Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm


Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ rõ, từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước.
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã họp dưới sự chủ trì của Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Đồng chí Trần Đại Quang: Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Đồng chí Trần Đại Quang: Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Các đại biểu dự cuộc họp thống nhất đánh giá, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Tây Nguyên đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh vô hiệu hóa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng của bọn phản động FULRO; tập trung bảo đảm an ninh nông thôn, xử lý kịp thời một số vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện đất đai, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc tổ chức bám dân, nắm tình hình, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự…
Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về Tây Nguyên, nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.
Đồng chí Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, cần giải quyết tốt vấn đề đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập; hỗ trợ cây, con giống, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm để đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào kinh tế mới, số di cư tự do đang gặp khó khăn, để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc di dân tự do.
Về phương hướng công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thời gian tới, đồng chí Trần Đại Quang nêu rõ, để giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, phải tổ chức tốt công tác nắm tình hình, phân tích và dự báo đúng tình hình, đặc biệt là nắm tình hình từ xa, từ bên ngoài và tại cơ sở để kịp thời đề xuất các chủ trương, giải pháp, đối sách chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Cùng với đó, cần khẩn trương giải quyết các vụ việc tranh chấp khiếu kiện đất đai có liên quan đến tôn giáo, dân tộc; kiên quyết xử lý các hoạt động lợi dụng khiếu kiện để gây rối, phá hoại. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Tây Nguyên với các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 160/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành, từng bước đưa sinh hoạt của đạo Tin lành vào quản lý bằng pháp luật, góp phần làm thất bại âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng của các thế lực thù địch.
Đồng chí Trần Đại Quang chỉ rõ, cần tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn làng, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy đảng, chính quyền từ các tỉnh đến cơ sở, đồng thời quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đảm bảo có đội ngũ kế cận trong 5-10 năm. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số theo phương châm: Kết hợp vừa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, vừa bồi dưỡng bổ sung kiến thức phổ thông để bảo đảm chuẩn về văn hóa, vừa đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị.
Đồng chí Trần Đại Quang khẳng định, việc ổn định, phát triển Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, gắn với khu vực trọng điểm miền Trung, Đông Nam Bộ, khu vực “tam giác phát triển” Việt Nam – Lào – Campuchia. Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Việt Nam cần sẵn sàng cho chiến tranh mạng


Gần đây, thông tin về sâu máy tính Flame có những khả năng gián điệp tinh vi hoành hành ở khu vực Trung Đông suốt 5 năm qua đã làm cho mối quan ngại về nguy cơ diễn ra các cuộc chiến tranh mạng hay xâm hại an ninh quốc gia thông qua không gian ảo ngày càng trở nên sâu sắc.
Trước đó, theo tờ The New York Times, sâu Stuxnet, một sản phẩm hợp tác giữa các cơ quan an ninh Israel và Mỹ, đã thành công trong việc chiếm quyền điểu khiển suốt một thời gian dài các máy tính vận hành các máy ly tâm có nhiệm vụ tinh chế uranium tại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran. Sâu Stuxnet được cho là đã thành công trong việc phá hỏng hàng trăm máy ly tâm ở cơ sở hạt nhân này bằng cách thay đổi tốc độ vận hành của máy, gây thiệt hại không nhỏ cho chương trình hạt nhân của Iran.

Chiến trường internet và an ninh quốc gia

Sâu Flame hay Stuxnet là những ví dụ điển hình cho thấy mạng internet ngày càng trở nên khắc nghiệt, và không gian ảo giờ đây đã trở thành một chiến trường mà ở đó các quốc gia cũng cần dành sự quan tâm thích đáng để có thể bảo vệ an ninh và sự thịnh vượng cho chính mình. Không như chiến trường thực tế, chiến trường trên không gian mạng không hề có tiếng súng nhưng tác động và sức tàn phá của nó không hề thua kém các loại vũ khí, bom đạn thông thường, như phát biểu gần đây của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William Lynn rằng: "Trong thế kỷ thứ 21, bit và byte có thể nguy hiểm như bom đạn vậy. Chỉ cần gõ bàn phím ở một quốc gia cũng có thể tác động đến phần còn lại của thế giới chỉ trong chớp mắt".
Quan trọng hơn, các cuộc tấn công trên không gian mạng vốn không có biên giới rất khó phát hiện, và nếu phát hiện ra cũng khó truy lùng nguồn gốc và quy trách nhiệm. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng làm cho các thách thức và nguy cơ từ internet đối với an ninh của các quốc gia ngày càng phức tạp hơn. Tất cả những điều này làm cho chủ quyền và an ninh của các quốc gia trên không gian mạng trở nên mong manh, dễ vỡ hơn bao giờ hết.
Việt Nam cần sẵn sàng cho chiến tranh mạng
Việt Nam cần sẵn sàng cho chiến tranh mạng
Đối mặt với tình hình đó, các quốc gia đã có những biện pháp khác nhau nhằm một mặt tăng cường bảo vệ an ninh thông tin của quốc gia mình, mặt khác tìm cách khai thác các công cụ trên internet để làm suy yếu an ninh của các quốc gia khác khi cần. Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc... đã cho ban hành Chiến lược quốc gia về an ninh mạng. Trong khi đó, Trung Quốc đã thiết lập đội đặc nhiệm an ninh mạng để đối phó với các cuộc tấn công từ internet. Tuy nhiên, cũng có các cáo buộc cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng những "chiến binh mạng" này để tiến hành các cuộc tấn công trên internet nhằm vào các quốc gia khác, đặc biệt là để phục vụ mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự và thương mại.

