Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

VN triển khai Công ước ASEAN về chống khủng bố


Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1087/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố.

Diễn tập chống khủng bố. (Nguồn: TTXVN)
Diễn tập chống khủng bố. (Nguồn: TTXVN)

Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố xác định nội dung công việc, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố.

Các nội dung thực hiện bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện thực tiễn xã hội của Việt Nam và nhằm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nước thành viên trong đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố.

Nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố ban hành kèm theo Quyết định số 1087/QĐ-TTg gồm 6 phần gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước và pháp luật về phòng, chống khủng bố; Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố; Hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong hành động phòng, chống khủng bố...

Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

Theo TTXVN

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Người Việt cần thức tỉnh



Khi biển Đông luôn vọng về những “âm thanh gây hấn” của Trung Quốc thì lòng yêu nước nồng nàn của người Việt ngày càng được thể hiện rõ ràng. Mỗi khi báo chí đưa tin về vấn đề biển Đông luôn thu hút số lượng người đọc khổng lồ trong và ngoài nước.

Điều đó đặt ra vấn đề hết sức nghiêm túc và cần thiết: báo chí và truyền thông cần làm gì cho người dân hiểu đúng bản chất vấn đề Biển Đông?

Công khai thông tin tranh chấp trên biển Đông đã đem lại những hiệu ứng tích cực.
Công khai thông tin tranh chấp trên biển Đông đã đem lại những hiệu ứng tích cực.

Bài học nào từ truyền thông Mỹ?


Không phải ai cũng từng đến nước Mỹ, không phải ai cũng nói và hiểu được tiếng Anh, nhưng hầu hết mọi người đều biết rằng có một nước Mỹ tồn tại theo cách dễ hình dung nhất. Một đứa trẻ 5 tuổi biết đến Mỹ qua bộ phim hoạt hình Tom và Jerry, chú chuột Mickey… Những học sinh, sinh viên biết đến Mỹ nhờ các kênh truyền hình như CNN, HBO… Còn những người lớn tuổi hơn, họ bàn về tình hình thế giới và chẳng thể bỏ qua một cường quốc như Mỹ.

Thực tế, Trung Quốc cũng đang áp dụng sức mạnh mềm này, khi liên tục tuyên truyền “bôi đen” rằng “Việt Nam chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của họ…” Và đa số người dân Trung Quốc đều tin vào luận điệu đó. Chính phủ Trung Quốc được mệnh danh là bậc thầy trong chiêu trò “biến thủ phạm thành nạn nhân”. Một số nhà báo, học giả Trung Quốc viết trên tờ Hoàn Cầu đã vẽ ra một hình ảnh đất nước Việt Nam như một tội đồ, để lừa dối chính nhân dân, quân đội họ và lừa dối cả thế giới”.

Một minh chứng rõ ràng nhất là cuộc chiến 1979 với người Việt Nam, truyền thông Trung Quốc có hàng ngàn bài báo xuyên tạc nhồi nhét vào đầu người Trung Quốc rằng đó là “chiến công oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc phản công quân Việt Nam xâm lược”. Đến giờ phút này, số người hiểu được thực chất cuộc chiến chỉ có 1%.

Dường như Trung Quốc đang cố dùng bộ máy truyền thông do Nhà nước kiểm soát để đưa những thông tin sai lệch về Việt Nam nhằm kích động dân chúng. Liệu Việt Nam có thể học được gì từ bài học truyền thông của Mỹ trong việc truyền bá và nâng cao hình ảnh đất nước, nhất là vấn đề chủ quyền biển Đông hiện nay?

Thức tỉnh


Nếu như trước đây người dân ít chú ý đến những thông tin về Biển Đông, sách báo cũng ít khi tuyên truyền rầm rộ. Thì giờ đây khi nói về vấn đề này đa số người dân Việt Nam đều bày tỏ tình cảm yêu nước của mình. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, họ chỉ mới có tình yêu nước nồng nàn mà thiếu sự am hiểu về vấn đề này. Họ cũng bày tỏ khát vọng được tìm hiểu sâu sắc, đầy đủ bản chất về vấn đề Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề nhận thức của nhân dân về biển Đông hiện nay, Tiến sĩ Trần Công Trục- Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ khẳng định: “Nhận thức về Biển Đông của người dân Việt mới chỉ được đánh thức còn tỉnh hay chưa, theo tôi là chưa tỉnh”.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, Nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cho rằng: “Chúng ta chưa tuyên truyền bài bản về vấn đề biển Đông nên người dân chưa có điều kiện để hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề này. Lòng yêu nước rất đáng quý, đáng trân trọng nhưng cần phải được trang bị hiểu biết về vấn đề Biển Đông một cách đầy đủ, cần hiểu bản chất vấn đề này thì mới có thể đấu tranh hiệu quả cho chủ quyền Tổ quốc”.

