Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Vì sao Trung Quốc chưa dám bước qua vạch đỏ Biển Đông?


Trong tình hình hiện nay, chúng ta chưa thấy có dấu hiệu gì và cũng không có hy vọng nào về vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết tận gốc. Nếu bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc đạt được trong năm nay thì cũng chỉ hy vọng tạo ra một nguyên trạng nào đó.
Nhưng có thể Trung Quốc không bao giờ chấp nhận COC bởi họ không muốn duy trì một nguyên trạng như vậy.
Trung Quốc đang tìm mọi cách để nhằm thỏa mãn tham vọng chiếm trọn Biển Đông của mình. Nhưng, liệu có tồn tại những “vạch đỏ” nguy hiểm mà Trung Quốc chưa thể, chưa muốn vượt qua?
Tại sao Trung Quốc chưa hành động tiếp theo để hợp lý hóa khu tranh chấp đã chiếm được?
Hành động tranh chấp trực tiếp trên bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines đã kết thúc từ lâu. Có thể nói, Trung Quốc đã hoàn toàn làm chủ khi Philippines đã rút hết lực lượng của mình ra khỏi khu vực tranh chấp này trong khi 30 tàu cá Trung Quốc được sự bảo vệ của 2 tàu Hải giám, ung dung đánh bắt hải sản dù có lệnh cấm của chính họ ban ra và Philippines chấp nhận.
Với kết quả này, không những giới quân sự “diều hâu” mà các học giả Trung Quốc cũng hiếu chiến, hân hoan chẳng kém. Tất cả, theo họ đại loại là “Trung Quốc cần sớm phái tàu chiến ra bãi cạn Scarborough đồng thời xây dựng công trình quân sự và đóng quân tại khu vực này thì đó mới là “chiếm đóng thực tế”.
Sau đó, giới chức Trung Quốc sẽ ban hành văn bản pháp luật để tạo ra cái gọi là “khu an toàn” có bán kính 500 đến 600 hải lý lấy tâm từ Scarborough làm “căn cứ” xử phạt tàu thuyền bất cứ nước nào “vi phạm”…
Xét về tình thế cuộc tranh chấp thì Philippines không còn gì để nói, nhưng tại sao Bắc Kinh không dấn thêm bước nữa để hợp lý hóa chính thức thành lãnh thổ của mình như những đề nghị của thế lực “diều hâu”?
Tại sao Bắc Kinh không dấn thêm bước nữa để hợp lý hóa chính thức thành lãnh thổ của mình như những đề nghị của thế lực “diều hâu”? (Ảnh: Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc)
Tại sao Bắc Kinh không dấn thêm bước nữa để hợp lý hóa chính thức thành lãnh thổ của mình như những đề nghị của thế lực “diều hâu”? (Ảnh: Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc)
Rõ ràng là, nếu ai đó cho rằng Trung Quốc trong sự kiện Scarborough chỉ là thử sự đoàn kết trong khối ASEAN, thử độ tin cậy của hiệp ước Mỹ - Philippines thì chưa chính xác.
Trung Quốc không cần thử cũng quá rõ nội tình đoàn kết của ASEAN ra sao; Trung Quốc đã quá biết giới hạn trong Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ và Philippin ở đâu và Mỹ sẽ hành động ở mức độ nào …
Trước hết với ASEAN. Trung Quốc đã thành công khi dùng chính trị và kinh tế để chia rẽ ASEAN. Nguyên tắc “không can thiệp” khiến ASEAN trở nên trung lập, có lợi cho Trung Quốc trong vụ Scarborough. Nhưng nếu Trung Quốc dùng hành động quân sự tấn công Philippines đánh chiếm bãi cạn Scarborough hoặc có hành động xâm lược như phái “diều hâu” chủ trương ở trên thì chính Trung Quốc phá vỡ nguyên tắc “không can thiệp”, lập tức ASEAN là một phía chống lại Trung Quốc.