An ninh thông tin tại Việt Nam

Từ khi Việt Nam chính thức kết nối với mạng internet toàn cầu vào cuối năm 1997, internet ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò sâu rộng trong mọi mặt đời sống của đất nước. Điển hình như việc số lượng website cũng như tỉ lệ dân số sử dụng internet tại nước ta đã tăng mạnh trong vòng hơn mười năm qua. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và cải cách hành chính cũng đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ này của internet là nguy cơ ngày càng tăng của các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là nhắm vào các cơ quan nhà nước. Ví dụ, có báo cáo cho thấy trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 đã có hàng ngàn website tại Việt Nam bị đánh sập, trong đó bao gồm cả các website của các cơ quan nhà nước như cổng thông tin điện tử của các tỉnh Nam Định hay Hậu Giang. Việc một quốc gia có nền công nghệ khá tiên tiến như Iran đã bị sâu Stuxnet xâm nhập vào hạ tầng thông tin của một cơ sở an ninh trọng yếu suốt một thời gian dài cho thấy ở một quốc gia như Việt Nam, việc mạng máy tính của các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan trọng yếu, bị tin tặc nước ngoài xâm nhập là một khả năng không phải khó hình dung. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ an ninh thông tin, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước trọng yếu, trở thành một vấn đề hết sức quan trọng ở nước ta.
Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước ở nước ta đang gặp những thách thức không nhỏ. Đầu tiên, vấn đề ngân sách hạn chế gây khó khăn cho việc đầu tư thích đáng vào các giải pháp kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao khả năng bảo mật. Thứ hai, chính sách tiền lương hiện tại khó thu hút được những chuyên viên kỹ thuật giỏi, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực bảo mật, vào làm việc cho các cơ quan nhà nước. Thứ ba, ý thức từ các nhà lãnh đạo cho đến các chuyên viên trong các cơ quan nhà nước về vấn đề bảo mật và an toàn thông tin nhìn chung còn chưa cao. Thứ tư, các biện pháp của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giải quyết vấn đề an ninh thông tin ở cấp quốc gia còn thiếu bài bản, đồng bộ và hệ thống.

Một số giải pháp

Việt Nam cần có những biện pháp, chính sách phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề này trên tinh thần an ninh thông tin chính là linh hồn và nền tảng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Nếu không có an ninh thông tin, hạ tầng thông tin sẽ trở thành con dao hai lưỡi, có thể trực tiếp gây phương hại đến an ninh quốc gia.
Thứ nhất, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho việc đảm bảo an ninh thông tin ở các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trọng yếu về an ninh quốc gia, trên cả phương diện cơ sở vật chất lẫn con người. Các cơ quan cần được trang bị các thiết bị và phương tiện bảo mật phù hợp với mức độ nhạy cảm của thông tin mà họ xử lý, đồng thời có chính sách đặc biệt để thu hút những chuyên gia quản trị mạng, chuyên gia bảo mật giỏi... vào làm việc. Điều này rất quan trọng khi mà hiện tại những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này nếu làm việc ở khu vực tư nhân hay nước ngoài có thể có được thu nhập gấp nhiều lần so với khi làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, cần có biện pháp giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh thông tin cho không chỉ các chuyên viên mà cả lãnh đạo các cấp của các cơ quan thông qua các khóa tập huấn. Các lãnh đạo có nhận thức tốt về an ninh thông tin sẽ có các quyết định phù hợp nhằm đảm bảo an ninh thông tin cho cơ quan, bao gồm việc ban hành và thực thi các chính sách bảo mật, cũng như khi xem xét các khoản đầu tư cho việc đảm bảo an ninh thông tin. Trong khi đó, việc giáo dục ý thức bảo vệ an ninh thông tin cho nhân viên các cơ quan nhà nước cũng hết sức quan trọng, bởi ngay cả khi đã có các giải pháp kỹ thuật hoàn hảo thì con người vẫn là mắt xích yếu nhất trong việc đảm bảo an ninh thông tin. Ví dụ, việc click vào một đường link trong một email lạ, truy cập một trang web đen, hay công bố email cơ quan hoặc thông tin về nơi làm việc trên các trang mạng xã hội... đều là những việc làm có thể uy hiếp an ninh thông tin của một cơ quan. Đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần đưa chương trình giáo dục về an ninh thông tin vào chương trình đào tạo tiền công chức, và buộc các công chức mới ký cam kết tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an ninh thông tin trước khi tham gia làm việc tại cơ quan.
Thứ ba, chính phủ cần sớm ban hành chiến lược quốc gia về an ninh thông tin để định hướng cho việc đảm bảo an ninh thông tin không chỉ trong lĩnh vực nhà nước mà cả lĩnh vực tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ cần xác định một cơ quan đầu mối nhằm thực hiện thống nhất và hiệu quả chính sách quốc gia về an ninh thông tin, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước. Ví dụ ở Australia, Cơ quan Thám báo Quốc phòng (Defense Signal Directorate - DSD) thuộc Bộ Quốc phòng được giao là cơ quan đầu mối đảm bảo an ninh mạng cho Australia. DSD đã xây dựng Sổ tay An ninh Thông tin (Information Security Manual), trong đó xác lập các tiêu chuẩn kỹ thuật (thiết bị, thiết kế...), hay các quy trình, chính sách... liên quan đến an ninh thông tin áp dụng bắt buộc cho các cơ quan thuộc chính phủ liên bang. DSD cũng là cơ quan đầu mối giám sát và hợp tác quốc tế về an ninh thông tin quốc gia, đưa ra các cảnh báo về nguy cơ trên mạng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan đối phó hoặc điều tra các cuộc tấn công mạng. Đây cũng là mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo và học tập.
Việc Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện tại là một trong số ít các cơ quan cấp bộ ở Việt Nam cũng như các Bộ Quốc phòng trên thế giới không có website là một thực tế ít người biết nhưng không đáng ngạc nhiên. Khi mà các mối đe dọa trên mạng ngày càng nhiều nhưng khả năng bảo mật còn hạn chế thì việc một cơ quan trọng yếu về an ninh quốc gia lựa chọn đứng ngoài môi trường internet là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn tốt nhất trong một thế giới mà internet ngoài những mặt tiêu cực còn có thể mang lại những tác dụng tích cực to lớn. Trường hợp của Bộ Quốc phòng cũng là một ví dụ điển hình cho thấy Việt Nam còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa an ninh thông tin và sẵn sàng cho một tương lai nơi mà internet vừa là một phần không thể thiếu của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội đất nước, vừa có thể là một mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh quốc gia.

