện quần đảo Trường Sa của Việt Nam mất sức chiến đấu. Sau đó đánh chiếm quần đảo Trường Sa theo phương án ban đầu.

Có lẽ đây là phương án mang tính khả thi nhất nhưng quy mô quá lớn, không gian chiến trường quá rộng làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh toàn khu vực.

Cuộc chiến sẽ kéo theo những hệ lụy không lường trước được với kẻ xâm lược.

Quá mạo hiểm khi tấn công xâm lược một đất nước có truyền thống đánh giặc lại được chuẩn bị như chưa bao giờ kỹ càng như thế.

Bộ Công An chặn đứng một âm mưu phản động

Kế hoạch “5 điểm” của tổ chức phản động “Phục hưng Việt Nam” mà trọng tâm là chèn sóng Đài Tiếng nói VN nhằm phục vụ mưu đồ lật đổ chính quyền đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chặn đứng.

Ngày 19/4, Cơ quan An ninh điều tra (A92 - Bộ công an) cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Võ Viết Dziễn (sinh năm 1971, ở huyện Càng Long, Trà Vinh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự.
Bộ Công an chặn đứng âm mưu chèn sóng VOV

Thiết bị để chèn sóng Đài tiếng nói Việt Nam

Theo Cơ quan An ninh điều tra, Dziễn thường xuyên lên mạng Internet, vào một số trang web phản động để quen với một đối tượng tên Nhất Thắng - Trưởng ban liên lạc của tổ chức phản động “Phục hưng Việt Nam”. Theo Cơ quan điều tra, Dziễn bị tiêm nhiễm những tư tưởng lệch lạc, xuyên tạc về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tháng 11/2011, theo chỉ đạo của Thắng, Dziễn từ Việt Nam bay sang Singapore để gặp những thành phần “chóp bu” của tổ chức “Phục hưng Việt Nam” là Trần Trọng Ngà (còn gọi Trần Quốc Bảo) - Chủ tịch tổ chức này và gặp một đối tượng khác tên Cương.

Tại đây, Dziễn được các đối tượng này giới thiệu về tổ chức “Phục hưng Việt Nam”, “Lực lượng cứu quốc”, được cho “nghiên cứu” tài liệu về các tổ chức và được giao nhiệm vụ về Việt Nam tập hợp nhiều người ra Hà Nội biểu tình.

Theo cơ quan điều tra, cái gọi là tổ chức “Phục hưng Việt Nam” đã chi 1.500 USD cho Dziễn để trang bị các phương tiện liên lạc và đề nghị Dziễn tìm mua một lô đất (giá 50.000 USD) thành lập trang trại nhằm mục đích tạo thêm nguồn kinh phí cho hoạt động của tổ chức. Tiếp đó, các đối tượng trong tổ chức phản động còn gửi thêm tiền cho Dziễn để tìm người đưa qua Thái Lan gặp gỡ, huấn luyện.

Tháng 3/2012, tổ chức “Phục hưng Việt Nam” tiếp tục chuyển 2.000 USD vào tài khoản của Dziễn làm kinh phí qua Thái Lan để tập huấn. Dziễn cùng vợ con qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) sang Campuchia rồi từ Campuchia qua Thái Lan bằng cửa khẩu Poipet.

Từ ngày 26 đến 30/3/2012 Dziễn được nhóm phản động huấn luyện cách sử dụng một số phần mềm bảo mật máy tính, thiết bị chèn phá sóng và giao nhiệm vụ về Việt Nam để thực hiện kế hoạch “5 điểm”.

Kế hoạch “5 điểm” này có phần mục chèn sóng theo tần số 103 Hz (chèn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam) đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 mà tổ chức này gọi là “Tháng Tư đen”. Kế hoạch tiếp theo là hàng loạt các hành động như: Tìm những khu phố người Hoa tại Việt Nam, trong đó tập trung vào khu phố người Hoa tại Bình Dương để đốt phá, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc; rải truyền đơn với khẩu hiệu có nội dung phản động sau đó quay phim, chụp hình gửi tổ chức; Tập hợp người ra Hà Nội biểu tình; xây dựng trang trại để làm kinh tế cho tổ chức.

Tuy nhiên, Dziễn chưa kịp hành động thì đã bị A92 bắt giữ.