“Các tạp chí chuyên môn hiện nay thiếu vắng những bài viết của người Việt. Các du học sinh Việt Nam rất lúng túng khi trao đổi về chủ quyền biển đảo ở biển Đông”. (Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã)

Đưa thông tin lan tỏa khắp thế giới


Thời gian qua Trung Quốc đã lợi dụng truyền thông như một cỗ máy nói dối để bóp méo sự thật. Trong khi Việt Nam laị chưa khai thác triệt để sức mạnh mềm của truyền thông. Theo đó, các cơ quan ngôn luận cần tập trung truyền tải những thông tin đầy đủ, chính xác về chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý, các Công ước và luật pháp quốc tế. Từ đó người dân Việt Nam nhận thức rõ ràng việc bảo vệ chủ quyền Biển Đông là sự nghiệp của toàn dân tộc. Khi nắm được lịch sử Biển Đông và hiểu luật pháp quốc tế, người dân sẽ vững tin vào điều đó. Thuận được lòng dân, chúng ta sẽ làm được tất cả. Sự hiểu biết, đoàn kết của nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh mà không một thế lực nào có thể phá vỡ được”.

Hơn lúc nào hết, chúng ta nên đẩy mạnh việc tuyên truyền về lòng yêu nước, lịch sử biển Đông trong trường học. Ngoài ra cần cổ vũ các học giả viết, xuất bản, công bố sách, báo về những chứng cứ lịch sử của biển Đông. Không chỉ tuyên truyền bằng tiếng Việt mà bằng ngôn ngữ của nhiều quốc gia khác như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… và đưa lên mạng internet để lan tỏa khắp thế giới. Cho người dân Việt Nam, thế giới và đặc biệt là nhân dân Trung Quốc hiểu rõ hơn về bản chất sự thật.

Bạch Dương - Nguyễn Tấn Dũng

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Nghị quyết 8


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO và Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá nghị quyết 8
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá nghị quyết 8

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị.

Tháng 1/2007, Việt Nam chính thức trở thành Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngay sau đó, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X, tháng 2/2007, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 08.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cụ thể hóa 10 nhóm nhiệm vụ lớn của Nghị quyết 08 thành 12 nhóm nhiệm vụ và 75 nhiệm vụ chủ yếu với 131 hành động cụ thể được giao cho các bộ ngành và các địa phương triển khai thực hiện.

Sau 5 năm gia nhập WTO và cũng là 5 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ – TW và Nghị quyết 16/2007/NQ – CP, nước ta đang chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ở mức độ cao và sâu sắc hơn. Đây là thời điểm cần có đánh giá toàn diện việc thực hiện 2 Nghị quyết trên nhằm kiểm điểm lại toàn diện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đề ra phương hướng cho hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới.

Với mục tiêu trên, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 16/2007/NQ – CP để từ đó thấy được các mặt được, hạn chế và nguyên nhân, phương hướng thực hiện cho các năm tiếp theo khi chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm, đánh giá cho được những thành tựu, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 08. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị sẽ nghe Báo cáo của Bộ Công Thương về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 16/2007/NQ – CP; Báo cáo của Bộ Ngoại giao về việc triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra; nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Dự thảo Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; nghe các tham luận của một số đại diện cơ quan Trung ương, Bộ ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn kinh tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp…

Xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới


Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 và cũng là 5 năm chúng ta gia nhập WTO, Nghị quyết 08 đã đạt được những kết quả to lớn và thiết thực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Bước vào thời kỳ mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, cần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Các đại biểu dự Hội nghị. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu dự Hội nghị. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã chuyển trọng tâm từ phá bỏ thế cô lập về kinh tế để hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu sang việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ và đã có thể có đánh giá tương đối toàn diện và chi tiết tác động của các cam kết gia nhập. Trên bình diện khu vực, ta cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015.

Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán hoặc chuẩn bị đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, triển khai khuôn khổ ASEAN về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm, đánh giá cho được những thành tựu đã đạt được để phát huy, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 08.

Đồng thời, làm rõ bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, từ đó đề ra các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp chủ động đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

Nguyễn Hoàng

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

‘Giặc’ đang ở bên trong Đảng, bên trong Nhà nước


Chúng ta chưa hiểu thật sâu sắc, thấu đáo ba từ “giặc nội xâm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng hiểu nó là thứ giặc xâm lược ở bên trong, nhưng “bên trong” của chủ thể nào? 

'Giặc' đang ở bên trong Đảng, bên trong Nhà nước
'Giặc' đang ở bên trong Đảng, bên trong Nhà nước

Ngày 9.8, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo nhằm chuẩn bị sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá VN vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng...

Ông Lê Văn Lân - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng - cho biết, trước đây tham nhũng chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, nhưng nay tình trạng đã phổ biến ngay cả trong các lĩnh vực được coi là đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh và cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, công an, viện kiểm sát.

Phân tích nguyên nhân, ông Lân cho rằng: Cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống; Luật Phòng, chống tham nhũng quy định phải công khai minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ như: Trong quy hoạch sử dụng đất đai; dự án ngân sách đầu tư, mua sắm công; công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như các quyết định điều tra, truy tố xét xử. Độc đoán, chuyên quyền, vi phạm quyền dân chủ diễn ra nhiều nơi. Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng thanh tra Chính phủ - cho rằng: Thể chế quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch, chưa xóa cơ chế xin – cho, là điều kiện dung dưỡng tham nhũng ở các lĩnh vực. Hội thảo dành nhiều thời gian bàn việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhưng chưa tìm được biện pháp nào hữu hiệu để chống kê khai gian dối. Về vấn đề này, GS-TS Đinh Văn Mậu cho rằng, ở nước ta chưa có cách gì kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức chuyển cho người thân, gia đình. GS-TS Oleksandr Kopylenko - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ukraina (quốc gia được xếp vào hàng tham nhũng nghiêm trọng hơn VN) - chia sẻ: “QH hoàn toàn có thể thông qua những đạo luật có nội dung tốt nhất để chống tham nhũng. Nhưng những đạo luật như vậy sẽ không có tác dụng nếu nó không được thực thi trong cuộc sống”.

Đến đây có thể thấy, cuộc hội thảo có phần lúng túng trong việc tìm ra những nội dung cần phải sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, nhưng có vấn đề còn quan trọng hơn, đó là thực tế của chúng ta và cả nước bạn Ukraina: Luật dù tốt đến mấy “cũng không có tác dụng nếu nó không được thực thi trong cuộc sống”! Vậy thì những điều cuộc hội thảo xới lên chỉ là cái ngọn, nếu không giải quyết được cái gốc thì mọi chuyện sẽ không thể thay đổi. Vậy cái gốc là gì?

Chúng ta chưa hiểu thật sâu sắc, thấu đáo ba từ “giặc nội xâm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng hiểu nó là thứ giặc xâm lược ở bên trong, nhưng “bên trong” của chủ thể nào? Phải tìm cách nói bóng bẩy là “có một bộ phận không nhỏ”... để tránh nói thẳng là “giặc” đang ở bên trong Đảng, bên trong Nhà nước. Vậy chiếc ô nào che chở, dung dưỡng “giặc” đó? Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần nhắc lại nội dung này: “Bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt, vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở” (NXB CT QG, 2002, tập 6, trang 436). Quan liêu là quan lại phong kiến, là “phụ mẫu quan”, tức là hoàn toàn không có dân chủ. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hai lần nhắc ý kiến này:”Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ” (Toàn tập, ST,1986, T6, trang 271 và 285). Nhân loại đã đúc kết “phải có quyền lực mới tham nhũng”. Đó là điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ”, để tham nhũng được, kẻ nắm công quyền phải thoát ra được sự kiểm soát quyền lực của hệ thống.