Singapore sẽ trở thành trọng tài xử tranh chấp biển Đông?


Bắc Kinh và Washington đều phải thừa nhận, với tư cách trung lập, không có tranh chấp, và hầu như cũng không có mâu thuẫn trực tiếp với các bên tranh chấp nên có khả năng Singapore dễ được các bên chấp nhận hơn.
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị trọng tài thương mại quốc tế (ICCA) lần thứ 21 tổ chức tại Singapore ngày 10/6, Thủ tướng nước chủ nhà, ông Lý Hiển Long cho biết, Singapore đã đạt được những thành tích rõ rệt trong lĩnh vực phát triển và mở cửa dịch vụ pháp lý, mục tiêu tiếp theo của quốc đảo này là nỗ lực trở thành trung tâm trọng tài quốc tế.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh chiêng khai mạc hội nghị ICCA 2012 dưới sự chứng kiến của Chủ tịch ICCA, giáo sư Jan Poulsson và Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore, giáo sư Michael Pryles
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh chiêng khai mạc hội nghị ICCA 2012 dưới sự chứng kiến của Chủ tịch ICCA, giáo sư Jan Poulsson và Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore, giáo sư Michael Pryles
Hội nghị trọng tài thương mại quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở một quốc gia Nam Á, quy tụ hơn 1000 đại biểu đến từ 59 quốc gia. Ông Lý Hiển Long nhận định, việc lựa chọn Singapore làm địa điểm đăng cai hội nghị thể hiện sự khẳng định của cộng đồng đối với vai trò của Singapore trong lĩnh vực này.
“Singapore có ưu thế về mặt địa lý để trở thành một trung tâm trọng tài quốc tế”, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh, “vì bất cứ công ty nào đều muốn tìm một địa điểm trung gian trung lập, không nhất định phải là nơi đứng chân của doanh nghiệp đó hoặc quốc gia đặt ra các quy định pháp luật”.

Ngoài ra, lợi thế thứ 2 của quốc đảo Singapore được Thủ tướng Lý Hiển Long phân tích chính là nền tư pháp Singapore. Ông chỉ ra, tòa án Singapore ủng hộ trình tự công tác trọng tài quốc tế, đồng thời chấp nhận sự phán quyết của các tòa án trọng tài giúp tranh chấp nhanh chóng được giải quyết.
Ông Lý Hiển Long phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị ICCA 2012 với trọng tâm xây dựng Singapore thành một trung tâm trọng tài quốc tế
Ông Lý Hiển Long phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị ICCA 2012 với trọng tâm xây dựng Singapore thành một trung tâm trọng tài quốc tế
Mặt khác sự mở cửa của Singapore cho phép các bên tranh chấp tự do lựa chọn trọng tài cho mình, đồng thời tại Singapore họ có thể áp dụng các chế tài pháp lý của bất cứ địa phương nào. Các trọng tài người nước ngoài khi tác nghiệp tại Singapore không cần cấp phép và không phải nộp thuế.
Ngoài ra, Singapore đang rất tích cực nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trên nhiều phương diện để giúp quốc đảo này trở thành một trung tâm trọng tài quốc tế.

Singapore đã đầu tư xây dựng Trung tâm hòa giải tranh chấp tổng hợp quốc tế Maxwell Chambers với nhiều thiết bị hiện đại như máy phiên dịch và ghi thông tin trực tiếp.
“Một mặt Singapore phát triển các tổ chức trọng tài trong nước như Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), viện Trọng tài biển Singapore”, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, “mặt khác chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện, đổi mới hệ thống pháp luật.”