Theo Dân Việt

Sự nghiệp bà Đặng Thị Hoàng Yến qua ảnh

Gần đây trên Internet xuất hiện nhiều thông tin về bà Đặng Thị Hoàng Yến, vậy bà Dang Thi Hoang Yen la ai? là người như thế nào ? Mời độc giả xem sơ qua về tiểu sử của bà Đặng Thị Hoàng Yến:

Bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Tạo. Ngoài ra, bà Hoàng Yến còn là Chủ tịch diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng tư vấn các nước ASEAN - ASEAN BAC… Trong 3 năm liên tiếp 2008, 2009, 2010, bà được xếp vào top 10 doanh nhân giàu nhất Việt Nam trên sàn giao dịch chứng khoán. Hiện nay, bà vẫn là một trong số những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.


Là con cả trong gia đình nghèo có 4 người con, năm 1980, bà Yến tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và được phân công về làm việc tại UBND Quận 5 (TP.HCM). Đến năm 1992, bà Yến được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tư của Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND TP. HCM. Chỉ trong hai năm, bà Yến đã đưa được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TP. HCM trên 1,5 tỷ USD.


Năm 1993, bà Yến quyết định tạo dựng con đường đi cho riêng mình. Không có một đồng vốn, bà quyết tâm đi làm thuê cho các công ty nước ngoài để dành dụm tiền thực hiện khát vọng của mình.


Một trong những câu nói nổi tiếng được nhiều người biết đến của bà Yến là: "Khó khăn trong kinh doanh được ví như cánh cửa đóng chặt, nhưng nếu chỉ có một khe hở nhỏ đủ để một sợi tóc xuyên qua, tôi cũng sẽ bẩy tung cánh cửa đó để bước chân vào" .


Trong cuộc sống riêng, bà Đặng Thị Hoàng Yến nếm trải những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Tai nạn giao thông đã cướp đi người chồng của bà khi con gái đầu lòng mới được vài tuổi.


Năm 2011, bà Yến cùng 9 dân Việt Nam tiêu biểu khác (gồm: GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Trần Thùy Mai, GS.TS Nguyễn Thị Kim Chúc, TS.BS Phạm Hùng Vân, PGS.TS Trần Thị Minh Diễm, BS. Trương Thìn và GS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh) được nhận giải Cống hiến vì những hoạt động nhân đạo của mình. Tuy nhiên, điều làm cho dư luận quan tâm nhiều nhất trong thời điểm này về bà Yến là những lùm xùm thiếu trung thực xung quanh việc khai lý lịch để ứng cử đại biểu Quốc hội.


Theo báo Người cao tuổi, những năm 1980, bà Đặng Thị Hoàng Yến là đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác ở Văn phòng UBND quận 5, TP Hồ Chí Minh. Một số đảng viên từng công tác với bà Yến thời gian này vẫn còn công tác, có người giữ vị trí lãnh đạo ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong lý lịch ứng cử ĐBQH, ở mục ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam (nếu có) bà Yến khai là “không”, ngày chính thức: để trống.


Ngày 17-8-2007, bà Yến kết hôn với một Việt Kiều tại Mỹ tên là Jimmy Trần. Sau một thời gian làm việc ở Việt nam, tháng 9/2010, ông này bị truy tố vì có dấu hiệu phạm tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Ngày 27-9-2010, ông Jimmy Trần bị truy nã. Sau khi ông này trốn sang Mỹ, công an Việt Nam đã quyết định truy nã ông Jimmy Trần vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ Tổng Giám đốc Vietnam Land nhận tiền đặt cọc hợp đồng của các đối tác, nhưng không nộp về công ty mà chiếm đoạt”.


Trước đó tháng 7-2010, bà Đặng Thị Hoàng Yến có đơn xin ly hôn với ông Jimmy Trần. Trong lý lịch ứng cử ĐBQH, bà Yến cũng không nhắc tới người chồng này. Tháng 5/2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.


Hiện bà Đặng Thị Hoàng Yến là ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Quốc hội. Ngay từ khi bắt đầu kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII vào tháng 7-2011, đã có những ý kiến đặt vấn đề về tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Những thông tin liên quan tới tư cách, nhân thân của bà Yến khá nhiều và phức tạp.