Do đó, hệ thống nào huy động được cao nhất tai mắt, trí tuệ của nhân dân thì sẽ có khả năng kiểm soát lạm quyền, chống tham nhũng hiệu quả nhất. Hệ thống nào quyền lực tập trung vào một số người, không có cơ chế kiểm soát quyền lực; không coi pháp luật là tối thượng; nhân dân không còn tin vào công lý thì tham nhũng mau chóng sinh sôi. Trong kinh tế, tình trạng can thiệp không đúng của cấp ủy Đảng và chính quyền vào hoạt động kinh doanh là điều kiện để các quan tham có thể tùy tiện thọc tay vào doanh nghiệp. Tình trạng đã có luật mà không được thi hành; chưa có cách ngăn chặn kê khai tài sản gian dối; chưa bắt buộc được mọi việc phải công khai, minh bạch; kể cả chưa ngăn chặn được tình trạng “vi phạm quyền dân chủ”, tất cả đều có chung một đơn thuốc: Dân chủ!

TỐNG VĂN CÔNG (LAO ĐỘNG ONLINE)

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Đài VOA và diễn biến hòa bình của Mỹ


"Chúng ta cần hết sức cố gắng khoét sâu những rạn nứt giữa những người lãnh đạo của tập đoàn cộng sản khiến cho họ bất mãn và nghi ngờ lẫn nhau. Chúng ta cần thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc, khuyến khích sự hồi phục tình cảm tôn giáo đằng sau bức màn sắt".

Dai tieng noi Hoa Ky - VOA
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America - VOA) được thành lập tháng 2-1942, là đài phát thanh đối ngoại lớn nhất nước Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2, Đài tiếng nói Hoa Kỳ trực thuộc Cục tình báo thời chiến của Mỹ.

VOA và chiến lược Diễn biến hòa bình


Tháng 8-1953, để tiến hành chiến tranh tâm lý trên toàn cầu, nước Mỹ đã thành lập cục thông tin, và Đài VOA dần dần được chuyển cho cục này lãnh đạo.

Đài trưởng do Tổng thống Mỹ trực tiếp bổ nhiệm, các ban quan trọng hâu như đều do quan chức ngoại giao Mỹ đảm nhiệm. Đài còn thành lập Phòng nghiên cứu chính sách do chính phủ ủy nhiệm, chuyên phụ trách, chỉ đạo chính dách tuyên truyền đưa tin.

Kinh phí của Đài do chính phủ trợ cấp và số lượng kinh phí ngày càng tăng. Năm 1986, là 160 triệu đô la, 1988 là 300 triệu đô la. Đây là đài phát thanh quốc tế duy nhât mang tính toàn cầu của Chính phủ Mỹ, hoạt động 24/24 bằng 44 thứ tiếng, làn sống của nó hầu như phủ khắp mọi nơi trên thế giới.

Các nước tư bản chủ nghĩa chủ yếu của Phương tây đều sử dụng đài phát thanh để tuyên truyền bịa đặt mê hoặc quần chúng, phá hoại đoàn kết và ổn định trong nội bộ các nước XHCN, ca ngợi quan điểm giá trị và lối sống phương Tây, tiến hành xâm nhập chính trị và tư tưởng vào các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong một văn kiện của Nghị viện Mỹ đa tuyên bố: “Đài phát thanh là thủ đoạn duy nhát đủ để lật đổ chế độ XHCN”. Họ cho rằng, tác dụng của đài phát thanh còn quan trọng hơn việc bố trí các dàn tên lửa. Cho nên, giai cấp tư ban lũng đoạn Phương Tây và các thế lực phản động không tiếc bỏ ra một khối lượng lớn nhân lực vật lực, tài lực để xây dựng rất nhiều đài phát thanh lớn mang tính chất toàn cầu và phát động cuộc chiến tranh tâm ký hướng vào các nước XHCN. Âm mưu bắt chúng ta làm tù binh về tư tưởng, nhằm mở đường cho Diễn biến hòa bình. Đài VOA chính là công cụ thực hiện chiến lược Diễn biến hòa bình của chính phủ Mỹ.