Hiện nay các phán quyết của tòa án trọng tài Singapore được chấp hành tại 140 quốc gia trên thế giới. Chính những nỗ lực này khiến cho vị thế của Singapore ngày một nâng cao.
Tòa nhà Maxwell Chambers nơi chính phủ Singapore đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore
Tòa nhà Maxwell Chambers nơi chính phủ Singapore đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore

Văn phòng luật sư White & Case của Mỹ năm 2010 đã từng điều tra và cho biết, trong số các điểm trọng tài quốc tế được lựa chọn nhiều nhất, Singapore và Paris, Tokyo cùng xếp thứ 3, chỉ sau London và Geneva.
Ngoài ra, nếu xét về tổ chức trọng tài quốc tế được lựa chọn nhiều nhất thì Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore xếp vị trí thứ 4. Ông Lý Hiển Long cho biết, Singapore sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố và nâng cao vị thế trung tâm trọng tài quốc tế của mình.
Nhà lãnh đạo này khẳng định: “Dịch vụ pháp lý, bản thân nó cũng là một cơ hội kinh tế chứ không chỉ đơn thuần là một sự hỗ trợ đối với các ngành công nghiệp khác”, ngoài ra ông cho biết, “Chúng tôi hy vọng rằng các tổ chức pháp lý (trọng tài) của Singapore không chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý cho 3 triệu dân Singapore, mà còn phục vụ các công ty trong khu vực, thậm chí vươn ra châu Á và toàn thế giới”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được dư luận giới quan sát đánh giá rất cao về tư duy, tầm nhìn chiến lược dài hạn, đón đầu xu thế
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được dư luận giới quan sát đánh giá rất cao về tư duy, tầm nhìn chiến lược dài hạn, đón đầu xu thế
Ngay từ 10 năm trước Singapore đã mở cửa dịch vụ pháp lý bằng việc đề ra kế hoạch thành lập Vụ luật sư chuẩn (Joint Law Venture) phù hợp yêu cầu của Liên minh luật pháp (Formal Law Alliance).

Chỉ vài năm trước đây, Singapore tiếp tục đưa ra kế hoạch thành lập Trung tâm sự vụ pháp lý chuẩn quốc tế (Qualifying Foreign Law Practice) để cho phép các phòng Sự vụ luật sư nước ngoài có thể xử lý nhiều vụ tranh chấp thương mại hơn.

Cùng với việc đăng cai tổ chức đối thoại an ninh Shangri-La thu hút sự tham dự của các tướng lĩnh quân đội, học giả và phóng viên 28 quốc gia hồi đầu tháng 6 vừa qua, Singapore tổ chức thành công hội nghị Trọng tài thương mại quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Nam Á cho thấy vị thế quốc đảo này đang lên cao.
Không chỉ thành công trong việc tổ chức đối thoại Shangri-La và biến nó thành diễn đàn an ninh số một trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, Singapore còn nỗ lực đón đầu xu thế, phát triển thành trung tâm trọng tài quốc tế trong bối cảnh nguy cơ mâu thuẫn, xung đột lợi ích ngày càng dâng cao
Không chỉ thành công trong việc tổ chức đối thoại Shangri-La và biến nó thành diễn đàn an ninh số một trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, Singapore còn nỗ lực đón đầu xu thế, phát triển thành trung tâm trọng tài quốc tế trong bối cảnh nguy cơ mâu thuẫn, xung đột lợi ích ngày càng dâng cao
Chiến lược phát triển Singapore thành một trung tâm trọng tài quốc tế được Thủ tướng Lý Hiển Long đề cập thể hiện tầm nhìn đón đầu xu thế, nhạy bén với thời cuộc và hết sức tinh tường của lãnh đạo Singapore nhằm phát triển quốc đảo này thành một trung tâm của khu vực đầy năng động và biến động.
Trong bối cảnh trọng tâm nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển về khu vực châu Á – Thái Bình Dương khiến ngay cả Mỹ cũng phải điều chỉnh chiến lược phát triển một liên minh sức mạnh mới tại khu vực này, châu Á – Thái Bình Dương đang thực sự biến đổi mau lẹ, hứa hẹn nhiều tiềm năng và cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ về các mối xung đột lợi ích.
Nắm được xu thế ấy, Singapore với nhiều lợi thế - vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng phát triển cao, quan điểm trung lập và hầu như không có mâu thuẫn hay “tì vết nào” trong quan hệ với các nước ASEAN cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có thể coi đó là điều kiện lý tưởng cho vai trò trọng tài quốc tế.

Vấn đề nổi cộm hiện nay trong khu vực chính là tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa 5 nước, 6 bên (Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan) đã và đang trở thành một điểm nóng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bất ổn do những mối xung đột lợi ích cộng với những toan tính độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Trưởng đoàn Trung Quốc dự đối thoại Shangri-La 11, trung tướng Nhiệm Hải Tuyền. Bằng việc hạ cấp độ trưởng đoàn cũng như một loạt động thái trước, trong và sau đối thoại Shangri-La, Bắc Kinh dường như đang muốn "hạ bệ" ảnh hưởng của đối thoại này nhưng đó là điều phi thực tế
Trưởng đoàn Trung Quốc dự đối thoại Shangri-La 11, trung tướng Nhiệm Hải Tuyền. Bằng việc hạ cấp độ trưởng đoàn cũng như một loạt động thái trước, trong và sau đối thoại Shangri-La, Bắc Kinh dường như đang muốn "hạ bệ" ảnh hưởng của đối thoại này nhưng đó là điều phi thực tế
Chính vì vậy, chiến lược phát triển trung tâm trọng tài quốc tế của Singapore có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực, nó không chỉ có lợi cho bản thân quốc đảo này mà ở mức độ nào đó Singapore sẽ có khả năng đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên, và cũng không phải đợi đến thời điểm này cả Mỹ và Trung Quốc mới nhận ra vai trò, vị thế của Singapore và tìm mọi cách tác động, ảnh hưởng đến “trọng tài trung lập” này.