Sau khi tư cách bà Yến được thẩm tra, sáng 17/4/2012, Ủy ban MTTQ tỉnh Long An đã họp kín, lấy ý kiến về tư cách đại biểu Quốc hội với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Nữ đại biểu này bị nghi vấn không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Sau cuộc họp, ông Võ Lê Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An cho biết, sẽ có ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị xem xét tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến, còn việc bãi miễn tư cách đại biểu của bà Yến phải do cấp trên quyết định.


Ngày 18/4/2012, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 8 (khóa VII) do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm... chủ trì. Ngoài ra còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương. Sau khi nghe đại diện Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày các nội dung liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến, các đại biểu đã thảo luận, phân tích rõ những vấn đề mà đại biểu này đã vi phạm tư cách đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật. Hội nghị đã biểu quyết với 100% ý kiến tán thành kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.


Ấn Độ thử tên lửa tầm xa khiến Trung Quốc nhấp nhổm

Ấn Độ tuyên bố đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-V ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên.


Sáng ngày 19/4, Ấn Độ đã bắn thử tên lửa tầm xa được cho là có khả năng chạm đến các mục tiêu ở tận miền bắc Trung Quốc hay phía đông châu Âu.

Theo tin mới nhất được tờ Times of India đăng tải, Ấn Độ tuyên bố đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-V ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên. Tên lửa Agni V được đã được phóng đi ở tầm xa nhất khoảng 5.000 km trong đợt thử nghiệm sáng nay.

Theo tờ báo trên, Agni-V được phóng từ đảo Wheeler, nằm ở ngoài khơi bờ biển Odisha của Ấn Độ vào lúc 8:07 theo giờ địa phương.

Agni-V có trọng lượng khoảng 50 tấn, dài 17,5m, với đường kính thân đạt 2m và có mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1 tấn.

Ngoài ra, quân đội Ấn Độ còn có tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-6 với tầm bắn đạt tới 10.000 km.

Dự kiến, quân đội Ấn Độ sẽ tiến hành 4-5 đợt thử nghiệm thành công trước khi chính thức đưa Agni-V vào biên chế quốc phòng năm 2014 tới 2015.

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 4.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Hội nghị Cấp cao  Mekong- Nhật Bản lần thứ 4 diễn ra trong hai ngày 20-21/4. Với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ các nước tiểu vùng Mekong và Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mekong- Nhật Bản lần thứ 4 tiếp tục khẳng quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững ở Khu vực Mekong nói riêng và Đông Á nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng Thủ tướng nước chủ nhà và người đứng đầu Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan kiểm điểm lại kết quả thực hiện các chương trình, dự án thuộc Chương trình động 63 điểm; Sáng kiến hợp tác kinh tế-công nghiệp; Sáng kiến thập kỷ Mekong xanh cũng như thảo luận phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác Mekong–Nhật Bản giai đoạn 2013-2015.

Một trong những vấn đề quan trọng được dư luận quốc tế quan tâm tại hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật bản lần này, đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các nước Mekong và Nhật bản sẽ tập trung thảo luận Chiến lược Tokyo để thay thế Tuyên bố Tokyo tại Hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật bản lần thứ nhất cách đây 4 năm.

Chiến lược Tokyo nếu được thông qua tại hội nghị lần này sẽ là nền tảng của sự hợp tác giữa Mekong và Nhật Bản trong giai đoạn mới, với trọng tâm là tăng cường tính kết nối của tiểu vùng, hợp tác cùng phát triển giữa các nước thuộc tiểu vùng Mekong với Nhật Bản, đồng thời nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an ninh con người cũng như tính bền vững của môi trường.

Tại hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật Bản lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có phát biểu quan trọng về phương hướng hợp tác cũng như nêu các ưu tiên của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Mekong- Nhật Bản, trong đó có vấn đề quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Nhằm tăng cường hơn nữa kết nối trong khu vực Mekong, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ nêu một số sáng kiến mới, nhất là phát triển hệ thống vận tải đa phương thức để tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển.

Sáng kiến này sẽ đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực. Không chỉ sẽ khai thác hiệu quả hơn hệ thống đường bộ, hành lang giao thông và giảm tải các trục giao thông chính sáng kiến này còn tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hoá nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông…

Ngay từ ngày đầu hình thành cơ chế hợp tác Mekong– Nhật Bản năm 2007, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực với nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy cơ chế hợp tác này. Gần 6 năm qua, nhiều dự án quan trọng nằm trong khuôn khổ hợp tác Mekong– Nhật Bản đã được triển khai tại nước ta.