Việc các nước trong khối ASEAN ngả theo Mỹ, với Trung Quốc không đáng sợ bằng việc họ liên minh kinh tế, quân sự với nhau.
Đây là vạch đỏ nguy hiểm mà Bắc Kinh có đủ khôn ngoan không vượt qua khi chưa cần thiết.
Với Philippines, Trung Quốc thừa biết, hành động đến giới hạn nào thì Mỹ sẽ can thiệp. Mỹ chỉ can thiệp khi lợi ích cốt lõi của Mỹ bị xâm hại, tức tự do hàng hải bị ngăn chặn. Mỹ sẽ không can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đó không phải là lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Trung Quốc chưa làm gì chứng tỏ họ sẽ đóng các tuyến đường biển qua lại của các tàu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, hoặc nước nào khác thì đương nhiên Mỹ không dại gì nhúng tay vào.
Dù “kịch bản” Scarborough, Trung Quốc đã thu được những kết quả mong muốn, nhưng hậu quả cũng đem lại cho Trung Quốc ngoài ý muốn không ngờ. Philippines bỗng cứng rắn, mạnh mẽ hẳn lên.
Họ tăng cường sức mạnh quân sự, ngoài Mỹ ra lại được sự giúp đỡ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia khiến Philippines không còn là một mình, họ tự tin “chơi tới cùng” với Trung Quốc, đặt Trung Quốc vào thế bị động “tiến thoái lưỡng nan”.
Việc Mỹ đang nhăm nhe viện trợ cho Philippines hệ thống radar cảnh giới và máy bay chiến đấu hiện đại không ngoài mục đích là cảnh báo Trung Quốc chớ bước qua vạch đỏ nguy hiểm.
Nếu Trung Quốc dấn thêm bước nữa như chủ trương của thế lực “diều hâu”, lập tức Philippines sẽ được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại từ Mỹ, Nhật Bản… và họ sẽ không để yên cho Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm bãi cạn Scarborough.
Trong bối cảnh khu vực hiện nay, Trung Quốc có đủ khôn ngoan để không “đem xe đổi tốt”, làm khó cho mình khi bước qua vạch đỏ nguy hiểm đó.
Đó là lý do tại sao đến giờ Trung Quốc vẫn chưa biến vụ Scarborough “thành việc đã rồi” mà luôn tồn tại sự căng thẳng, nếu như không nói là đang leo thang vì Philippines không chịu khuất phục. Họ vừa tìm sự hỗ trợ sức mạnh từ bên ngoài, vừa kiên quyết đưa vụ tranh chấp ra quốc tế phán xét…Đây là điều mà Trung Quốc không muốn và bế tắc trong giải quyết.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc, ngoài việc phải kiểm soát được tình hình, tránh “lau súng bị cướp cò” hoặc dồn ép Philippines đến đường cùng còn phải bằng mọi cách như đe dọa quân sự, trừng phạt kinh tế…nhằm ngăn chặn, làm tê liệt sự phản kháng của Philippines, ít nhất làm cho Philippines không sử dụng biện pháp quân sự để có lợi thế khi đàm phán.

Đoạn cuối cho “kịch bản” Scarborough

Trên khu vực tranh chấp, hiện nay Philippines chỉ để lại 1 tàu canh chừng Trung Quốc (có thực hiện chủ trương như thế lực hiếu chiến đề xuất không), trong khi Trung Quốc vẫn còn 2 tàu Hải giám canh chừng cho khoảng 30 tàu cá của họ khai thác.
Trung Quốc không bao giờ rút lui bởi bất kỳ lý do nào từ Philippines vì Trung Quốc là nước lớn trong khi Philippines chỉ là “con muỗi”. Trung Quốc chỉ rút hết lực lượng khi mùa bão đến gần vì sợ Trời chứ không phải Philippines.
Đây là vụ tranh chấp song phương và trong thời gian này, bằng con đường ngoại giao Trung Quốc và Philippines sẽ giải quyết bằng hòa bình.
Gác tranh chấp cùng khai thác là chủ trương có thể được cả đôi bên chấp nhận?

0 Comments:

Đăng nhận xét