Tháng 9 năm 1981, phó trưởng đài VOA đã viết: “Chúng ta cần phá hoại sự ổn định của Liên Xô và các nước vệ tinh, làm nẩy sinh sự bất hòa giữa nhân dân và chính phủ của họ. Chúng ta cần hết sức cố gắng khoét sâu những rạn nứt giữa những người lãnh đạo của tập đoàn cộng sản khiến cho họ bất mãn và nghi ngờ lẫn nhau. Chúng ta cần thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc, khuyến khích sự hồi phục tình cảm tôn giáo đằng sau bức màn sắt”. Đây được xem như là lời tự thú rõ ràng nhất của VOA, và sự thực đúng là như vậy. …

Ba Lan là một ví dụ điển hình, năm 180, khi nổ ra phong trào công nhân Ba Lan và công đoàn Đoàn kết ra đời. VOA tỏ ra nhiệt tình hiếm thấy, ngày đêm liên tục đưa tin về các cuộc bãi công ở các nơi của Ba lan và phát lại những bài nói của người lãnh đạo công đoàn Đoàn kết. Hơn nữa, nó còn tự nhận là “mưu sĩ” và “cố vấn” cho công đoàn Đoàn kết, vạch ra mưu sách cho chúng.

Theo thống kê, chỉ trong vòng một tháng đầu của phong trào công đoàn Ba Lan, các báo chí chủ yếu của phương Tây đãn đăng tải trên 3000 bài “phân tích” và “dự báo” về cục diện Ba Lan, những bào báo này lại thông qua miệng của phát thanh viên VOA thao thao bất tận rót vào tai người dân Ba Lan, làm nhiễu loạn nhân tâm và nguy hại đến sự ổn định của xa hội. Vì thế mà chính phủ Ba Lan đãn buộc phải ra tuyên bố nhiề lần phê phán mạnh mẽ sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Ba Lan của các đài phát thnah phương Tây. …

Tháng 2 năm 1987, trong diễn văn chào mừng nhân ngày kỷ niệm 45 năm thành lập Đài VOA, Tổng thống Reagan đã gọi đài này là “lực lượng phi quân sự to lớn, là “lực lượng châm lửa trong xã hội Cộng sản đen tối”.

Một số thông tin thêm về đài VOA


VOA được thành lập năm 1942 thuộc Văn phòng Thông tin thời chiến với những chương trình tuyên truyền nhằm vào khu vực châu Âu bị chiếm đóng bởi Đức và khu vực Bắc Phi.

VOA bắt đầu phát thanh vào ngày 24 tháng 2 năm 1942. Các trạm phát sóng được VOA sử dụng lúc đó là các trạm phát sóng ngắn của Hệ thống phát thanh Columbia (CBS) và Công ty phát thanh quốc gia (NBC). Đài Tiếng nói Hoa Kỳ bắt đầu phủ sóng phát thanh trên lãnh thổ Liên Xô vào ngày 17 tháng 2 năm 1947.

Theo luật pháp Hoa Kỳ thì Đài Tiếng nói Hoa Kỳ bị cấm phát thanh trực tiếp tới công dân Mỹ. Nhiều phát thanh viên của đài này như Willis Conover, Pat Gates và Judy Massa đã trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng họ lại không được biết đến ngay tại chính đất nước mình. Tuy vậy các chương trình của VOA trên sóng ngắn và Internet có thể nghe được tại Mỹ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, VOA được đặt dưới quyền giám sát của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ. VOA khi đó dính dáng đến các chương trình phát thanh mang tính tuyên truyền.

Vào thập niên 1980, VOA tăng thêm dịch vụ truyền hình cũng như các chương trình khu vực đặc biệt nhắm vào Cuba như Radio Marti và TV Marti.

VOA hiện nay nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Phát thanh Quốc tế (IBB), là một bộ phận của Ủy ban Phát thanh chính quyền (BBG). Điều này dẫn đến sự tranh cãi về mức độ độc lập của các chương trình thông tin của VOA đối với các đường lối chính sách của chính quyền (Hoa Kỳ). IBB sử dụng một loạt mạng lưới truyền thông trên toàn thế giới. Các trạm trong nước đặt tại Greenville ở Bắc Carolina và Delano ở California. Bên ngoài Mỹ, IBB có trạm tiếp vận đặt tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hy Lạp, Philippines, São Tomé và Príncipe, Kuwait và Thái Lan. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hiện nay phát thanh bằng hơn 50 thứ tiếng, bao gồm cả tiếng Anh đặc biệt (tiếng Anh với từ vựng và ngữ pháp được đơn giản hóa).