Điển hình như: dự án xây dựng Cảng nước sâu Lạch Huyện, Hải Phòng  theo mô hình thí điểm hợp tác công-tư; dự án xây dựng Trung tâm đào tạo nghề Mekong- Nhật Bản; dự án thành lập Trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng tại Việt Nam; dự án Hợp tác khu vực về Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan khu vực Mekong; xây dựng một số tuyến đường cao tốc…Việt Nam cũng đã cử nhiều cán bộ trẻ tham dự các chương trình giao lưu nhân dân tại Nhật Bản, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước Mekong khác.

Có thể thấy rằng: Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật bản lần thứ 4 không chỉ tiếp tục đóng góp tích cực các sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản mà còn khẳng định vai trò của Việt Nam trong khu vực và trong cơ chế hợp tác này.

Nhân dịp tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao Chính phủ Nhật Bản, các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản nhằm tăng cường sự hiểu biết và đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả./.

Thành Chung/VOVTV

Diệu kế bảo vệ Tổ quốc của Quân đội Việt Nam

Đối tượng có âm mưu tấn công xâm lược Việt Nam, đương nhiên bao giờ cũng hùng mạnh hơn khi so sánh lực lượng mới dám hành động. Nhưng khi xảy ra chiến tranh thì sự so sánh đó chỉ mang tính tương đối.

Để dành thắng lợi trong chiến tranh còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Bố trí lực lượng như nào trên cơ sở địa lý để biến lực lượng ít thành nhiều, yếu thắng mạnh.

Bố trí lực lượng ra sao để phục vụ cho lối sở trường hay như lối đánh đánh tập kích nhiều hướng, nhiều tầng, dồn dập, vân vân và vân vân. Đó thuộc về nghệ thuật quân sự chỉ huy, mưu kế nhà binh của các tướng lĩnh, sỹ quan QĐND Việt Nam.

Bởi vậy, muốn thực thi nghệ thật quân sự, phải tiến hành tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp đáp ứng với cách thức bố trí và sử dụng lực lượng.

Đây vừa là nội dung, vừa là tiền đề cho nghệ thuật tác chiến đánh thắng kẻ thù. Không xây dựng phát triển lực lượng, thậm chí xây dựng thiếu khoa học, không phù hợp với tình hình thực tế đất nước thì thất bại là không tránh khỏi.

Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử, Việt Nam ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ tổ quốc (BVTQ) một cách bình tĩnh, tự tin, sáng suốt, nhạy bén đến thế.

Việt Nam bình tĩnh bởi trước những nguy cơ, thách thức và sức ép cực lớn của các thế lực thù địch hùng mạnh đe dọa sử dụng vũ lực mà không rối trí. Nhân dân Việt Nam vẫn không sợ, không nao núng hay mắc mưu trước những âm mưu hiểm độc của địch.

Việt Nam tự tin bởi trong những lúc đất nước “như ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối đầu với một kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới, máy chém lê khắp miền Nam, miền Bắc thì bầu trời, vùng biển không quân và hải quân địch làm chủ, khống chế.

Hải quân, không quân Việt Nam còn lạc hậu hơn địch hàng trăm lần mà chúng ta vẫn có những trận đánh để đời… và rồi chúng ta đã vượt qua thì ngày nay chúng ta có thuận lợi hơn rất nhiều.

Trước hết là sự sáng suốt, nhạy bén trong công tác tổ chức xây dựng lực lượng, hiện đại hóa Quân đội.

Thay vì xây dựng quân đội chính quy từng bước hiện đại, thì trước tình hình an ninh quốc gia đang bị nhiều nguy cơ thách thức, Việt Nam quyết định đưa “Hải quân, Phòng không –Không quân, Tác chiến điện tử và Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại”.

Trong chiến tranh hiện đại, một quốc gia hùng mạnh có nền quân sự hiện đại gây ra với một quốc gia nhỏ, năng lực quốc phòng hạn chế gần như có chung một phương thức tiến hành.