Trước thềm đối thoại an ninh Shangri-La 2 ngày, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tổ chức tại Phnom-penh, Campuchia ngày 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Lương Quang Liệt đã có buổi tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore.
Ông Lương Quang Liệt đại diện chính phủ Trung Quốc "cho không" Campuchia 19 triệu USD để hiện đại hóa quân đội trong thời điểm Campuchia giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN
Ông Lương Quang Liệt đại diện chính phủ Trung Quốc "cho không" Campuchia 19 triệu USD để hiện đại hóa quân đội trong thời điểm Campuchia giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN
Trước đó ông Liệt vừa đại diện chính phủ Trung Quốc ký hiệp định viện trợ không hoàn lại 19 triệu USD cho Campuchia - nước đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN, ngày hôm sau ông Liệt đã nói riêng với người đồng nhiệm Singapore:
“Trung Quốc sẽ trước sau như một ủng hộ vai trò mang tính xây dựng đặc biệt mà Singapore đã phát huy trong các sự vụ của khu vực cũng như quốc tế, đồng thời (Trung Quốc) cũng hy vọng phía Singapore ủng hộ Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến lợi ích to lớn của Trung Quốc”.

Kế đó, khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Lương Quang Liệt đổ lỗi hoàn toàn cho Philippines về vụ căng thẳng bãi cạn Scarborough. Ngoài ra, ông có 45 phút tuyên bố quan điểm phản đối đưa tranh chấp biển Đông (khu vực Trường Sa) ra trọng tài quốc tế, phản đối đàm phán đa phương và can dự của bên thứ 3 với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.
Ông Lương Quang Liệt bắt tay người đồng cấp Singapore, Bộ trưởng Ng Eng Hen khi ông tham dự đối thoại Shangri-La năm 2011
Ông Lương Quang Liệt bắt tay người đồng cấp Singapore, Bộ trưởng Ng Eng Hen khi ông tham dự đối thoại Shangri-La năm 2011
Ông chủ Lầu Năm Góc đề cập đến việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Singapore khi gặp và làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Ng Eng Hen bên lề đối thoại Shangri-La. Hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ phái 4 tàu chiến tới Singapore và sử dụng cảng khẩu của nước này, chiếc đầu tiên sẽ tới Singapore trong quý 2 năm 2013.

Sau khi đồng ý với đề xuất trên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta, ông Ng Eng Hen dự định sẽ sớm đi thăm Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đồng thời trao đổi kỹ hơn về những vấn đề đặt ra khi ông tiếp đoàn đại biểu Trung Quốc dự Shangri-La.

Từ những diễn biến mới hiện nay có thể thấy rằng Singapore đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực biển Đông mà dù muốn hay không, Bắc Kinh và Washington đều phải thừa nhận, với tư cách trung lập, không có tranh chấp, và hầu như cũng không có mâu thuẫn trực tiếp với các bên tranh chấp nên có khả năng Singapore dễ được các bên chấp nhận hơn.
Căng thẳng Scarborough đã khiến nông dân và ngành công nghiệp xuất khẩu nông sản Philippines điêu đứng vì những biện pháp hạn chế (thực tế là cấm) nhập khẩu của Trung Quốc. Một tổ chức trọng tài quốc tế đứng ra giải quyết là điều cần thiết trong những vụ dùng thủ đoạn thương mại gây sức ép chính trị như thế này
Căng thẳng Scarborough đã khiến nông dân và ngành công nghiệp xuất khẩu nông sản Philippines điêu đứng vì những biện pháp hạn chế (thực tế là cấm) nhập khẩu của Trung Quốc. Một tổ chức trọng tài quốc tế đứng ra giải quyết là điều cần thiết trong những vụ dùng thủ đoạn thương mại gây sức ép chính trị như thế này
Quan điểm giải quyết tranh chấp biển Đông (khu vực quần đảo Trường Sa) giữa Trung Quốc với các bên khác biệt gần như đối lập, khó có thể khiến Bắc Kinh chấp nhận đưa tranh chấp ra tòa án Công ước biển Liên Hợp Quốc trong khi các bên còn lại không dại gì nghe theo Trung Quốc, đàm phán tay đôi, nên ít nhiều Singapore làm trọng tài cũng là một phương án có thể đặt ra trong trường hợp này.

Với những tổ chức trọng tài pháp lý đã có và phán quyết có hiệu lực trên 140 quốc gia hiện nay, trong tương lai không xa, Singapore hoàn toàn có khả năng trở thành trọng tài xử lý các tranh chấp trong khu vực, chí ít như tranh chấp thương mại xảy ra khi Trung Quốc tìm mọi cách hạn chế (thực tế là cấm) nhập nông sản từ Philippines nhằm gây sức ép với Manila về vụ Scarborough.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Blogger Nguyễn Xuân Diện muốn gì?

Nhiều trang mạng đang "câu view" chuyện Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có giấy mời của Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đến làm việc liên quan đến các thông tin trên blog của ông này.



Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu ông Diện không lôi kéo bà Lê Hiền Đức – người đã ngoài 80 tuổi cùng đến. Thế rồi tại Sở TT&TT Hà Nội xảy ra vụ gây rối trật tự, phá hoại tài sản vào chiều ngày 01/6 và rạng sáng ngày 02/6 do bà Đức gây ra. (Xem bài: Bản chất vụ việc bà Lê Hiền Đức tại Sở TT-TT Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết: Vào chiều ngày 01/6, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội có mời ông Nguyễn Xuân Diện (blogger Nguyễn Xuân Diện) cán bộ Viện Hán Nôm lên làm việc. Theo chương trình, Thanh tra Sở chỉ mời ông Diện. Tuy nhiên, khi ông Diện đến, mặc dù không thuộc đối tượng và không liên quan đến nội dung buổi làm việc này, đi cùng với ông Diện vẫn có luật sư Hà Huy Sơn và bà Lê Hiền Đức cũng đòi tham dự. Tất nhiên, Thanh tra Sở TT&T Hà Nội đã mời luật sư Sơn và bà Đức ra ngoài. Là người có hiểu biết, luật sư Sơn chấp hành còn bà Đức thì không. Bà Đức nói, bà muốn tham gia buổi làm việc với tư cách là người chứng kiến, thực hiện quyền giám sát của công dân đối với các cơ quan Nhà nước.

Nghe chuyện này, dư luận không khỏi ngạc nhiên vì việc ông Tiến sĩ Diện đâu phải là người cần trợ giúp pháp lý mà đưa ông Luật sư Hà Huy Sơn và bà Đức đi cùng? Mặc dù bà Lê Hiền Đức xưa nay có giúp đỡ những người dân vùng sâu vùng xa hiểu biết pháp luật… Tuy nhiên, thật vô lối khi ông Diện đưa cả bà già ngoài 80 tuổi đi cùng với mình đến làm việc với Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội. Ông Diện không lẽ ú ớ đến mức phải cậy nhờ bà cụ đáng tuổi bà nội, bà ngoại giúp đỡ pháp lý? Ở tuổi này việc trái tính trái nết rất dễ xảy ra!

Và quả thực việc đó đã xảy ra. Theo ông Minh thì cơ quan này đã phải vận động, thuyết phục rất nhiều thời gian nhưng bà Đức kiên quyết “cố thủ”. Bà ngồi trước cửa phòng Thanh tra và đập cửa, nói năng ầm ĩ, gây rối, làm mất trật tự không cho ai làm việc. Đến 17h, khi đã hết giờ làm việc, cơ quan tế nhị mời bà Đức ra về nhưng bà không về mà vẫn ngồi lại chửi bới, lăng mạ hết người này đến người khác. Nhiều người đã thuyết phục nhưng bà Đức vẫn không chịu mà còn tiếp tục dùng ghế kéo gây tiếng ồn, rồi đập vỡ cửa kính, đập ổ khóa của phòng làm việc.

Buộc lòng, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội phải mời Công an quận Đống Đa đến giải quyết. Sau khi tiếp nhận được nội dung sự việc, Công an quận đã cử lực lượng xuống phối hợp cùng với Công an phường Cát Linh thu thập hồ sơ về hành vi gây mất trật tự của bà Phạm Thị Dung Mỹ tức là bà Lê Hiền Đức, sinh năm 1932, hiện trú tại ngõ 56, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đến 23h, bà vẫn quậy tưng bừng ở đây như đập cửa kính, sau đó lại dùng chân đạp vào cửa kính tự gây thương tích cho bản thân.

Công an quận Đống Đa cho biết, họ đã mời bà hợp tác lập biên bản tại hiện trường nhưng bà Đức không ký, mời bác sĩ Bệnh viện Đống Đa đến băng bó nhưng bà không chịu. Bà yêu cầu đưa đến Bệnh viện Hữu Nghị nên Công an quận đã phải cử 2 chiến sĩ đi kèm xe taxi đưa bà tới Bệnh viện Hữu Nghị. Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị, vết thương của bà Đức chỉ xây xát nhẹ nhưng bà cố tình làm to chuyện. Hành vi của bà Lê Hiền Đức đã vi phạm Nghị định 73 của Chính phủ vì đã đến trụ sở cơ quan Nhà nước gây rối, cản trở hoạt động, vi phạm Điều 143 Bộ luật Hình sự. Đáng ra, Cơ quan Công an phải bắt giữ bà Đức theo đúng quy định của pháp luật nhưng vì bà tuổi cao, sức yếu lại đang nằm bệnh viện nên khi nào ra viện, công an sẽ mời bà Đức đến quận làm việc và sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể thấy gì qua vụ này? Trước hết, việc Sở TT&TT Hà Nội mời ông Diện đến làm việc ngày 01/6/2012 là việc bình thường theo quy định của pháp luật hiện hành. Thế nhưng ông Diện đã tự ý đưa bà Đức đi cùng và kết cục là chính bà đã gây chuyện ở nơi công sở. Blogger Nguyễn Xuân Diện, được biết đến là người có rất nhiều hành vi bất bình thường với nhiều trang viết gây bất lợi cho công tác thông tin truyền thông hiện nay. Trên trang mạng cũng như trong xã hội, ông này có vẻ thích chơi trội. Trong vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, ông Diện có đứng ra hô hào cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, cầm được tiền rồi, ông lần khân mãi không chịu chuyển cho vợ con ông Vươn. Hà cớ làm sao?

Trong vụ Văn Giang, ông Diện cũng dây máu ăn phần và gọi bà con ở đây là “dân oan” (đã có ai bị bắt bớ, xét xử gì đâu mà oan!). Hóa ra, theo một blog, Ecopark khởi động từ năm 2003, năm 2004 được chính thức phê duyệt, đến hết 2008 đã có 80% số hộ nhận đền bù. Dự án bị “treo” gần chục năm vì số 20% “dân oan” kia.

