Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Chủ tịch nước có thể đề nghị bãi nhiệm Thủ tướng


Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Đây là một trong những điểm nổi bật được nêu trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày trước Quốc hội sáng nay 29/10.

Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng.

Theo đó, “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Bổ sung quyền của Chủ tịch nước

Chủ tịch nước có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Chủ tịch nước có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Đặc biệt, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng làm rõ hơn một số thẩm quyền của Chủ tịch nước trong một số lĩnh vực, sắp xếp lại nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trong mối quan hệ với hành pháp, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng làm rõ hơn thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Chính phủ; quyền tham dự các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; yêu cầu Chính phủ bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước khi cần thiết…;

Điều 94 của Hiến pháp sửa đổi cũng quy định: “Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết: trong việc thống lĩnh lực lưỡng vũ trang, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân; công bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp,…

Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: về vấn đề này, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị nêu thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nêu cụ thể tên các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế để bảo đảm tính khái quát, ổn định cao của Hiến pháp khi cơ cấu của nền kinh tế có thể thay đổi, đồng thời, thể hiện sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 55 của Dự thảo.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.

“Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”, dự thảo nêu.

0 Comments:

Đăng nhận xét