Bastion-P là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển cơ động hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Đến nay, chỉ có Hải quân Nga và Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa khủng khiếp này. Với phần chiến đấu 200 kg, Yakhont có thể tiêu diệt hầu hết tàu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một quả đạn. Và với một loạt phóng 8 quả (2,5s/1 quả) nó có thể buộc một hạm đội đối phương phải từ bỏ nhiệm vụ.

Chẳng hạn như ở 3 cuộc chiến tranh gần đây mà Mỹ và NATO tiến hành với Nam Tư, I-Rắc, và Ly Bi thì phương thức tấn công đó là:

Đầu tiên (tác chiến điện tử), tên lửa hành trình từ các tàu ngầm, tàu nổi mở màn, tấn công vào lãnh thổ nhằm làm cho hệ thống radar phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy liên lạc tê liệt hoặc thiệt hại nặng khiến đối phương như “mù” và “điếc”.

Ở Nam Tư năm 1999, 218 tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu ngầm Anh và tàu chiến Mỹ. Cuộc chiến Iraq 2003, 725 Tomahawk được bắn vào các mục tiêu ở Iraq.

Còn tại cuộc chiến Libya 2011, chỉ trong ngày đầu 19/3 Mỹ - Anh phóng tới 124 quả, ngày 22/3 phóng tiếp 159 quả.

Tiếp theo, không quân xuất kích chiếm lĩnh, thống trị bầu trời săn diệt những mục tiêu quân sự còn lại một cách dễ dàng và đánh phá các trung tâm kinh tế, chính trị, quốc phòng…mà không hề gặp sức kháng cự.

Giai đoạn này được coi là then chốt, quyết định kết quả chiến tranh. Mục đích chiến tranh đạt được hay không tùy thuộc có thống trị được bầu trời đối phương hay không.

Cuối cùng là lực lượng đổ bộ xuất kích hoặc không cần thiết khi đối phương đã đầu hàng không điều kiện.

Việt Nam cũng rơi vào một hoàn cảnh gần tương tự: kinh tế chưa phát triển, khoa học công nghệ còn hạn chế, bờ biển dài…thì phương thức tấn công với 3 bước trên trở nên  hết sức nguy hiểm.

Vì vậy, muốn chiến thắng kẻ thù không cách nào khác là phải xây dựng Hải quân, PK-KQ, Tác chiến điện tử và lực lượng thông tin liên lạc hiện đại, tinh nhuệ thiện chiến, cùng với toàn quân, toàn dân giáng trả, phá tan từng giai đoạn tiến hành chiến tranh của địch.

Với tinh thần đó, trong một thời gian chưa dài, nhưng Việt Nam đã tích cực xây dựng Hải quân, Phòng không-Không quân - lực lượng nòng cốt bảo vệ vùng trời, vùng biển và lực lượng tác chiến điện tử, thông tin liên lạc thực sự hiện đại, có trang bị vũ khí tối tân đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc các chuyên gia quân sự nước ngoài coi Việt Nam là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất ĐNA, chúng  ta không hề muốn như thế.

Nhưng ở giác độ nào đó cho chúng ta thấy sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Dù còn nghèo nhưng dân tộc Việt Nam vẫn sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” để tăng cường sức mạnh cho quân đội đủ sức răn đe và giáng trả đích đáng nếu chúng liều lĩnh xâm phạm bờ cõi.

Kì trước: Nghệ thuật bảo vệ Tổ quốc không có đối thủ của VN

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Hợp tác quốc phòng là trụ cột của quan hệ Việt-Trung

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

-> Đọc thêm: Tiểu sử Đỗ Bá Tỵ: Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam

Buổi hội đàm giữa hai đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thượng tướng Trần Bỉnh Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Ngay sau lễ đón trọng thể chiều 16/4, hai đoàn đại biểu quân sự cấp cao đã có buổi hội đàm dưới sự đồng chủ trì của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Đỗ Bá Tỵ và người đồng cấp nước chủ nhà Trần Bỉnh Đức.

Tại hội đàm, hai đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã cùng phân tích cũng như đánh giá tình hình quốc tế và khu vực, đồng thời thông báo những nét cơ bản về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước.

Phát biểu tại hội đàm, Tổng Tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức bày tỏ sự phấn khởi được đón tiếp Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cùng Đoàn cán bộ quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Thượng tướng Trần Bỉnh Đức nhấn mạnh chuyến thăm của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam lần này không chỉ thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước, mà còn tạo động lực mở ra bước phát triển mới, tốt đẹp và tin cậy hơn nữa giữa hai nước cùng hai quân đội.