Khi nhà đầu tư xuống thương thảo với dân, “dân oan” mang một đoàn xe máy quay ống pô vào phòng họp và… nổ máy. Đây là trò “phá thối”. Không ít hộ phải giấu kín khi nhận tiền đền bù vì “dân oan” từng đánh bả chết nguyên đàn lợn của một gia đình khi dám thách thức công khai.

Chủ đầu tư đã đích thân gặp gỡ hơn 40 “dân oan” cầm đầu. Đòi hỏi của “dân oan” là thế này: phải nhận đền bù gấp 3 các hộ khác và cam kết sẽ giữ bí mật về số tiền này cho nhà đầu tư.

Chủ đầu tư đưa ra hướng giải quyết: cho dù có giữ bí mật cũng không thể bất công trong giá đền bù giữa các hộ. Thay vào đó, vì lượng cây xanh yêu cầu trong Ecopark là cực lớn, các “dân oan” sẽ đóng vai trò nhà cung cấp và chủ đầu tư cam kết sẽ mua giá cao hơn giá thị trường. Trồng cây cảnh là chính nghề của “dân oan” và đất Văn Giang. “Dân oan” chỉ khoái “tiền tươi, thóc thật”, không khoái lao động phổ thông.

Đặc biệt nhất, “lãnh đạo” cầm đầu của số “dân oan” hiện đang bỏ trốn, nguyên là kẻ có tiền án và không có một mét đất nào nằm trong diện tích giải tỏa. Những điều kể trên, Diện biết không? Biết rõ mười mươi là đằng khác, vì Diện nằm trong chính số đó.

Chả trách có blogger đã gọi ông Tiến sĩ này là kẻ thần kinh chính trị cũng không sai! Xem ra ông Nguyễn Xuân Diện, người lôi kéo bà già tám chục đi cùng rồi bỏ mặc bà già này ở lại quậy phá ở cơ quan, thiết nghĩ cũng nên xem xét trách nhiệm liên đới.

Trần Công Dân

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Bản chất vụ việc bà Lê Hiền Đức tại Sở TT-TT Hà Nội

Sở TTTT Hà Nội cho biết, chiều ngày 1/6, Thanh tra sở TTTT Hà Nội mời ông Nguyễn Xuân Diện lên làm việc liên quan đến trang blog cá nhân của ông này.

 
Theo chương trình của buổi làm việc, chỉ có ông Diện được mời. Tuy nhiên, mặc dù không thuộc đối tượng và không liên quan đến nội dung buổi làm việc nhưng bà Lê Hiền Đức và luật sư Hà Huy Sơn cũng đòi tham dự. Theo quy định, cơ quan đã mời luật sư Sơn và bà Đức ra ngoài. Sau khi được giải thích, luật sư Hà Huy Sơn đã ra về, bà Lê Hiền Đức ở lại hành lang tầng 4 cản trở hoạt động của thanh tra. “Chúng tôi đã phải vận động, thuyết phục rất nhiều, song bà Đức vẫn chây ỳ. Bà ngồi trước cửa phòng Thanh tra và liên tục kéo cửa, gây mất trật tự không cho đoàn làm việc. Đến 17 giờ chiều 1/6, khi hết giờ làm việc, chúng tôi tiếp tục động viên, thuyết phục nhưng bà Đức vẫn không chịu mà còn dùng ghế kéo gây tiếng ồn, rồi đập vỡ cửa kính, đập ổ khóa của phòng làm việc…”- ông Minh nói.

Vị trí cửa kính bị bà Lê Hiền Đức đập vỡ.
Vị trí cửa kính bị bà Lê Hiền Đức đập vỡ.

Sau khi tiếp nhận sự việc, Công an quận Đống Đa đã cử lực lượng xuống phối hợp cùng công an phường Cát Linh giải quyết sự việc. Qua xác minh cho thấy, người vi phạm là bà Lê Hiền Đức (tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ) sinh năm 1932, hiện trú tại ngõ 56, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo hồ sơ vụ việc, bà Đức đã có hành vi chửi bới, gây rối trật tự tại trụ sở cơ quan; có hành vi dùng guốc đập vào cửa kính, sau đó dùng chân đạp vào cửa tự gây thương tích cho bản thân. Ông Bùi Văn Đại, trưởng công an quận Đống Đa cho biết: “Khi sự việc xảy ra, chúng tôi mời bác sỹ bệnh viện Đống Đa đến băng bó nhưng bà Đức không chịu. Bà yêu cầu đưa đến bệnh viện Việt – Xô nên chúng tôi đã đưa bà tới bệnh viện Việt- Xô. Thông tin từ bệnh viện cho biết, vết thương của bà Đức chỉ xây xát nhẹ nhưng bà cố tình làm to chuyện”.
Trước hành vi của bà Lê Hiền Đức, công an phường Cát Linh đã lập biên bản về hành vi gây rối và đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: ‘Mỹ cần sớm bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam’


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn Mỹ với tư cách là một cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp chiều 4/6, Bộ trưởng Leon Panetta nhấn mạnh, chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á – Thái Bình Dương. Ông mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh, quốc phòng.