Các đài phát thanh "anh em" với VOA, được quản lí bởi IBB hoặc trực tiếp bởi BBG: Radio Marti nhằm vào Cuba Radio Sawa nhằm vào các thính giả trẻ của thế giới Ả Rập Radio Free Europe/Radio Liberty và Radio Free Asia nhằm vào các nước Xã hội chủ nghĩa cũ và các nước mà họ xem là "bị áp bức" tại châu Âu, châu Á và Trung Đông

Theo Reds.vn

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Giả công điện Thủ tướng để lừa đảo


Sau khi làm giả công điện đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 380 triệu đồng của nhiều người.
Ngày 8/8, thượng tá Trần Quang Thắng, trưởng Phòng an ninh điều tra Công an TP Cần Thơ, cho biết đã có kết quả điều tra vụ án giả công điện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quyết định của thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN đối với Tống Văn Bình (33 tuổi, ngụ tại Cần Thơ). Đồng thời chuyển hồ sơ cho Công an quận Ninh Kiều điều tra, truy tố theo thẩm quyền.
Tháng 5/2011, Bình đến tiệm Internet ở TP Long Xuyên, lên mạng tìm những mẫu công điện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tải về và đánh máy, chỉnh sửa nội dung là chi cho Bình 178,5 tỉ đồng rồi in ra giấy (để trống phần mộc, dấu và chữ ký). Sau đó Bình in văn bản khác có sẵn mộc, dấu và chữ ký của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng che bỏ phần nội dung, chỉ lấy phần mộc, dấu và chữ ký, rồi photo đè lên phần để trống của công điện vừa làm. Tiếp đó, cũng với cách làm trên, Bình làm thêm một quyết định của Ngân hàng Nhà nước chi cho Bình số tiền trên.
Sau khi có được “bảo bối” trong tay, Bình đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Bình nói dối là sắp có một số tiền lớn từ ngân hàng và cho mọi người xem công điện giả, đồng thời bịa ra nhiều công việc cần tiền như đi Hà Nội lo thủ tục nhận tiền, tiếp khách, lo lót cho mấy “sếp”… để mọi người đưa tiền cho Bình mượn. Bằng thủ đoạn này, Bình đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 380 triệu đồng.
Theo Tuổi trẻ

Tạo dựng sức mạnh từ tình đoàn kết ASEAN


Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN, ngày 7-8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu về cột mốc có ý nghĩa đặc biệt này, đánh dấu một chặng đường xây dựng và trưởng thành của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Bốn thập kỷ rưỡi không ngừng mở rộng hợp tác và đẩy mạnh liên kết, ASEAN đã tạo dựng được vị thế quan trọng ở khu vực và trên thế giới với những đóng góp tích cực được ghi nhận cho hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Ngày nay, trước ngưỡng cửa hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về chất thông qua các nỗ lực tăng cường hợp tác và liên kết nội khối trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, song song với thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời mở rộng và nâng tầm quan hệ nhiều mặt, cùng có lợi với các đối tác bên ngoài, trong đó có các cường quốc và trung tâm lớn trên thế giới. ASEAN đã trở thành hạt nhân dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)..., là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng yếu tố quyết định hàng đầu giúp tạo nên hình ảnh và vị thế mà ASEAN có được chính là khả năng duy trì “thống nhất trong đa dạng”, tạo dựng sức mạnh chung từ tính thống nhất, tinh thần đoàn kết và “Phương cách ASEAN”. Theo đó, ASEAN luôn đề cao đồng thuận, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng quan tâm và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Sức mạnh của tình đoàn kết ASEAN đã được chứng minh khi hiệp hội vững vàng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, phối hợp và chia sẻ trong khắc phục hậu quả những trận thiên tai, dịch bệnh lớn tác động đến khu vực...

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, trước hết là đưa cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực vào năm 2015, ASEAN cần vận dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn sự thống nhất trong quyết tâm chung và hành động mạnh mẽ nhằm hoàn thành đúng hạn và hiệu quả các kế hoạch hợp tác trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội trong lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Giữ vững các nguyên tắc cơ bản, đoàn kết, thống nhất song song với chủ động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề đặt ra trên chặng đường phát triển mới, nhất là các thách thức đối với hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Các tiến trình đối thoại về xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và ngăn ngừa xung đột cần được tiếp tục thúc đẩy; các cam kết đã được quy định trong các văn kiện như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)... cần được thực hiện nghiêm túc; các khác biệt, tranh chấp cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và tinh thần đoàn kết ASEAN.

Thủ tướng khẳng định ASEAN đã và sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của VN.

Theo TTXVN