Thượng tướng Trần Bỉnh Đức cũng thông báo kết quả phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật và công nghệ của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ông cho rằng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Trung Quốc vẫn đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao.

Về phần mình, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã giới thiệu những thành tựu nổi bật của Việt Nam sau Đại hội XI đến nay, trong đó nổi bật là chính trị xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường, lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cùng chính phủ tiếp tục được nâng lên. Việt Nam kiên quyết không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng, việc sửa đổi hiến pháp sắp tới sẽ vẫn khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về quan hệ song phương, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Mối tình hữu nghị Việt-Trung, tài sản vô giá do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông sáng lập và dày công vun đắp đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ cũng như giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay. Quan hệ hữu nghị Việt-Trung có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả hai nước, cũng như đối với hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực.

Phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và bền vững với Trung Quốc luôn là chủ trương nhất quán và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định.

Hai bên hài lòng nhận thấy thời gian qua quan hệ quốc phòng tiếp tục được tăng cường và khẳng định vai trò là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc.

Hai bên đã triển khai có hiệu quả nội dung của Nghị định thư giữa hai Bộ Quốc phòng ký năm 2003 và các thỏa thuận hợp tác khác, trong đó một số lĩnh vực thực sự trở thành điểm sáng trong quan hệ quốc phòng hai nước.

Quân đội hai nước cũng đã tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trong đó chú trọng gặp gỡ và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao; tăng cường trao đổi đoàn chuyên ngành; giao lưu sỹ quan trẻ, cựu chiến binh; giao lưu văn hóa, văn nghệ...

Về đào tạo, hai bên đã hợp tác một cách có hiệu quả. Học viên quân sự hai nước sau thời gian học tập đã phát huy tốt kết quả học tập cũng như vai trò cầu nối hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Quan hệ hợp tác, phối hợp giữa Hải quân, Biên phòng và các quân khu giáp biên giới tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực. Thông qua các hình thức như tuần tra liên hợp trên biển và trên bộ, phối hợp diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển... đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới, đồng thời giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.

Các lĩnh vực hợp tác về công tác Đảng, công tác chính trị, phối hợp trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)… giữa quân đội hai nước thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh.

Về vấn đề trên Biển Đông, hai bên nhất trí quân đội phải là lực lượng gương mẫu đi đầu triển khai thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”. Hai bên lưu ý cần cảnh giác không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết và lợi ích chiến lược lâu dài giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, gây mất ổn định chính trị ở mỗi nước.

Hai đoàn đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam và PLA thống nhất thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực hợp tác nêu trong Nghị định thư giữa hai Bộ Quốc phòng; chú trọng tăng cường giao lưu cấp cao; mở rộng giao lưu các cấp, các ngành; giao lưu sỹ quan trẻ và cựu chiến binh; đào tạo cán bộ.

Quân đội hai nước tiếp tục hoàn thiện các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời nghiên cứu một số cơ chế mới bảo đảm cho các hoạt động ngày càng hiệu quả, đưa mối quan hệ giữa quân đội hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và tin cậy lẫn nhau hơn.

Quân đội hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân và quân đội hai nước; tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là cơ chế ADMM+, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, hợp tác và phát triển chung của khu vực.

Cuộc hội đàm đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau, nhận thức và đánh giá đúng, thực chất kết quả hợp tác quốc phòng giữa quân đội hai nước thời gian qua, thống nhất các hình thức giải quyết những vấn đề nảy sinh trên cơ sở nhận thức chung và các thỏa thuận đã được ký kết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.

Thay mặt Đoàn cán bộ quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Thượng tướng Trần Bỉnh Đức và cán bộ, chiến sĩ PLA đã tiếp đón, dành những tình cảm nồng ấm và quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đoàn hoạt động, điều đó thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác gắn bó giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước.

Được tận mắt chứng kiến sự phát triển trên đất nước Trung Quốc, Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã trân trọng mời Thượng tướng Trần Bỉnh Đức cùng các lãnh đạo khác của Quân ủy Trung ương cũng như PLA sang thăm Việt Nam./.

Theo TTXVN