Nhắc lại nội dung đã trao đổi với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào sáng cùng ngày, ông Panetta bày tỏ sự hài lòng về hợp tác quốc phòng hai nước thời gian qua. Bộ trưởng Panetta khẳng định với những nền tảng hiện có, Chính phủ Mỹ mong muốn hai bên sớm có thể nâng cao quan hệ lên một mức độ hợp tác cao hơn, vì lợi ích của hai nước.

Đánh giá cao những bước tiến tích cực trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu. Việt Nam mong muốn Mỹ với tư cách là một cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.


Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Để phục vụ mục tiêu này, Chính phủ Mỹ cần sớm bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng nêu một lĩnh vực đặc biệt chú trọng như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo; ứng phó với các vấn đề toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an toàn và an ninh biển; ứng phó với biến đổi khí hậu… vì lợi ích chính đáng và trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền.

Hoan nghênh những ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Panetta gửi lời cảm ơn Thủ tướng và các bộ, ngành Việt Nam đã tạo điều kiện để đoàn thực hiện chuyến thăm thành công tốt đẹp.

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: Tăng cường hợp tác, kết nối khu vực Đông Á


Chiều nay (31/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.

Với chủ đề “Định hình tương lai khu vực thông qua kết nối”, Hội nghị WEF Đông Á 2012 thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước trong khu vực Châu Á như Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Bahrain, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế như Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổng Giám đốc Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á và hơn 600 đại biểu là các chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các học giả quốc tế đến từ 50 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị tập trung thảo luận các đề xuất và giải pháp tăng cường hợp tác, kết nối khu vực Đông Á như là một phương thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị WEF
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị WEF

Các nước đánh giá cao mô hình và kết quả liên kết và hợp tác trong khuôn khổ ASEAN đã góp phần giúp các nước ASEAN duy trì tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao và ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức đang đặt ra cho phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức và phục hồi chưa bền vững.

Với dân số trên 600 triệu người và tổng GDP trên 1.800 tỷ USD, ASEAN được đánh giá là khu vực quan trọng, mang tính chiến lược trong nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực thông qua việc đẩy mạnh liên kết ASEAN và các cấu trúc liên kết ở Đông Á.

Hội nghị nhấn mạnh các nước Đông Á cần tiếp tục quá trình điều chỉnh các mô hình tăng trưởng nhằm thích ứng với bối cảnh kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Trong quá trình này, các nước cần chú trọng tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức phát triển đang nổi lên, nhất là triển khai các chính sách tài chính hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát, chu chuyển vốn, biến động giá cả hàng hóa; tái cấu trúc kinh tế hướng tới tăng trưởng cân bằng và bền vững; tăng cường phối hợp chính sách và hành động nhằm hạn chế hậu quả của những biến động không thể dự báo như thiên tai, biến đổi khí hậu. Các nước ASEAN cần tiếp tục quá trình xây dựng nền kinh tế đảm bảo an ninh lương thực, nước và năng lượng, đồng thời chú trọng tới thu hẹp khoảng cách phát triển và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên kỷ.

Phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, hợp tác, kết nối khu vực hiện là một trong những xu hướng chủ đạo tại Đông Á với vai trò tích cực của các nước trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN.

Song song với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN đã chủ động phối hợp với các nước đối tác trong và ngoài khu vực Đông Á triển khai nhiều chương trình, sáng kiến, cơ chế hợp tác đa dạng về cấp độ và phong phú về nội dung hợp tác, bao gồm các chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong, các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1 và ASEAN+3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS)…

Các chương trình, sáng kiến và cơ chế hợp tác đã góp phần thúc đẩy đối thoại, hiểu biết và phối hợp chính sách giữa các nước liên quan, tạo môi trường thuận lợi và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực, củng cố thêm vai trò của Đông Á trong cấu trúc kinh tế toàn cầu.

Những thành công đạt được đã tạo cho các nước Đông Á nhiều cơ hội và thuận lợi to lớn để làm sâu sắc hơn nữa hợp tác và kết nối khu vực; tuy nhiên, quá trình này cũng đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn không nhỏ. Tái cấu trúc kinh tế thế giới diễn ra mạnh mẽ trong điều kiện sản xuất kinh doanh suy giảm, lạm phát, nợ công gia tăng, giá năng lượng và lương thực thế giới diễn biến phức tạp… đòi hỏi các cấu trúc khu vực, trong đó khuôn khổ hợp tác Đông Á phải có những điều chỉnh phù hợp.

Đề cập tới chủ đề trọng tâm của Hội nghị là tăng cường hợp tác, kết nối khu vực như một nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các nước Đông Á và góp phần tạo nên sự năng động của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ nhiều đánh giá và đề xuất quan trọng, nhất là: phát huy các khuôn khổ hợp tác ở kkhu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm (như ASEAN + 1, ASEAN + 3, Cấp cao Đông Á…); đảm bảo “tính đồng bộ” trong hợp tác khu vực, đặc biệt là đồng bộ trong việc tham gia các nội dung hợp tác và đảm bảo hài hòa các chính sách, luật lệ, thủ tục trong các dự án kết nối kinh tế; tăng cường “tính thích ứng” của hợp tác, kết nối khu vực Đông Á trước những biến động của môi trường bên ngoài, ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tài chính-tiền tệ, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, quản lý thiên tai, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển trong đó có bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu bật chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, với một trong những ưu tiên là tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xác định trách nhiệm cao trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao hiệu quả tham gia các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực Đông Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, mở rộng thị trường xuất khẩu.